Ít ai nghĩ rằng Audemars Piguet Royal Oak Offshore từng bị coi là một thiết kế “quỷ quái” khi ra mắt vào năm 1993. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những tín đồ đương thời, những “bí từ” dành cho Royal Oak Offshore không hẳn là không có lý.
Royal Oak – “cơn mưa” chỉ trích & một biểu tượng huyền thoại
Tọa lạc tại vùng Le Brassus, Thụy Sĩ từ khi thành lập cho đến tận ngày nay, Audemars Piguet là hiện thân của các kỹ thuật chế tác lâu đời đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe, được dẫn dắt bởi truyền nhân của hai dòng họ Audemars và Piguet. Đây là một trong số thương hiệu hiếm hoi duy trì vị thế hoàn toàn độc lập từ năm 1875 cho đến nay.
Cùng với bao thăng trầm của ngành chế tác đồng hồ Thụy Sĩ, lịch sử Audemars Piguet cũng ghi nhận nhiều giai đoạn vô cùng khó khăn, trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng Quartz đầu thập niên 70, chứng kiến sự sụp đổ của nhiều thương hiệu lớn. Thị trường đồng hồ Ý với sức mua lớn vào thời điểm đó đã lọt vào “tầm ngắm” của Audemars Piguet. Khi người Ý mong đợi một chiếc đồng hồ chất liệu thép “chưa từng có” nhưng vẫn đảm bảo độ xa xỉ vượt trội, Audemars Piguet đã đánh liều để tìm ra câu trả lời.
Với yêu cầu gấp gáp từ CEO của Audemars Piguet đương thời, bản vẽ Royal Oak được nhà thiết kế huyền thoại Gerald Genta sáng tạo chỉ trong một đêm. Tuy nhiên, người ta cho rằng Genta đã quá căng thẳng khi vẽ mẫu đồng hồ này trong một thời gian quá ngắn, nên đã tạo ra một chiếc đồng hồ thép có thiết kế không thuận mắt: kích thước 39mm quá to khiến chiếc đồng hồ được giới phê bình gọi là “Jumbo”, hay những cái đinh tán trên viền bezel và bộ kim loại được gắn trực tiếp vào phần vỏ đồng hồ là những chi tiết khá lạ lẫm so với thẩm mỹ đương thời.
Thực tế thì với viền bezel bát giác, Audemars Piguet Royal Oak đã đẩy kỹ thuật hoàn thiện đánh bóng thủ công lên một tầm cao mới. Những mặt cắt ngang, mặt đứng, mặt vát đòi hỏi độ chính xác cao hơn khi được chải satin. Bộ dây thanh mảnh tích hợp vào vỏ đồng hồ giúp ôm tay hơn và có khả năng giãn nhẹ còn các mắt dây cũng được đánh bóng thanh lịch.
Về sau, Royal Oak từng bước được đón nhận bởi giới tinh hoa, chẳng hạn tài phiệt Agnelli của Italia, Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha, Hoàng tử Michael xứ Kent, Shad của Iran và nhiều yếu nhân tầm cỡ, từ đó tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính khác trên thế giới.
Audemars Piguet được cứu sống qua cuộc khủng hoảng Quartz là nhờ có Royal Oak mở ra khái niệm đồng hồ thể thao xa xỉ. Sau hơn 20 năm, Audemars Piguet lại một lần nữa đối diện sự nghi hoặc với Royal Oak Offshore.
Royal Oak Offshore – cuộc mạo hiểm nối tiếp Royal Oak
Những năm cuối thập kỷ 80, Giám đốc Audemars Piguet khi đó là ông Stephen Urquhart đã giao cho nhà thiết kế trẻ Emmanuel Gueit dự án tạo ra phiên bản Royal Oak mới có kích cỡ lớn hơn nhằm hướng đến nhiều khách hàng trẻ tuổi, từ đó mở rộng thị phần cho Royal Oak. Không muốn lược bỏ bất kì chi tiết nào đã giúp chiếc đồng hồ trở thành một biểu tượng, Gueit đã mạnh dạn quyết định chọn kích thước 42 mm và bổ sung các điểm nhấn để tạo nên một chiếc đồng hồ thể thao lớn hơn, mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, trong suốt 4 năm, rất nhiều lần dự án của Gueit bị dừng rồi lại tái khởi động cùng những nỗ lực trong tuyệt vọng. Ngay cả khi được đưa vào sản xuất, Audemars Piguet cũng đã tính toán đến trường hợp thất bại khi quyết định chỉ ra mắt thử nghiệm 100 chiếc đầu tiên không khắc chữ Offshore tại nắp lưng, mà chỉ vỏn vẹn dòng chữ Royal Oak.
