Dù có bao nhiêu công nghệ hiện đại ra đời, chức năng điểm chuông vẫn trường tồn cùng thời gian, đại diện cho kỹ nghệ chế tác đồng hồ đỉnh cao chỉ những nhãn hiệu danh tiếng hàng đầu thế giới mới đủ khả năng thực hiện. Hãy lắng nghe thanh âm của 5 cỗ máy điểm chuông phức tạp bậc nhất và chia sẻ của những người tạo ra chúng.
Karl-Friedrich Scheufele – Chủ tịch, Chopard
Người phát triển bộ chức năng điểm chuông đầu tiên trên thế giới với buồng cộng hưởng làm từ saphire. Được cấu tạo từ 533 bộ phận, chiếc L.U.C Full Strike có giá 282.000 đô-la Mỹ.
“Ngày nay, bạn chỉ có thể gọi mình là một nhà chế tác đồng hồ thực sự khi tinh thông cơ chế tối thượng này. Đối với chỉ 11 bộ chuyển động được chế tạo trong suốt 20 năm qua, chúng tôi luôn được thúc đẩy bởi một nguyên tắc tự lập ra, đó là bộ chuyển động sau phải tiến xa hơn một bước so với sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.”
Jean-Christophe Babin – Tổng giám đốc Bulgari
Người giới thiệu chiếc đồng hồ điểm chuông mỏng nhất thế giới tại triển lãm Baselworld năm 2016. Được bán với giá 193.000 đô-la Mỹ, bộ chuyển động của Octo Minute Repeater chỉ dày 3,12mm, một con số cực kỳ ấn tượng.
“Nếu bạn tân trang cho cổ tay của mình với một kỷ lục thế giới, người ta sẽ đặt câu hỏi liệu rằng thương hiệu nào có khả năng phá vỡ nó, thế nhưng đây là một thách thức không hề nhỏ trong trường hợp cụ thể này. Mặc dù mang trong mình chức năng cao cấp và phức tạp, Octo Minute Repeater lại có dáng vẻ đầy phong cách và cá tính. Bạn có thể đeo chúng hàng ngày, và thậm chí cả khi vui chơi tại bể bơi.”
Jean-Claude Biver – Chủ tịch, Hublot, Zenith và Tag Heuer
Người thuyết phục được nghê sĩ piano Lang Lang đồng hành cùng Hublot, đồng thời ra mắt chiếc đồng hồ điểm chuông đầu tiên dành riêng cho một nghệ sĩ cổ điển vào tháng 11 năm 2016. Chiếc đồng hồ Classic Fusion Tourbillon Cathedral Minute Repeater Carbon dành cho Lang Lang có giá 298.000 đô-la Mỹ.
“Những ai sẵn sàng chi một số tiền khổng lồ để sở hữu siêu phẩm này đều là những người đã làm việc chăm chỉ. Chắc chắn khách hàng phải là người có hiểu biết uyên thâm về đồng hồ vì bạn chẳng nhìn thấy một viên kim cương nào cả. Tất nhiên, vụ mua bán sẽ không thiên về khía cạnh đầu tư, mà giống như một biểu hiện của sự trân quý tay nghề thủ công và các chi tiết cầu kỳ của tuyệt phẩm đo đếm giờ này. Bằng cách nào đó, bạn bước gần tới với sự vĩnh hằng của thời gian.”
François-Henry Bennahmias – Giám đốc điều hành Audemars Piguet
Người ra mắt chiếc đồng hồ với bộ điểm chuông vang nhất Royal Oak Concept Supersonnerie. Siêu phẩm có giá 685.000 đô-la Mỹ này được nghiên cứu và phát triển cùng các chuyên gia âm thanh trong suốt 8 năm trời, bí mật được ẩn giấu ở đây chính là buồng cộng hưởng mô phỏng chức năng một cây đàn guitar.
“Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ trong tám năm chỉ để nghiên cứu chiếc đồng hồ này, với mục tiêu cuối cùng là được nghe thứ âm thanh huyền diệu của một chiếc đồng hồ độc nhất. Và đó chẳng phải là định nghĩa của sự xa xỉ thời nay sao?”
Wilhelm Schmidt – Giám đốc điều hành, A. Lange & Söhne
Người đã cho phép các kỹ sư của mình kiến tạo ra chiếc đồng hồ điểm chuông đeo tay với màn hình hiển thị thời gian số và hệ thống trật tự thập phân đầu tiên trên thế giới, Zeitwerk Minute Repeater có giá 513.000 đô-la Mỹ. Những chiếc cồng méo mó với hình dáng độc đáo được phô trương ngay trên mặt số.
“Có nên mua một chiếc đồng hồ với giá hơn nửa triệu đô? Chắc chắn rồi, vì đó cũng là lý do chúng ta đầu tư vào một tác phẩm nghệ thuật, một chiếc đồng hồ vintage hay một bộ trang sức quý phái – bởi vì bạn được sở hữu một vật phẩm có giá trị trường tồn. Với đặc trưng rõ nét, âm thanh ấm áp của chiếc đồng hồ sẽ lấp đầy con tim người nghe bằng niềm hân hoan.”