Cặp đôi nông dân “bất đắc dĩ” đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống trong lần “chạy trốn đại dịch”.

Mùa xuân 2020 có lẽ là thời khắc khó quên trong lịch sử nhân loại với cơn bùng phát đại dịch Covid-19, nhấn chìm cả thế giới trong cơn đại hồng thuỷ của thứ virus chết người. Giống như những bộ phim về ngày tận thế, trong cơn hoảng loạn, cư dân các thành phố lớn đã phải tìm cách đào thoát thực tại. Nhiều người chọn cách giã từ nhịp sống đô thị để tìm đến những miền quê yên ả và vẽ lại bản đồ đời mình. Có thể họ sẽ trở thành những nông dân đích thực hay bắt đầu thực hiện hóa giấc mơ nghệ thuật đã ấp ủ từ lâu. Cũng có không ít người trong số họ lên kế hoạch cho các sản phẩm tích hợp blockchain đầy tiềm năng. Nhưng “91.530 Le Marais” của cặp vợ chồng đến từ Paris – Victoire de Pourtalès và Benjamin Eymère – lại là một dự án kết hợp cả ba kịch bản trên.

Trên chiếc Citroën Ami hướng về phía cánh đồng gai dầu thuộc vùng nông thôn nước Pháp, Eymère mô tả dự án của họ như “một khu vườn thí nghiệm R&D ngoài trời” và sẽ là nơi nghệ thuật, tự nhiên và khoa học giao thoa với nhau. “91.530 Le Marais” được đặt tên dựa trên zip code của Le Château du Marais – trang viên với tổng diện tích gần 400 héc-ta tráng lệ từ thời Louis XVI, nơi gia đình De Pourtalès đã sinh sống qua nhiều thế hệ.

Château du Marais
Đôi vợ chồng trong khu vườn gai dầu. (Hình ảnh: Christopher Bagley)

Điều khiến cho cô và Eymère mê đắm nơi đây là khu rừng và đồng cỏ bát ngát. Tuy lúa mì là cây trồng phổ biến tại nơi đây, nhưng cặp đôi đã sớm nhận ra tiềm năng của cây gai dầu, “siêu thực vật” vốn phát triển nhanh chóng, không cần thuốc trừ sâu và có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng cùng khả năng phân hủy sinh học.

Cả hai vợ chồng đều không phải là nông dân chính hiệu. Trong khi de Pourtalès là đồng sáng lập VNH Gallery kiêm Giám đốc phòng tranh David Zwirner tại Paris cho đến năm 2020 thì Eymère là Giám đốc điều hành tập đoàn L’Officiel Inc. Nhưng mối lương duyên với nghề trồng trọt đến từ những ngày cuối tuần của họ và hai cậu con trai tại trang viên rộng lớn. Trong nỗ lực xây dựng một phòng thí nghiệm cạnh bên cánh đồng gai dầu, họ đã làm việc với Kulapat Yantrasast – kiến trúc sư nổi tiếng đến từ Thái Lan – để lên kế hoạch cho một dự án sử dụng vật liệu xây dựng là “bê tông xanh” với thành phần chính đến từ cây gai dầu. Từng là học trò của kiến ​​trúc sư kiêm bậc thầy bê tông người Nhật Bản Tadao Ando, ​​Yantrasast tỏ ra rất hào hứng khi tiếp nhận “thử thách” này. Ông bày tỏ: “Dẫu kiên cố nhưng bê tông thường lại không thể tái chế, trong khi tính xốp rỗng của bê tông làm từ cây gai dầu giúp cách nhiệt và âm thanh hiệu quả hơn”.

