Mẫu xe xa xỉ của thương hiệu Anh quốc viết tiếp câu chuyện thành công trong kỷ nguyên bền vững bằng trái tim lai hợp.
Với chiều dài từ Đông sang Tây chỉ tầm 50 cây số cùng những cung đường đậm chất đô thị, Singapore chắc chắn không phải là lựa chọn lý tưởng cho một chuyến thử xe. Chưa kể, xứ này chạy xe theo kiểu tay lái nghịch, tức là đi “trái đường” so với Việt Nam. Trên thực tế, với những người mới trải nghiệm lần đầu, chạy xe tay lái nghịch cũng giống như một học viên lần đầu rón rén mang xe ra đường. Hơi thở gấp gáp, mồ hôi thấm đầy lưng áo.
Tuy nhiên, lời mời từ Bentley Việt Nam vẫn khiến người viết bài cảm thấy háo hức. Không hẳn vì tôi đã quen với kiểu tay lái nghịch ở nhiều quốc gia hay chút suy nghĩ theo kiểu “nghề nào nghiệp nấy”. Thật ra, ký ức của tôi về Flying Spur vẫn quá ư ngọt ngào và sâu đậm. Chuyến trải nghiệm chiếc sedan siêu sang trên đất Monaco hồi 2019 cứ hiện lên như một thước phim đẹp đẽ. Lúc bấy giờ, phía trước tay lái là những tòa lâu đài trăm tuổi hay cung đường kỳ vỹ mang tên danh tướng Napoleon. Cỗ xe siêu sang với mãnh lực phi thường khiến giác quan của người lái được đánh thức tột độ.
Sẽ thế nào khi trái tim của Flying Spur không còn là khối động cơ W12 hay V8 uy lực? Phải chăng, sự xa xỉ và khoái cảm theo kiểu thượng lưu đã trở nên lỗi thời trong kỷ nguyên điện khí hóa? Những trăn trở thôi thúc tôi cầm lái chiếc Flying Spur Hybrid với trái tim lai hợp. Singapore hay Monaco giờ đây chỉ còn là địa danh trên bản đồ thế giới. Dĩ nhiên, sẽ thật hụt hẫng nếu thiếu đi những gia vị “năm sao”trong mỗi hành trình trải nghiệm một chiếc xe siêu sang như Bentley.
Sau chuyến bay chỉ vài giờ trên khoang thương gia, tôi bắt đầu thả lỏng trong khách sạn Fullerton Bay với tầm nhìn “triệu đô”. Xe chờ sẵn dưới sảnh nhưng chẳng cần lái vội. Tôi để ý, sự hiện diện chiếc Bentley trắng muốt khiến không ít người cảm thấy tò mò. Thật ra, khác với người đồng hương Rolls-Royce, xe Bentley không theo kiểu vuông thành sắc cạnh vốn bị xem là có phần già cỗi. Sự bề thế và hào nhoáng bên ngoài được điểm tô bằng nhiều chi tiết hiện đại và đầy sức sống. Đơn cử như kiểu đèn pha mang họa tiết kim cương cực kỳ đẹp mắt.
Đêm đầu tiên, chúng tôi dùng bữa trong nhà hàng La Barraserie, ngắm vịnh Marina huyền ảo. Sáng hôm sau, hành trình hướng về cực Bắc của Singapore, nơi giáp ranh với Malaysia. Đường sá ở đây khá đẹp, có cả cao tốc lẫn các cung đường ngoại thành không được phẳng phiu cho lắm. Dĩ nhiên, tôi đánh giá điều này bằng mắt thường vì hệ thống treo khí nén trên chiếc Bentley đã triệt tiêu gần như toàn bộ các dao động thân xe. Khối động cơ V6 cùng mô-tơ điện tạo ra sức mạnh 536 mã lực khiến chiếc xe nặng 2,5 tấn lướt đi nhẹ nhàng đầy thư thái. Mô-tơ điện giúp giải quyết triệt để sự trễ nải thường thấy trên các dòng xe sử dụng động cơ đốt trong. Mọi thứ thật tĩnh lặng. Không một tạp âm từ bên ngoài. Có chăng chỉ là những giai điệu thánh thót từ dàn loa Bang & Olufsen theo kiểu rạp hát. Mớm nhẹ chân ga, cỗ xe siêu sang vụt đi như gió cuốn. Sự cân bằng vẫn là hằng số, biến số chỉ nằm ở vòng tua và tốc độ.
Bao quanh người lái vẫn là không gian xa xỉ vốn có trên dòng xe Flying Spur. Nội thất hai tông màu được phối theo cách đầy nghệ thuật. Gỗ được lấy từ cây ngã xuống theo cách tự nhiên, da bò Bắc Âu phải là loại tốt nhất. Với Bentley, xa xỉ đồng nghĩa với sự trường tồn. Sự thay đổi về động cơ không làm mất đi cái phong thái kinh điển đậm chất quý tốc. Vẫn là phím điều khiển viền kim loại sáng bóng, những đường chỉ thêu kỳ công mang họa tiết kim cương trên lớp da bê mát rượi. Dấu ấn thủ công vẫn hiện diện trong từng chi tiết nhỏ.
Trong cơn bão điện hóa, cái đẹp thuần túy trên chiếc Bentley thật đáng trân trọng. Flying Spur Hybrid là bước đột phá lớn trong kỷ nguyên điện khí hóa của thương hiệu xe Anh quốc. Ở đó, sự xa xỉ sẽ được kế thừa trong hình hài bền vững.