Mang đến cảm giác nghẹt thở đầy phấn khích cho hàng vạn khán giả, nhưng ít người biết rằng, giải đua Công thức 1 và mới đây là Công thức E còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển vượt bậc của ngành chế tạo ô tô. Air Race E, dự kiến khởi tranh trong năm 2020, cũng hứa hẹn làm nên thành tích tương tự với những cỗ máy chinh phục bầu trời bằng điện năng.
Vào ngày 23.05.1909 tại sân bay Port-Aviation ở phía nam Paris – Pháp, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra: Giải đua máy bay đầu tiên trên thế giới chính thức khởi tranh, tạo tiền đề cho một kỷ nguyên bùng nổ trong ngành hàng không cũng như thời kỳ vàng son của những cuộc đua trên không vào thập niên 20s và 30s của thế kỷ trước, thu hút hàng trăm ngàn khán giả theo dõi.
Hơn một thế kỷ đã trôi qua và cuộc tranh tài của những chiếc máy bay điện – Air Race E trong năm 2020 hứa hẹn sẽ lại khiến các tín đồ trên khắp thế giới rộn ràng mong đợi và đóng góp đáng kể vào sự phát triển bền vững của ngành sản xuất máy bay, đặc biệt là những cỗ máy sử dụng động cơ điện.
Jeff Zaltman, nhà sáng lập giải đua Air Race E, là một gương mặt thân quen trong thế giới của những đường đua trên không với thành tích lẫy lừng khi tổ chức sự kiện Air Race 1 – một sự kiện được ví như “giải F1 dành cho máy bay”. Bằng kinh nghiệm lâu năm cũng như khả năng đánh giá thấu đáo, Zaltman nhận thấy thời cơ cho các cuộc đua trên không theo phương thức mới đã chín muồi: trình độ kỹ thuật tiên tiến, sự phát triển mạnh mẽ của động cơ điện dành cho hàng không, những tay đua máu lửa và kinh nghiệm tạo nên một giải đua quốc tế hấp dẫn.
Sau hai năm lên kế hoạch và những bước chuẩn bị cần thiết, Air Race E đã sẵn sàng cho buổi ra mắt đầu tiên trong năm nay, quy tụ 11 đại diện tham gia. Các đội có thể tạo ra thiết kế riêng nhưng phải bay theo một đường đua khép kín. Zaltman chia sẻ: “Với quy định cho phép các đội tạo ra nhiều biến thể thiết kế, giải đua hứa hẹn sẽ thúc đẩy vô số sáng tạo và cách tân kỹ thuật trong khuôn khổ sự kiện”.
Đặc biệt, “ông lớn” trong lĩnh vực hàng không – Airbus cũng tham gia trong vai trò đối tác thành lập giải. Điều này không chỉ góp phần tăng thêm uy tín cho sự kiện thể thao còn non trẻ mà còn giúp các đội tiếp cận công nghệ hiện đại. Theo Zaltman, Air Race E sẽ tạo tiền đề phát triển một hệ thống điện tử tích hợp động cơ điện, pin năng lượng và bộ nguồn, có thể dễ dàng lắp đặt sử dụng và mở ra tiềm năng phổ biến trong tương lai gần.
Tương tự như những cỗ xe tranh tài tại giải đua Công thức E, để tham gia Air Race E, các mẫu máy bay trang bị động cơ xăng tranh tài tại Air Race 1 trước đây sẽ được trang bị động cơ điện. Trường đại học Nottingham đã hợp tác với Air Race E trong quá trình phát triển máy bay thuần điện có thể đạt tốc độ 450 km/h mà vẫn đủ linh hoạt để “lượn” trong một trường đua khá “chật chội”. Các cỗ máy tranh tài sẽ bay 10 vòng tại trường đua, mỗi vòng khoảng 5 km và giải được tổ chức thường niên tại một thành phố lớn trên thế giới. Thời gian và địa điểm cho kỳ tổ chức 2020 vẫn chưa được xác nhận chính thức.
Là tác giả của mẫu thủy phi cơ chạy điện đầu tiên trên thế giới ra mắt vào năm 2018, Equator Aircraft đến từ Na Uy là đội đua mới nhất gia nhập Air Race E. Giám đốc Equator, Tomas Brodreskift chia sẻ: “Đặc điểm của giải đua giúp chúng tôi khám phá các đặc điểm kỹ thuật có tác động đến hiệu năng của hệ truyền động chạy điện, và giúp máy móc được đẩy lên đến giới hạn tột đỉnh trong một môi trường thử nghiệm an toàn”. Những tiến bộ và kiến thức đúc rút từ cuộc đua này sẽ tiếp tục được ứng dụng trong ngành chế tạo máy bay. “Mục tiêu tham gia giải đua không gì khác là cải tiến hiệu năng và thiết kế cho các mẫu thủy phi cơ chạy điện dành cho người dùng phổ thông”, Brodreskift cho biết.