“Khái niệm về sự khan hiếm là một nguyên tắc cơ bản trong tâm lý học” – Chúng ta khao khát thứ mà mình khó với.

(Đọc kỳ 1 tại đây)

Lionel Geneste, một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực xa xỉ, cho biết thế giới trang sức cao cấp hiện đang bị chi phối bởi một cuộc chạy đua của các sự kiện siêu ấn tượng. Show thời trang Chanel ở Paris đã tổ chức một bữa tối vô cùng ấn tượng; Dior mời khách VIP dùng bữa tối ở Versailles; hai lần trong năm, Dolce & Gabbana mời khách VIP đến Milan và Capri; Bulgari tri ân thượng khách ở Rome; còn Van Cleef đãi tiệc ở miền Nam nước Pháp. “Không phải là mọi người đang ganh đua để được mua trang sức mà họ mua những món đồ này để được mời tham gia các sự kiện đặc quyền của thương hiệu.”

Fiona Druckenmiller, người sáng lập FD Gallery, một cửa hiệu trang sức ở Manhattan chuyên khai thác tác phẩm của các nhà thiết kế độc lập có uy tín như Hemmerle, Viren Bhagat và Joel Arthur Rosenthal cho biết rằng rất khó để sở hữu các tác phẩm trang sức của Joel Arthur Rosenthal (JAR). Để mua được một món đồ của JAR, “bạn cần có sự giới thiệu đủ uy tín”. Và thậm chí sau đó, nếu cảm thấy nữ khách hàng không phải là một đại sứ lý tưởng cho các tác phẩm của mình, nhà thiết kế sẽ từ chối. Các nhà sản xuất đồng hồ độc lập cũng có tình trạng “phân biệt đối xử” tương tự và chỉ bán sản phẩm cho những nhà sưu tập uy tín mà họ cho là xứng đáng.

Fiona Druckenmiller, người sáng lập FD Gallery – cửa hiệu trang sức ở Manhattan chuyên khai thác tác phẩm của các nhà thiết kế độc lập có uy tín

Mặc dù sự gia tăng của các căn hộ hiện đại siêu sang tại Billionaire’s Row – nơi tập trung các tòa nhà chọc trời có giá khởi điểm từ 3 triệu USD tới hơn 60 triệu USD – đã phần nào giải tỏa cơn khát của giới thượng lưu, nhưng đối với các tòa tháp độc đáo kiểu cũ, không phải người mua nhà “mạnh gạo, bạo tiền” nào cũng được chào đón, Lisa Chajet, chuyên gia môi giới bất động sản thuộc thế hệ thứ hai tại Warburg Realty, cho biết. “Chủ toà nhà sẽ muốn biết, khách hàng là dân đầu tư tài chính am tường hay chỉ là đám phất lên từ sòng bạc”, bà chia sẻ.

Những khách hàng được chào đón nhất là các dòng họ, gia tộc giàu có và danh tiếng nhiều đời hoặc giới bác sĩ – những người có thể không nhiều tiền như dân đầu tư tài chính, nhưng lại có uy tín trong xã hội.

Sự thiên vị đối với lớp khách hàng thuộc các dòng họ, gia tộc giàu có và danh tiếng nhiều đời – và các gia tộc thượng lưu người Mỹ da trắng gốc Anh (WASP) – cũng hiện diện trong thế giới đặc quyền của các câu lạc bộ cá nhân ở Hamptons. Trong khi chẳng một ai nói về nỗi sợ bị các câu lạc bộ đặc quyền này từ chối, những người trong cuộc cho biết rằng thẻ thành viên của một số câu lạc bộ cao cấp ở Hamptons phần lớn dành cho các đại diện cao tuổi của các gia tộc thượng lưu người Mỹ da trắng gốc Anh lừng lẫy trước đây. Thẻ thành viên được cấp trong phạm vi các gia tộc, trong khi thành viên mới không thuộc các gia tộc này hiếm khi có cơ hội được kết nạp, và nếu có, họ phải là những người có rất nhiều đóng góp cả về tài chính lẫn công sức cho các câu lạc bộ này.

