Nhiều thương hiệu phát triển bất động sản hạng sang đang dốc lực cho một cuộc chơi lớn mang tên bất động sản hàng hiệu (Branded Residence) với các chuẩn mực quốc tế.

Thị trường bất động sản hạng sang đang chứng kiến cuộc ganh đua khốc liệt giữa các anh tài mạnh gạo, bạo tiền. Không còn bó hẹp trong các tiện ích cơ bản như hồ bơi, phòng tập gym hay hệ thống cửa hàng tiện ích, nhiều thương hiệu phát triển bất động sản hạng sang đang dốc lực cho một cuộc chơi lớn mang tên bất động sản hàng hiệu (Branded Residence) với các chuẩn mực quốc tế, từ kiến trúc, thiết kế nội thất cho đến dịch vụ xứng tầm.

Dự án Aston Martin Residences tại Biscayne Boulevard Way, Miami.

Branded Residence ở xứ người

Đã hơn 90 năm trôi qua kể từ thời điểm xuất hiện khái niệm bất động sản hàng hiệu đầu tiên trên thế giới qua mô hình khách sạn Sherry-Netherland ở Đại lộ số 5, New York. Trong gần một thế kỷ đó, phân khúc bất động sản hàng hiệu đã phát triển mạnh mẽ với trên 400 dự án đình đám tại hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, thập niên 1980 mới là giai đoạn bùng nổ của phân khúc bất động sản hàng hiệu. Trong kỷ nguyên này, Four Seasons Hotels & Resorts, thương hiệu nghỉ dưỡng đến từ Canada, đã bán hết các căn hộ của khách sạn Boston và bắt đầu mở rộng ra toàn cầu với việc khai trương Regent Hotels tại châu Á vào năm 1992. Theo chân Four Seasons Hotels & Resorts là Ritz-Carlton với các khách sạn tại khu vực Bắc Mỹ. Kể từ đó, với hơn 50 điểm đến, hai thương hiệu cao cấp này trở thành những tên tuổi thống lĩnh thị trường.

Khu vực hồ bơi ngoài trời

Thập niên 2000 chứng kiến sự gia nhập thị trường của một loạt tên tuổi mới như Starwood, Fairmont Six Senses, Banyan Tree, W Hotels, Shangri-La, Taj, Viceroy, và Mandarin Oriental. Trong một thập niên sau đó, nhiều anh tài khác như Trump, Waldorf-Astoria, JW Marriott, Hyatt Regency, Aman cũng không đứng ngoài cuộc, đặc biệt phải kể đến sự hiện diện của những thương hiệu thời trang tên tuổi như Bulgari, Versace, Moschino, Armani, hay các thương hiệu thiết kế như Philippe Starck, Frank Gehry, Norman Foster, Marcel Wanders, Kelly Hoppen, Candy & Candy, Baccarat, Daniel Libeskind, César Pelli, thậm chí là cả các thương hiệu xe sang như Aston Martin và Porsche hay các thương hiệu truyền thông cao cấp như Vogue Cafés và GQ Bars.

Bất chấp những bất ổn về kinh tế do dịch bệnh, 2020 vẫn là một năm kỷ lục với hơn 100 dự án căn hộ hàng hiệu mới được giới thiệu ra thị trường. Miami, Dubai và New York vẫn là ba thành phố dẫn đầu toàn cầu về căn hộ hàng hiệu, trong khi con số các điểm đến mới nổi như Ai Cập, Việt Nam, Anh, Maroc, Malaysia, Úc và Ả Rập Xê Út…. đang khiến thị trường trở nên nhộn nhịp hơn. Nếu như khu vực Bắc Mỹ là nơi chiếm tỷ trọng cao nhất về căn hộ hàng hiệu thì sự trỗi dậy của châu Á trong thời gian gần đây với tỷ lệ 30% cho thấy tiềm năng của châu lục này.

Theo báo cáo Spotlight: Branded Residences – 2020 của Savills, trên thị trường căn hộ hàng hiệu thế giới, các thương hiệu khách sạn tiếp tục chiếm ưu thế với 84% dự án căn hộ hàng hiệu đã hoàn thiện và 88% tổng quy mô, nhưng dự kiến có 11 thương hiệu mới không thuộc lĩnh vực khách sạn sẽ tham gia vào lĩnh vực này vào năm 2025. Xét về sự phân bổ địa lý, 63% căn hộ hàng hiệu trên thế giới nằm ở các khu vực đô thị, số còn lại phân bổ tại các điểm nghỉ dưỡng ven biển hoặc cao nguyên. Hiện Marriott International là thương hiệu thống soái phân khúc này, chiếm 21% thị phần trên toàn cầu với hơn 60 dự án căn hộ hàng hiệu đang được triển khai trên khắp thế giới.