Khi trình làng, ngay lập tức Royal Oak Offshore với kích thước 42mm đón nhận vô vàn lời chê bai, thậm chí nhà thiết kế Gerald Genta không ngại nói rằng: “Royal Oak Offshore đã phá huỷ đứa con của tôi”. Giới mộ điệu khi đó gọi tác phẩm này bằng biệt danh “The Beast” (Quái Thú). Thế nhưng không ít lâu sau, đây lại trở thành một trong những bộ sưu tập chủ chốt, giúp Audemars Piguet tạo ra một khái niệm mới trong ngành đồng hồ: những chiếc đồng hồ thể thao đích thực.
Royal Oak Offshore – kết hợp giữa dòng chảy quá khứ & tầm nhìn đi trước thời đại
Nếu Royal Oak là cột mốc chuyển mình của Audemars Piguet từ thế giới truyền thống vào nhịp sống đương đại thì Royal Oak Offshore là cú hích lớn hơn, trải ra tầm nhìn xa rộng, giúp Audemars Piguet củng cố thêm vị trí người tạo ra xu hướng cho ngành đồng hồ cao cấp.
Khi “lên tay” chiếc Royal Oak Offshore, chủ nhân sẽ cảm thấy quen thuộc với viền bezel bát giác đặc trưng và mặt Petite Tapisserie như lời khẳng định về dòng dõi gia đình. Là kỹ thuật chế tác thủ công lâu đời của nhà Audemars Piguet, kỹ thuật khắc họa tiết Tapisserie sử dụng các mũi kim loại để khắc lên mặt đồng hồ những họa tiết hình vuông diện tích đều đặn siêu chính xác, tạo nên hiệu ứng tinh tế.
Sự hấp dẫn của Royal Oak hay Royal Oak Offshore còn nằm ở độ hoàn thiện tinh xảo. Kỹ nghệ đánh bóng chải xước tạo những nét lượn mượt mà trên bề mặt và sự tương phản ở những góc vát bóng bẩy.
Nếu như bản Royal Oak đầu tiên có kích thước 39mm sở hữu độ mỏng thanh lịch thì Royal Oak Offshore lại mang đường kính 42mm và diện mạo xù xì, mạnh mẽ nhắm tới những quý ông thượng lưu Đông Âu và châu Mỹ. Đây có thể nói là bước đầu thay đổi thẩm mỹ và nhận thức về đồng hồ thể thao đích thực trong giới đam mê đồng hồ xa xỉ. Ngày nay, kích cỡ 42mm đã trở nên phổ biến trong ngành chế tác đồng hồ.
Ngay dưới bezel đa giác của Royal Oak Offshore là một viền cao su nhỏ để lộ, giúp chiếc đồng hồ chống nước ở độ sâu 100m, một điểm nhấn thú vị liên hệ chặt chẽ với cái tên Royal Oak Offshore, có nghĩa là “ra khơi”. Thiết kế như vậy không hề phổ biến tới tận ngày nay nhưng lại đại diện cho một cá tính rõ rệt, một công năng hiệu suất mà Royal Oak Offshore tiên phong hướng tới.
Bên cạnh đó, Royal Oak Offshore là chiếc đồng hồ thể thao đích thực luôn đi cùng với tính năng phức tạp Chronograph. Các vạch chỉ giờ trắng được phủ lumi, dạ quang trong điều kiện thiếu sáng. Viền bezel trong có thêm viền chỉ tachymeter giúp chiếc đồng hồ thể thao thêm hài hoà, tinh tế. Cỗ máy mà Royal Oak Offshore sử dụng là bộ 3126/3840 chronograph cấu thành từ 365 chi tiết, có dự trữ năng lượng 50 giờ.
Có khả năng chống nước ở độ sâu 100m và chịu được nước nóng cũng như luồng hơi nước mạnh, các nút bấm chronograph được chế tác từ Therban – một vật liệu đặc biệt được tập đoàn Bayer ra mắt năm 1986 sau 11 năm nghiên cứu ròng rã, có thể chịu mức biến nhiệt từ -45 độ C cho tới 165 độ C, với giới hạn cao nhất 180 độ C.
Có thể nói, Royal Oak Offshore đã kế thừa truyền thống đồng thời tinh chỉnh thêm các chi tiết nhỏ từ nguyên bản Royal Oak, mở cánh cửa để thử nghiệm nhiều khía cạnh mới, tạo ra trường phái chế tác những chiếc đồng hồ mạnh mẽ cả về vẻ ngoài lẫn hiệu quả trong công năng, hiệu suất.
Tại các boutique Audemars Piguet ngày nay, những mẫu đồng hồ đầu tiên từ thép, vàng và platinum nằm chung trên kệ với những chất liệu mới như titatnium, carbon, ceramic và cao su. Mỗi thử nghiệm giúp đưa những chiếc Royal Oak Offshore đi xa hơn với điểm xuất phát nhưng vẫn tiếp nối những nền tảng đã giúp mẫu đồng hồ này sống sót và thành công, góp phần tạo nên vị thế và sức ảnh hưởng của Audemars Piguet – thương hiệu đồng hồ cao cấp duy nhất trên thế giới còn được điều hành bởi hậu duệ đời thứ tư của hai dòng họ sáng lập.