Dù ghét dù yêu, bạn cũng không thể không ngước nhìn những thiết kế này, và đó là điểm “đáng tiền” của chúng.
Superluminova là chất dạ quang thường được phủ lên kim và các cọc số nhằm giúp người đeo đọc giờ trong bóng tối dễ dàng hơn. “Nạp năng lượng” bằng ánh sáng, chất hóa học này tự động phát quang ở điều kiện ánh sáng yếu và thường được ứng dụng trong các mẫu đồng hồ thể thao hoặc đồng hồ công cụ dành cho phi công hoặc thợ lặn. Cũng vì lẽ đó mà Superluminova hiếm khi xuất hiện trên các mẫu đồng hồ dạ tiệc.
Trong khi hầu hết các hãng đồng hồ Thụy Sĩ vẫn sử dụng chất liệu này theo những tiêu chuẩn truyền thống thông thường thì một số đại diện tiên phong đã có ý tưởng đầy tham vọng dành cho chất phát quang này. Kết quả vô cùng lạc quan.
Bình thường vào ban ngày song lại “tỏa sáng” khi đêm về, Superluminova không chỉ là một phần cần thiết trong “nội thất” đồng hồ, mà đang dần trở thành một nguồn cảm hứng thiết kế thú vị. Những chiếc đồng hồ trong bài viết đã được thai nghén từ nguồn cảm hứng ấy và đang ghi dấu ấn tượng trong giới mộ điệu.
Roger Dubuis Excalibur TwoFold
Ít ai biết rằng, Roger Dubuis Excalibur TwoFold sở hữu bộ vỏ và vành bezel mang màu trắng thuần khiết được chế tác từ Mineral Composite Fiber (MCF) – vật liệu tổng hợp có tính “siêu trắng” với 99.95% thành phần là silica, nguyên liệu chủ đạo làm ra gốm. Roger Dubuis nắm độc quyền kỹ thuật sản xuất loại vật liệu này, đặc biệt là quá trình xử lý tấm đúc hợp chất (Sheet Molding Compound – SMC), trong đó các tấm thạch anh mỏng được kết hợp với keo epoxy và chất tạo màu, trước khi “đúc” trong môi trường áp suất cao.
Ngoài bộ vỏ và vòng bezel, các cầu nối lộ cơ của cỗ máy cũng được tạo nên bằng MCF, đem lại nét thẩm mỹ rất riêng cho Excalibur TwoFold. Tấm khung trên và các bộ phận vành trong cũng như kim đồng hồ đều tỏa ánh sáng huyền ảo trong bóng tối. Chất phát quang cũng không phải dạng thường, mà thực chất là LumiSuperBiwiNova với khả năng phát sáng lâu hơn 60% so với chất dạ quang tiêu chuẩn.
Panerai Luminor Marina Fibratech PAM1119
Chọn tên gọi “Luminor”, Panerai không ngần ngại thể hiện tham vọng đưa những chiếc đồng hồ flagship của mình vượt xa khỏi những giới hạn thông thường về vẻ thẩm mỹ của hiệu ứng dạ quang. Thực ra, Luminor – vốn có nguồn gốc từ một chất đồng vị phóng xạ của Hydro là tritium – đã được Panerai sử dụng lần đầu tiên từ 70 năm trước. Ngày nay, thương hiệu đã chuyển qua dùng Superluminova với đặc tính không phóng xạ, một lựa chọn mới mẻ, có khả năng phát quang sáng hơn hẳn các vật liệu khác.
Đối với bộ ba Luminor Marina mới, Panerai đã sử dụng X1 – một biến thể tiến hóa từ Superluminova. Theo nhà sản xuất, X1 phát quang sáng hơn và tồn tại lâu hơn tiêu chuẩn chung của ngành. Panerai tự tin về vật liệu mới đến mức sẵn sàng bảo hành đến 70 năm. Như trong hình bên, chất dạ quang được phủ quanh mặt bích cũng như mặt số Sandwich cổ điển, núm xoay, vành bảo vệ núm bên hông và trên chỉ dây đeo.
Zenith Defy El Primero 21 Carl Cox
DJ nổi tiếng của xứ sở sương mù Carl Cox vừa gia nhập “hội những người bạn của Zenith” và kết quả của mối quan hệ chính là chiếc đồng hồ siêu “ngầu” được làm hoàn toàn bằng các-bon này. Để “hoàng tử bóng tối” của Zenith tỏa sáng, hãy tìm đến những chốn thiếu vắng ánh sáng, và bạn sẽ được thỏa mãn khi chiêm ngưỡng những sắc màu thực thụ của một cỗ máy đếm thời gian đầy cá tính. Vào ban ngày, các-bon chỉ mang một sắc đen đơn điệu, nhưng nếu được “tắm” trong ánh đèn UV, vòng bezel sẽ hiện lên những đốm hoa văn độc đáo, những vân sọc “nổi loạn” đặc trưng của thứ vật liệu được gọi là “Forged-Carbon”.
Để tạo nên hiệu ứng thị giác bắt mắt kể trên, Zenith hẳn phải trộn vật liệu các-bon với chất SuperLuminova trước khi đúc thành hình dạng hoàn thiện sau cùng. Tương tự, phần chỉ khâu trang trí dây màu đen cũng được xử lý với Superluminova.
(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Mười mang chủ đề “Where Dreams Come Home”)