Bên cạnh thiết kế theo trường phái Tân Victoria cùng các căn phòng nghỉ kiểu cổ điển kết hợp với tiện nghi hiện đại, The Jahan lôi cuốn du khách bước vào một hành trình đến những vùng đất ít được biết đến của thế giới.


Trong hai thập kỷ qua, tàu du lịch thường gắn liền với công viên nước, nhà hàng và các buổi biểu diễn Broadway, đưa hàng nghìn hành khách qua các tuyến đường biển nổi tiếng. Các thương hiệu khách sạn xa hoa như Four Seasons, Ritz-Carlton Yacht Collection và Aman at Sea cũng tham gia vào cuộc đua, tạo ra những du thuyền cỡ lớn mang phong cách du thuyền cá nhân, với các tiện ích như câu lạc bộ bãi biển hay tàu ngầm thám hiểm. Ngoài ra, một số du thuyền nhỏ hơn phục vụ các hành trình đến Galapagos, sông Nile hoặc những vùng xa xôi nhưng thu hút du khách.


Tuy nhiên, chuyến đi bảy đêm trên con tàu boutique The Jahan của Heritage Line lại mang đến một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tôi là một trong số chỉ 14 hành khách trên tàu (một lợi ích khi du lịch vào tháng 9 – mùa nước nổi nhưng ít khách), trong một hành trình đưa chúng tôi đến những nơi xa khỏi lộ trình du lịch thông thường đến mức có cảm giác như đang quay ngược thời gian.


The Jahan mang phong cách Tân Victoria, với những căn phòng thanh lịch, và dịch vụ thượng hạng.


Chuyến du ngoạn chậm rãi, yên bình dọc theo hạ lưu sông Mekong, qua vùng nông thôn Campuchia và miền Tây Việt Nam, mang đến cảm giác giống như đang lênh đênh trên một du thuyền thế kỷ 19 hơn là một con tàu du lịch hiện đại. Một phần là bởi thiết kế bên ngoài của The Jahan gợi nhớ đến tàu hơi nước thời thuộc địa, trong khi nội thất mang phong cách tân Victoria là sự pha trộn giữa Ấn Độ thuộc Anh và Đông Dương thuộc Pháp, với nội thất kiểu đồn điền, đồ trang trí tinh tế, các phòng nghỉ mang phong cách cổ điển và những chi tiết bằng sắt rèn.


Tàu có 26 cabin, mỗi phòng đều có ban công hướng sông và khu vực tiếp khách. Một số phòng được trang bị giường bốn cọc và có quản gia riêng để tạo nên trải nghiệm hoài cổ trọn vẹn. Tuy nhiên, các tiện nghi hiện đại như hồ bơi nước nóng bên cạnh quầy bar ngoài trời, ẩm thực fusion xuất sắc lấy cảm hứng từ Đông Nam Á cùng với dịch vụ tận tâm đến mức gần như “quá mức” đã mang lại những nét đặc trưng của một du thuyền hiện đại. Ngoài ra, trên boong dưới còn có phòng tập gym, phòng xông hơi và khu vực massage.

Nội thất căn phòng như đưa du khách vượt thời gian về quá khứ.


The Jahan là một trong bảy du thuyền suite của Heritage Line tại Đông Nam Á. Thương hiệu này là tâm huyết của nhà sáng lập John Tue Nguyen, người lớn lên bên dòng sông Hương, thuộc cố đô Huế. Heritage Line đang tận dụng xu hướng du thuyền đường sông ngày càng phổ biến, nhưng với một phong cách riêng biệt ở một khu vực chưa được khai thác mạnh. Uniworld, thương hiệu chuyên về du thuyền nội địa cao cấp, báo cáo rằng số lượng du khách đi du thuyền sông đã tăng 50% trong hai năm qua và dự đoán rằng hình thức này sẽ vượt qua du thuyền đại dương vào năm 2028.


Trên lý thuyết, hành trình của The Jahan khá giống với một chuyến charter du thuyền: mỗi ngày, du khách thức dậy ở một địa điểm mới và có thể khám phá các vùng đất ven sông mà không cần lo lắng về nhà ga, khách sạn hay sân bay. Nhưng trên thực tế, chuyến đi đưa chúng tôi đến một thế giới hoang sơ với những ngôi nhà sàn, làng nổi có trại cá sấu, chùa chiền Phật giáo, những chiếc xuồng gỗ mộc mạc và vô số người dân địa phương thân thiện. Hành trình bắt đầu từ Siem Reap, thành phố lớn thứ hai của Campuchia, xuôi theo sông Tonlé với dãy núi Cardamom làm nền phía xa.

Khôn t Cao Dai Temple, Tân Châu, An Giang, Vietnam
Không gian Đền thờ đạo Cao Đài ở Tân Châu, An Giang, Việt Nam.


Ngày thứ hai, chúng tôi ghé thăm ngôi làng hẻo lánh Angkor Ban—hoàn toàn đối lập với một điểm du lịch nổi tiếng—nơi có những ngôi nhà gỗ quý hiếm hơn trăm năm tuổi, và chứng kiến các nhà sư mặc áo cà sa cam nhận đồ cúng sáng. Buổi chiều, chúng tôi đi tuk-tuk (một chiếc xe kéo do xe máy kéo) đến làng Prek Bangkong, nơi nổi tiếng với nghề dệt lụa tinh xảo bậc nhất châu Á, và ghé thăm House of Norodom—nơi từng là tư gia của hoàng gia trước khi họ chuyển đến Hoàng cung ngay trung tâm Phnom Penh.

