Rất nhiều người, không cứ là minh tinh là ca sĩ là người mẫu, khi về già “sến” chảy nước, thường cay đắng lẩm bẩm. “Cuộc đời giống như một giấc mộng xa xỉ”. Thuật ngữ “xa xỉ” dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đều dễ bị người ta hiểu rằng đấy là sự hoang phí hoặc lãng phí. Thậm chí, nhiều người từng lăn lộn thập thành ở showbiz, bỗng đa cảm bật khóc. Chẳng hiểu sao lúc trẻ khỏe, mình lại có thể loạng choạng sa ngã vì cám dỗ từ hộp son thỏi phấn, đại loại là mấy thứ xa xỉ mang vẻ vớ vẩn đến vậy.
Từ sâu xa, bản chất của sự sang trọng xa xỉ luôn không có lỗi. Có thể nói, lịch sử của sự xa xỉ được bắt đầu cùng với lịch sử văn minh nhân loại. Khi một bộ phận tinh hoa nào đấy (chính trị gia, kinh tế gia, nghệ thuật gia…) bằng trí tuệ và lao động đã may mắn sở hữu một khối tài sản hơn người, thì đương nhiên bọn họ tự cho phép được dùng những xa xỉ phẩm. Bát nào chẳng để mà ăn, nhưng với họ, bát phải bằng vàng đũa phải bằng ngọc. Sách nào chẳng để mà đọc, nhưng thú vị làm sao khi nó được làm từ loại giấy hạng nhất rồi được bọc bằng loại da thú tuyệt hảo. Chất lượng sinh hoạt quyết định chất lượng nhân cách. Từ điển tiếng Việt giải thích “xa xỉ phẩm” là “hàng tiêu dùng đắt tiền không thật cần thiết cho đời sống bình thường”. Có thật thế chăng, hay đấy chỉ là một cái nhìn thuần tuý dung tục vật chất, nó vắng hẳn một kích cỡ nhân văn cùng một nỗi khát khao bay bổng khác thường. Bởi trớ trêu thay, chính nhờ sự sang trọng xa xỉ mà văn minh nhân loại mới hoành tráng đạt đến mức tinh tế. Các công trình kiến trúc hay điêu khắc hao người tốn của từng một thời bị dân chúng nguyền rủa, thì giờ đây nhân loại vinh danh là những kiệt tác vĩ đại. Nên nhớ, hầu hết các công trình đó đều sinh ra từ những ý niệm ngông cuồng xa xỉ.
Tuy nhiên, trong thế giới của xa xỉ luôn tồn tại một nguyên tắc, quý vật chỉ đãi quý nhân. Chân ngắn mà đòi leo cao, mồm móm mà muốn nhai món quý, tất yếu dẫn tới những hậu quả tệ hại khôn lường. Sử Tàu chép, mùa thu năm 964, Tống Thái Tổ khởi đại binh tấn công tiểu quốc Hậu Thục. Có một điều làm kinh hãi quân Tống, đấy không phải tinh thần kháng cự của đối phương mà là sự xa xỉ kinh hoàng của Thục chúa. Khi biên tịch của cải ở hậu cung, quân Tống tìm thấy một vật cực lạ. Nó là một thùng nhỏ được đẽo ra từ nguyên khối ngọc lục bảo, hai bên quai xách là hai bàn đế bằng vàng ròng nạm chi chít kim cương. Là người hiểu nhiều biết rộng nhưng vua Tống cũng chịu không biết đấy là vật gì. Sau hơn một tuần họp nội các mới đoán định được đó là cái bồn cầu, thuật ngữ nội thất đương đại nôm na gọi là bệ toalét. Hoàng đế nhà Tống tuy sang trọng quen thói nhưng cũng phải ứa nước mắt cảm thán. “Bồn cầu mà xa xỉ đến mức này thì đồ ăn thức uống còn xa hoa đến đâu. Hoang phí như vậy làm gì mà không mất nước”.
Đích thực của sự sang trọng xa xỉ thường có chân có giả. Chân xa xỉ là đem cái của mình hoang phí cho đời, còn giả xa xỉ là cưỡng chiếm những cái hay ho của đời để xa hoa phục vụ cho mình. Bạo chúa Neron là loại giả xa xỉ, tay này đốt cả kinh thành La Mã chỉ để tìm hứng làm thơ. Thi sĩ đích thực khác hẳn, họ sống tuyệt vời lãng phí để có những vần thơ trong trắng nhất.
Với họ, thơ là một xa xỉ phẩm thiêng liêng của Thượng Đế.