Đối với nhiều người, nỗ lực cần có để sở hữu một món đồ đặc quyền đều rất đáng giá, Tonello cho biết, bởi điều đó thể hiện sự thành công nhất định của họ. “Nếu nghe nói về việc có một thứ gì đó khó tiếp cận và không thể sở hữu, và ngay cả những người nổi tiếng cũng khó với tới được, nhưng sau khi có được nó, bạn sẽ cảm thấy mình giống như một bậc thầy của vũ trụ vậy.”

Billionaire’s Row – tổ hợp tòa nhà chọc trời cực kỳ sang trọng dọc theo phía nam của Công viên Trung tâm Manhattan

“Khi đứng trong thang máy với một người phụ nữ mang túi Birkin, cả tôi lẫn tất cả những người phụ nữ khác có mặt trong đó đều tự hỏi quý bà này là ai. Chắc chắn, cô ấy phải là một nhân vật VIP nào đó. Với các chàng trai và quý ông, đó phải là những chiếc đồng hồ xa xỉ. Chúng sẽ gửi một thông điệp bí mật để những người xung quanh biết được bạn là ai.

Hãy nhớ lại vị khách muốn sở hữu bức tranh của Karel Funk ở đầu bài viết. Chính gallery từ chối vị khách này tại Art Basel Miami Beach cuối cùng đã bán bức tranh cho anh ta với giá 55.000 USD. Thật thú vị, phải vậy không?


Câu chuyện về hành trình săn lùng Rolex Daytona

Việc săn lùng Rolex Daytona cũng giống như sứ mệnh đi tìm Chén Thánh. Để tìm ra sự thật của vấn đề, tôi quyết định đến một cửa hàng Rolex trên Đại lộ số 5 ở Manhattan.

Tôi giả vờ hỏi mua một chiếc đồng hồ làm quà sinh nhật cho chồng và sau đó được người bán hàng tên James giới thiệu chiếc Submariner có giá khoảng 14.000 USD. “Đây là chiếc đồng hồ biểu tượng nhất của chúng tôi”, James nói. “Nghe nói chiếc Daytona rất lý tưởng,” tôi mào đầu.“ Chúng tôi chẳng có mẫu Daytona nào ở đây cả,” James đáp. “Chúng rất hiếm và chỉ dành cho khách hàng đặc biệt.”

“Ồ, vậy ông có phải đến Thụy Sĩ để mang về một chiếc không?”, Tôi hỏi. “Ở Thụy Sĩ còn tệ hơn cơ bởi mẫu đồng hồ đó chẳng phải đế bán,” – James nói và cuối cùng cũng đồng ý giải thích quy trình: “Bạn không cho phép bất cứ ai bước vào và mua chiếc đồng hồ này. Nếu bạn nhìn thấy ai đó đeo một chiếc như vậy và tò mò hỏi họ đã mua nó ở đâu và nhận được câu trả lời là họ mua tại cửa hàng này. Điều này sẽ khiến cho bạn cảm thấy thế nào nếu bạn là khách hàng trung thành trong nhiều năm qua nhưng chẳng bao giờ mua được mẫu đồng hồ này? Rất tệ phải không? Bạn phải mất công sức tạo dựng mối quan hệ với thương hiệu. Bạn phải là một khách hàng trung thành, và sau đó chúng tôi sẽ xem đó như một sự tưởng thưởng. Tôi có thể đưa cho bạn bất cứ thứ gì bạn muốn, nhưng nó phải thực tế và không phải là một chiếc Daytona.”

Tôi thất vọng ra về. Tiền bạc, thứ vũ khí được ứng dụng một cách chiến lược, sẽ làm được điều này.

(Nội dung trong ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Bảy mang chủ đề “Destination & Gourmet”)