Château du Marais
Thưởng thức bữa sáng với cà phê và bánh sừng bò ngay trong khuôn viên dinh thự rộng lớn. (Hình ảnh: Christopher Bagley)

Nhưng điều thật sự thu hút vị kiến trúc sư đến với dự án là cách tiếp cận sáng tạo của de Pourtalès và Eymère nhằm bảo tồn giá trị lịch sử lâu đời của tòa lâu đài. Công trình này từng được ví như “thiên đường” của giới nghệ sĩ và nhà văn trong thế kỷ 19, là nơi tổ chức các buổi tọa đàm văn chương của nhà văn chuyên viết hồi ký Madame de la Briche và là địa điểm quen thuộc của học giả François-René de Chateaubriand. Bà cố của De Pourtalès, Anna Gould, tiếp tục phát huy truyền thống sau khi tiếp quản nơi đây cùng chồng là Bá tước Boniface de Castellane kể từ năm 1897.

Château du Marais
Kiến trúc sư Kulapat Yantrasast. (Hình ảnh: Christopher Bagley)

Ngày nay, khi hiểu rõ tâm nguyện của nhiều nghệ sĩ muốn được hòa mình với thiên nhiên để tìm kiếm nguồn cảm hứng vô tận, de Pourtalès tổ chức chương trình văn hóa nghệ thuật hằng năm trong khuôn viên không chỉ để thỏa mãn khao khát của giới mộ điệu, mà còn thông qua đó nhằm tôn vinh vẻ đẹp tráng lệ của tòa lâu đài.

Château du Marais
Phòng khiêu vũ của lâu đài. (Hình ảnh: Christopher Bagley)

Vào năm 2019, Pourtalès khởi động chương trình lưu trú dành cho các nghệ sĩ nhằm tạo ra một không gian sáng tạo ngay trong khuôn viên điền trang. John Fou – một họa sĩ trẻ người Pháp – đã triển lãm loạt tác phẩm lấy cảm hứng từ 100 con ngựa tại đây dưới dạng một vòng quay ngựa gỗ độc đáo. Edith Dekyndt còn trưng bày một tấm vải lớn mà cô đã chôn dưới đất sau ba tháng liền nhằm thể hiện sự thay đổi của vật thể dưới tác động của môi trường. Đặc biệt phải kể đến Phytocene – tác phẩm của hai nhạc sĩ Agoria, Nicolas Becker và nhà lý-sinh học Nicolas Desprat – tái hiện cách các cây gai dầu “giao tiếp” với nhau thông qua video và hình ảnh đầy nghệ thuật. Mỗi tác phẩm của các nghệ sĩ đều được trưng bày trong một “phòng tranh” lấy cảm hứng từ chuồng ngựa do Yantrasast thiết kế và xây dựng từ bê tông xanh.

Mặc dù vùng nông thôn của Pháp sở hữu những nông trại đẹp tựa tranh vẽ, nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng hệ thống nông nghiệp ở đây đã được công nghiệp hóa từ nhiều thập kỷ trước. Eymère và de Pourtalès đang tìm cách thiết lập lại mối liên kết bền vững giữa người nông dân và đất đai thông qua việc sử dụng các phương pháp canh tác nhằm tăng năng suất đồng thời giảm tác động đến môi trường. Acron, công ty sản xuất phân bón đến từ Nga, đã tạo ra một sản phẩm dành riêng cho cánh đồng gai dầu giàu đất sét. Ngoài ra, nơi đây còn được gắn kết các thiết bị giám sát và đo lường kỹ thuật với khả năng theo dõi và ghi nhận dữ liệu khí hậu. Cặp đôi không dừng lại ở việc bán cây trồng, mà còn tham vọng đưa gai dầu trở thành một xu hướng. Ngoài cây gai dầu, họ còn nghiên cứu về sản phẩm dệt và sợi, cũng như các loại dầu tự nhiên cho đến các sản phẩm làm đẹp, xây dựng một nền tảng blockchain cho phép truy xuất nguồn gốc từ cây con đến thành phẩm. Sắp tới, de Pourtalès và Eymère sẽ cho ra mắt dòng rượu gin được làm thủ công từ cây gai dầu.

Château du Marais
Con hào bao quanh trang viên. (Hình ảnh: Christopher Bagley)

“Chúng tôi có rất nhiều tham vọng với loại cây này và sẽ dành trọn đời mình tại ‘91.530 Le Marais’ để ươm mầm và biến chúng thành hiện thực”.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 6 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “A World To See”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)