The pool deck offers the best views of the surrounding banks, while the lower deck has a spa and dining area.
Boong trên tàu bao quát ra quang cảnh sông nước hữu tình, trong khi boong dưới sở hữu phòng spa và khu ẩm thực.


Ngoài những chuyến du ngoạn ven bờ, hành trình còn có các buổi tập Thái Cực Quyền vào sáng sớm trên boong tàu, cocktail buổi tối bên hồ bơi, và những bữa tiệc buffet hấp dẫn (gà amok và súp xanh Khmer của bếp trưởng Bora là những món ăn tuyệt vời). Du khách có thể lựa chọn giao lưu hoặc tận hưởng không gian riêng tư, nhưng nhóm khách đến từ sáu quốc gia của chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết, cùng nhau chia sẻ bàn ăn, câu chuyện du lịch, và thậm chí cả những chuyến xe bò kéo hai bánh chậm rãi qua những con đường gập ghềnh—một trải nghiệm được mô tả là “không thoải mái, nhưng không thể nào quên”—đến một ngôi trường địa phương do một tổ chức phi chính phủ điều hành.


Có những chuyến đạp xe xuyên qua cánh đồng lúa đến những ngôi làng nổi tiếng với nghề làm gốm hoặc sản xuất đường thốt nốt. Điều khiến tôi ấn tượng mãi là sự thân thiện và hiếu khách của người dân nơi đây, và rằng nếu không đi bằng đường sông, chúng tôi sẽ không thể có cùng một trải nghiệm như vậy.


Ngày thứ tư, The Jahan cập bến Phnom Penh, nơi chúng tôi khám phá thành phố bằng xe “cyclo”—một phương tiện ba bánh chạy bằng sức đạp. Chúng tôi ghé thăm hoàng cung, chùa Bạc nổi tiếng và trại giam “S21”—nơi Khmer Đỏ đã hành quyết khoảng 1,5 đến 3 triệu người Campuchia từ năm 1976 đến 1978 dưới thời Pol Pot.

The onboard entertainment.
Nghệ sĩ biểu diễn trên tàu.


Trải nghiệm đau thương nhất là khi đến Tuol Sleng, một trường học cũ bị biến thành nhà tù, nơi Khmer Đỏ đã tra tấn và giết hại 20.000 người Campuchia. Những bức ảnh tù nhân trên tường, các phòng giam được giữ nguyên trạng và những hiện vật ám ảnh khiến nhiều du khách trong đoàn phải rời đi sớm. Tối hôm đó, hai nhà sư và một vị linh mục Phật giáo Nguyên thủy đã thực hiện một buổi tụng kinh và ban phước ngay trên The Jahan. Đó là một trải nghiệm văn hóa đáng quý sau khi chứng kiến phần nào những gì đất nước này đã trải qua.


Ngày hôm sau, khi tàu rời Campuchia và tiến vào Việt Nam, sự khác biệt ngay lập tức hiện rõ với tiếng còi xe máy và những con đường tấp nập. Khi lên bờ, chúng tôi lướt qua những vườn cây ăn trái bằng tuk-tuk, dừng lại để thưởng thức măng cụt và mít.

Đi xe bò, một “trải nghiệm không thoải mái nhưng khó quên” và những điểm tham quan ở Đồng bằng sông Cửu Long.


Tại làng Mỹ An Hưng, chúng tôi có một khoảnh khắc như “thời gian ngừng trôi” khi được một gia đình địa phương biểu diễn âm nhạc. Buổi chiều cùng ngày, tại Cái Bè, chúng tôi quan sát những người phụ nữ làm giấy, bánh và rượu từ gạo. Tại chợ Tân Châu, sự giao thoa của cộng đồng người Hoa, Kinh và Khmer đã tạo nên một không gian đầy màu sắc—nhưng tôi vẫn thích hơn những vùng quê yên bình, nơi những khu vườn tươi tốt được bao bọc bởi những con kênh ngăn lũ. Đêm cuối cùng, chúng tôi tận hưởng tài pha chế xuất sắc của bartender Ratanak tại quầy bar trên boong thượng.

‘Tàu chị em của Jahan, ‘Jayarvarman,’ là con tàu du lịch duy nhất khác mà tác giả quan sát thấy trong suốt 1 tuần trải nghiệm trên sông.


Trong suốt hành trình, chúng tôi không hề gặp bất kỳ đoàn khách du lịch nào khác, chỉ bắt gặp con tàu chị em của The Jahan—Jayarvarman—một lần duy nhất khi nó đi ngược dòng. Nếu bạn tìm kiếm sự hào nhoáng và ẩm thực tinh hoa, thì chuyến du thuyền này có lẽ không dành cho bạn. Nhưng nếu bạn trân trọng tính chân thực, yêu thích ẩm thực Đông Nam Á, những điểm đến ít người biết và một trải nghiệm du thuyền sang trọng nhưng không quá phô trương, thì đây có thể là lựa chọn lý tưởng.


Hành trình bảy ngày của The Jahan từ Siem Reap đến Sài Gòn trong mùa thấp điểm (mùa nước nổi), có tên gọi “Nền văn minh bị lãng quên,” có giá khởi điểm từ 3.000 USD/người cho hạng phòng Deluxe Stateroom, bao gồm bữa ăn, các chuyến tham quan và hoạt động giải trí trên tàu. Các dịch vụ spa và tour đạp xe có tính phí riêng.