Aston Martin Residences, tòa căn hộ cao nhất ở phía Nam New York, biểu tượng của phong cách sống thượng lưu.

Tất cả các chủ sở hữu thương hiệu đều đưa ra các nguyên tắc khắt khe liên quan đến sự nhất quán giữa kiến trúc, thiết kế nội thất và phong cách sống để thể hiện một cách chính xác thông điệp thương hiệu – từ các món ăn do các đầu bếp nổi tiếng chế biến, các tiêu chuẩn sinh thái, cho đến độ lớn về diện tích căn hộ cũng như tầm nhìn ngoạn mục.

Tuy nhiên, dù phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe, nhưng các thương hiệu phát triển bất động sản hàng hiệu vẫn cho thấy hiệu quả cao xét về khía cạnh kinh doanh. Báo cáo 2016 của Graham Associates cho thấy rằng căn hộ hàng hiệu có mức giá bán trung bình cao hơn 31% so với các căn hộ phi hàng hiệu tương đương, mặc dù con số này thay đổi đáng kể tuỳ theo vị trí, đồng thời duy trì giá trị bán lại và mang lại lợi nhuận cho thuê cao hơn.

Việt Nam, thị trường tiềm năng cho bất động sản hàng hiệu

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Thái Lan và Việt Nam hiện là hai thị trường dẫn đầu với đa số các dự án căn hộ hàng hiệu hiện diện tại các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng. Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… là những nơi đã, đang và sẽ thu hút các dự án bất động sản hàng hiệu như Four Seasons Resort The Nam Hai, Four Points by Sheraton Đà Nẵng, Sheraton Nha Trang Hotel & Spa, Hyatt Regency Nha Trang, Hyatt Regency Ho Tram Resort & Residences, JW Marriott Phú Quốc Emerald Bay Resort & Spa… Tuy nhiên, con số các dự án căn hộ hàng hiệu tọa lạc tại trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM có thể nói là chưa nhiều. “Mặc dù bất động sản hàng hiệu là mô hình tạo nên nhiều sự khác biệt nhưng tại Việt Nam, hiện có rất ít dự án áp dụng mô hình này, đặc biệt tại hai thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh. Sự thiếu hụt về nguồn cung sẽ tạo cơ hội cho các dự án tiên phong áp dụng mô hình này.” – bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam, chia sẻ.

Hyatt Place Saigon tại Quận 7, TP.HCM.

Vài năm trước, thị trường xôn xao trước thông tin một thương hiệu khách sạn siêu sang sẽ khai trương dự án căn hộ hàng hiệu mang tên mình tại cung đường đắt giá nhất TP.HCM. Năm ngoái, Hyatt bắt tay với Xuân Mai Sài Gòn để phát triển dự án Hyatt Place Saigon và Hyatt House Saigon ở quận 7. Đặc biệt, đầu năm nay, Masterise Homes gây sốc thị trường bằng màn bắt tay với Marriot International để phát triển bộ ba siêu dự án bất động sản hàng hiệu: The Grand Marina, Saigon, The Ritz-Carlton Hanoi, và Ritz-Carlton Saigon. Các dự án được phát triển hứa hẹn sẽ là những biểu tượng vượt thời gian với chất lượng tiêu chuẩn tương đương như bất cứ các căn hộ hàng hiệu nào khác trên thế giới. Có vẻ như Masterise Homes đang phất cờ cho một cuộc chơi mới mang tên bất động sản hàng hiệu vốn rất khốc liệt này.

Bến du thuyền tại dự án Grand Marina, Saigon.

Lý giải về tiềm năng của phân khúc bất động sản hàng hiệu tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, bà Dương Thuỳ Dung cho biết: “Tốc độ tăng trưởng của tầng lớp giàu và siêu giàu tại Việt Nam trong giai đoạn 2020–2025 được dự báo là 36%, cao thứ hai trong khu vực, chỉ sau Indonesia. Bên cạnh đó, với tiềm năng tăng trưởng, chính sách đầu tư cởi mở, Việt Nam là nơi thu hút kiều hối, FDI và cả lực lượng chuyên gia nước ngoài từ các thị trường đã phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông… Với số lượng người giàu và siêu giàu tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng, trong những năm tới, việc giới thiệu mô hình mới này sẽ giúp đưa các sản phẩm bất động sản đẳng cấp và chất lượng đến với những người có khả năng chi trả – những doanh nhân C-suit của các công ty đa quốc gia, Việt kiều, khách du lịch cao cấp cũng như giới đầu tư. Là những người đã quen thuộc với các trải nghiệm đẳng cấp ở nước ngoài nên khi các sản phẩm này được giới thiệu tại Việt Nam, họ sẽ dễ dàng đón nhận hơn.”

 

(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng 7&8 mang chủ đề “Health Or Wealth”)