Đêm 21 tháng 6 năm 1791, trong sự hỗn loạn và nỗi lo lắng khôn nguôi, Hoàng hậu Marie Antoinette cùng chồng là Vua Louis XVI và hai đứa con nhỏ lên đường chạy trốn khỏi Paris. Trước khi đi, bà đã cẩn thận đóng gói những món trang sức yêu quý nhất của mình và giao phó chúng cho một cận thần trung thành để chuyển đến tận tay người thân của bà tại Vienna, Áo. Hòm trang sức đó đã được Hoàng tộc Áo cất giữ cẩn thận và truyền lại cho Công chúa Marie-Thérèse – con gái cả của Vua và Hoàng hậu – khi Cách mạng Pháp kết thúc. Một thời gian sau, Marie-Thérèse đã tặng lại bộ sưu tập trang sức của mẹ mình cho các cháu của bà, trong đó có Nữ công tước xứ Parma, để từ đó lưu truyền cho đến ngày nay.


Trong những năm qua, nhiều tác phẩm trang sức như hoa tai, khuy cài, chuỗi ngọc trai, vòng tay kim cương … từ hòm lưu trữ này đã được gia tộc Bourbon-Parma đưa ra đấu giá, với mệnh giá ước tính từ khoảng 300.000 USD lên đến 4.000.000 USD cho mỗi món. Những kỷ vật mang đậm tính lịch sử này của Marie Antoinette không chỉ thu hút những chuyên gia sưu tầm, mà còn cả các học giả và công chúng. Tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Hoa Kỳ thuộc Viện Smithsonian, gian trưng bày đôi hoa tai kim cương của Marie Antoinette luôn là tâm điểm chú ý. Vậy vì lý do gì mà những món trang sức ấy có khả năng thu hút mạnh như vậy đến gần ba thế kỷ?

Hai chiếc vòng tay kim cương trước thuộc về Marie Antoinette đã được Christie's mang ra đấu giá vào năm 2021.

Nhiều người mặc định rằng Hoàng hậu Marie Antoinette là một kẻ ăn chơi hoang toàng, sẵn sàng chi tiêu cho những chiếc váy ngàn tầng ngàn lớp, bộ tóc giả cao chọc trời và trang sức quý hiếm. Chính thói ăn chơi ngông cuồng này đã dẫn đến sự sụp đổ của triều đình Versailles. Nhưng phong cách và lối sống của vị vương hậu này – như bao người khác – cũng đã trải qua nhiều thay đổi qua mỗi thời kỳ. Sinh ra tại Vienna dưới triều của Nữ Đại quân vương Áo Maria Theresa I, Công chúa Maria Antonia lớn lên với phong cách sang trọng nhưng không rườm rà.


Năm 14 tuổi, bà được gả cho Trữ quân Louis của Pháp dưới cái tên Marie Antoinette, và vị Trữ phi trẻ sớm bị cuốn theo vòng xoáy thời trang Versailles sa đoạ và phung phí, khiến mẹ bà không mấy hài lòng. Trong lá thư gửi con gái, Maria Theresa đã viết: “Một cô gái xinh đẹp và duyên dáng như con không cần phải ăn mặc quá trớn đến vậy. Theo ta, phong cách giản dị phù hợp hơn nhiều với cương vị của một Hoàng hậu.”

Bức chân dung Marie Antoinette trong chiếc váy muslin giản dị của hoạ sĩ Élisabeth Vigée Le Brun.

Sau một thời gian, Marie Antoinette đã chán ngán với những lễ nghi và sự phù phiếm của Cung điện Versailles, và ngày càng dành nhiều thời gian tại dinh thự Petit Trianon, nơi bà cho trồng cánh đồng hoa và trang trại bát ngát. Tại đây, phong cách của bà hướng đến sự tươi sáng, giản dị, điển hình là chiếc váy trắng bằng vải muslin khiến giới quý tộc bàng hoàng. Làm sao một Vương hậu Pháp lại có thể mặc bộ trang phục tối giản như thể người hầu vậy? Trong những năm tháng cuối cùng của triều đình Versailles, trang phục và trang sức của bà trở nên nghiêm nghị và trầm lắng, không còn bồng xoè phô trương như trước nữa. Nhưng sau nhiều thay đổi và biến cố, Marie Antoinette vẫn luôn trung thành với thẩm mỹ sang trọng và tinh tế dù là trong thời đại rococo hay giữa khung cảnh lãng mạn tại điền trang.


Phong cách của bà được lưu giữ trong mỗi kỷ vật còn sót lại như những món trang sức được gửi gắm cho Hoàng tộc Áo, có lẽ vì thế mà người ta luôn muốn được nhìn ngắm chúng, với hi vọng cảm nhận được những triết lý thẩm mỹ đó.
Chuỗi vòng ngọc trai và kim cương thuộc về Marie Antoinette được Sotheby's mang ra đấu giá vào năm 2018.

