Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp kiêu sa mà hồng hạc còn được biết đến bởi khả năng đứng thăng bằng chỉ với 1 chân.

Màu hồng hay cam?

Màu sắc của chim hồng hạc, dù hồng, cam hay thậm chí trắng, phụ thuộc vào thức ăn của chúng. Chim hồng hạc ăn tảo xoắn và các loài động vật giáp xác như tôm, cua – những loài có chứa chất tạo màu gọi là carotenoid. Enzyme trong gan sẽ phân hóa các carotenoid này thành các phân tử mang sắc tố hồng và cam. Những phân tử này sẽ được hấp thụ vào chất béo tích tụ ở phần lông, mỏ, và chân chim.

Vì sao chim hay đứng một chân?

Các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ phát hiện ra rằng hồng hạc có một cơ chế hoạt động đặc biệt ở chân khiến hai chân chạm khít vào nhau khi đứng thẳng. Một nghiên cứu của tiến sĩ Matthew Anderson, đến từ Đại học St Joseph ở Philadelphia, cho thấy rằng loài chim này áp dụng tư thế đứng một chân để tiết kiệm năng lượng, đồng thời phát hiện ra số lượng chim nghỉ trên một chân giảm xuống khi nhiệt độ tăng.

Nơi sinh sống

Chim hồng hạc sống ở những khu vực đầm lầy, lòng hồ cạn hoặc vùng nước nông. Thường tụ tập thành những đàn lớn, chúng tìm kiếm thức ăn bằng cách dùng chân xới bùn và dùng mỏ gắp cả bùn lẫn nước. Mỏ chim được cấu tạo với khả năng loại bỏ bùn và nước ra khỏi thức ăn. Điều này xảy ra khi chim ngửa đầu lên trời.

Chiều cao và cân nặng

Có tổng cộng 6 giống hồng hạc và chỉ những ai có con mắt tinh tường mới phân biệt được chúng. Chim hồng hạc trưởng thành có chiều cao từ 4-5 feet (tức khoảng 120-150cm), nhưng chỉ cân nặng khoảng từ 4-8 pound (tức khoảng 1,8-3,6 kg) với sự phân bổ trọng lượng vô cùng đặc biệt.

Quá trình nhân giống

Chim đực và chim cái sẽ cùng nhau xây tổ và cả hai cùng ngồi trên quả trứng trong quá trình ấp suốt một tháng. Khi trứng nở, chim bố và chim mẹ sẽ thay phiên nhau cho chim con ăn. Thức ăn đầu tiên của chim non là một chất lỏng đặc biệt được tạo ra từ diều của chim bố mẹ được gọi là “sữa diều”.