Tuy nhiên, có một điều đáng tiếc là những bộ sưu tập được giới thiệu ra công chúng chỉ là một phần rất nhỏ còn sót lại trong gia tài trang sức của Marie Antoinette. Hầu hết tài sản cá nhân của Vương hậu đã bị phá huỷ hoặc thất lạc trong thời kỳ Cách mạng, không còn rõ lai lịch và nguồn gốc, khiến những món trang sức từ kho lưu trữ của Hoàng tộc Áo còn quý giá hơn gấp vạn lần. Có lẽ chính sự hiếm hoi đó đã thôi thúc lòng khao khát chiêm ngưỡng và sở hữu những tác phẩm lộng lẫy này. Nhưng một phần nữa phải chăng con người luôn hiếu kỳ với những kỷ vật gắn liền với sự kiện lịch sử gây chấn động cả địa cầu?

 

Vào tháng 10/2024, Sotheby’s sẽ cho đấu giá một chiếc vòng cổ kim cương từng thuộc về gia tộc Hầu tước xứ Anglesey của Anh Quốc, với giá trị ước tính là khoảng từ 1.800.000 USD đến 2.800.000 USD. Ngoài thiết kế linh hoạt và duyên dáng, một lý do nữa biện minh cho giá trị của xuất phẩm này chính là ý kiến của các chuyên gia giám tuyển – những người cho rằng một số viên đá đính trên món trang sức này từng là một phần của chiếc vòng cổ kim cương đã gây tai tiếng cho vị Hoàng hậu xấu số.

Bản sao của chiếc vòng kim cương tai tiếng được trưng bày tại lâu đài Château de Breteuil.

Vụ án vòng kim cương là một trong những mốc lịch sử quan trọng dẫn đến Cách mạng Pháp và sự sụp đổ của Hoàng gia. Câu chuyện bắt đầu từ thời trị vì của Vua Louis XV, khi nhà vua đặt chế tác một chiếc vòng cổ để tặng cho người tình là Phu nhân Bá tước du Barry. Với gần 650 viên kim cương có tổng trọng lượng khoảng 2800 carat, đây hẳn là một tác phẩm có một không hai và thực sự vô cùng tốn kém trong khâu sản xuất. Thật không may cho các nghệ nhân, Vua Louis XV qua đời trước khi chuỗi vòng được hoàn thiện, và Phu nhân du Barry sớm bị đuổi khỏi Cung điện Versailles. Vào năm 1782, họ diện kiến món trang sức cho Vua Louis XVI với mệnh giá là 2.000.000 livre Pháp, nhưng chính Hoàng hậu đã từ chối, nói rằng: “Chúng ta cần 74 hạm tàu chiến hơn là một chiếc vòng cổ.”


Nhưng tin đồn về chuỗi vòng đã đến tai kẻ lừa đảo Jeanne Valois-Saint-Rémy, Phu nhân Bá tước de la Motte. Biết rằng trong triều đình có vị Hồng y Rohan muốn lấy cảm tình của Hoàng hậu, năm 1784, Phu nhân de la Motte đã thuyết phục ông mua trả góp chiếc vòng cổ trong thời hạn hai năm, nói là để thay mặt cho Marie Antoinette. Sau khi nhận được chiếc vòng, Phu nhân cùng Bá tước de la Motte lập tức tháo gỡ từng viên kim cương để mang sang bán tại London.


Tuy nhiên, vụ việc sớm bị vạch trần vào mùa hè năm 1785 khi nghệ nhân Böhmer gửi thư trực tiếp cho Hoàng hậu để nhắc bà về thời hạn thanh toán. Phẫn nộ, Marie Antoinette cho bắt giữ tất cả các nghi phạm liên quan và đưa ra truy tố xét xử nhưng đã quá muộn. Mặc dù là nạn nhân của một cú lừa ngoạn mục, nhưng danh tiếng của bà đã bị gắn liền với một vụ tai tiếng, và người dân Pháp bỏ ngoài tai những kết luận của toà án mà tin rằng chính “Phu nhân Nợ nần” (một biệt danh chế diễu Marie Antoinette) là người đã đứng sau sự việc này.

Bộ sưu tập vòng cổ, hoa tai, và khuy cài kim cương của Marie Antoinette đã được Sotheby's mang ra đấu giá vào năm 2018.

Trong thực tế, chuỗi kim cương đó chưa từng thuộc về Marie Antoinette, thậm chí bà đã từ chối sở hữu vì mệnh giá quá lớn, nhưng chính món trang sức ấy đã góp phần vẽ nên tấm bi kịch đau thương cuối đời bà. Không chỉ vậy, cổ vật này còn là một phần quan trọng của lịch sử – một trong những mồi lửa làm nổ ra cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Từ đó, thật dễ hiểu tại sao đến gần 300 năm sau, chúng ta vẫn bị chiếc vòng kim cương “của Marie Antoinette” mê hoặc.


Với đa số những kỷ vật của Vương hậu Pháp còn thất lạc hay chưa được truy cứu nguồn gốc, liệu sẽ có những món trang sức thú vị nào khác được hé lộ trong thời gian tới?