Những thông điệp kiến trúc mà David Adjaye muốn chuyển tải qua các công trình sáng tạo luôn có khả năng vượt qua các rào cản văn hóa.
Hơn một thập kỷ trước, David Adjaye đối mặt với nguy cơ phá sản khi sự nghiệp kiến trúc mới chớm nở của ông bị phá hủy bởi cuộc Đại suy thoái.
“Ngân sách bị cắt giảm, trong khi khoảng 30 nhân sự mới vừa được tôi trực tiếp tuyển dụng để thực hiện khoảng sáu dự án – con số đáng mơ ước đối với một kiến trúc sư trẻ mới vào nghề. Nhưng tôi đã nướng sạch tất cả tiền bạc mình tiết kiệm được cho cuộc chơi này.” – Adjaye chia sẻ.
Nhưng chỉ một năm sau, vào năm 2009, Adjaye đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế Bảo tàng Quốc gia Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi ở Washington, D.C., giúp đảo ngược vận may cho mình. “Dự án bảo tàng này đã hồi sinh tôi và đưa tôi đến với nước Mỹ. Một trải nghiệm thật sự vi diệu.” – ông nhớ lại.
Mở cửa vào năm 2016, bảo tàng đã giành được một số giải thưởng tôn vinh nhà thiết kế người Anh gốc Ghana và đưa ông vào danh sách các kiến trúc sư ngôi sao. Adjaye là một trong những kiến trúc sư được đánh giá cao nhất hiện nay với các công trình di tích và bảo tàng, bao gồm cả một đài tưởng niệm Holocaust đã được lên kế hoạch bởi Quốc hội Anh.
54 tuổi, Adjaye hiện là hình mẫu của một kiến trúc sư nổi tiếng với những dự án sáng tạo ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông đã thiết kế không gian sống cho các nhân vật nổi tiếng như ngôi sao điện ảnh Ewan McGregor, nghệ sĩ Chris Ofili và Jake Chapman, nhiếp ảnh gia Juergen Teller và Quỹ Make It Right của Brad Pitt, cũng như cố Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan.
Tòa tháp căn hộ sang trọng 130 William của Adjaye đang được xây dựng ở Lower Manhattan, và ông đang hợp tác cùng Four Seasons để triển khai các dự án dinh thự cá nhân mới ở Washington, DC. Cuốn sách mới nhất của ông, David Adjaye: Works 1995–2007, cũng sắp được Thames & Hudson xuất bản.
Trước đại dịch, Adjaye đã dành phần lớn thời gian cho công việc giảng dạy tại Đại học Harvard, Princeton và Yale, cũng như các dự án ở Úc, Abu Dhabi, Li-băng, Na Uy, Senegal, Israel và Ghana. Ông cũng tham gia bữa tối cùng Tổng thống Obama vào năm 2012 tại Nhà Trắng trong dạ tiệc tiếp đón Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là David Cameron.
Ở Anh, Adjaye được giới truyền thông mệnh danh là “Kiến trúc sư yêu thích của Obama,” một nhân vật xuất sắc trong việc tạo dựng các mối quan hệ, đồng thời là nhà sản xuất đầy tham vọng của các dự án quy mô, bắt mắt được cả người nổi tiếng lẫn đại chúng yêu thích.
Là con trai của một nhà ngoại giao người Ghana, Adjaye từng có một thời thơ ấu sống ở Tanzania, Uganda, Kenya, Ghana, Ai Cập, Li-băng và Ả Rập Saudi. Ông được báo giới mô tả là “một nhà ngoại giao kiến trúc – quyến rũ và thuyết phục về cả phong thái cá nhân lẫn trong các dự án hoành tráng nhất của mình.”
Adjaye không quan tâm đến trường lớp, học hành, bất chấp những nỗ lực của cha mẹ. Tuy nhiên, Adjaye đã thuyết phục cha cho theo học nghệ thuật, một sự nhượng bộ của thân sinh mà ông luôn biết ơn. Sau đó, ông tiếp tục theo học kiến trúc, lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Nghệ thuật Hoàng gia Luân Đôn, nơi ông kết bạn với nhiều nghệ sĩ trẻ người Anh trong chương trình Young British Artists do Charles Saatchi bảo trợ vào những năm 1990. Thiết kế của Adjaye cho một công trình trong thành phố dành cho trẻ em khuyết tật đã được Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh trao giải thưởng quốc gia danh giá. Gần đây, ông cũng được tổ chức này trao tặng Huy chương Vàng Hoàng gia năm 2021, một trong những giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới.
Adjaye cũng dành một năm theo học tại Đại học Nghệ thuật Kyoto ở Nhật Bản và trải nghiệm này được ông mô tả là “khoảng thời gian sâu sắc và quan trọng nhất trong quá trình học tập của tôi”. Chính khoảng thời gian này đã mang đến cho Adjaye một cái nhìn mới về tính thẩm mỹ Phi châu và sự khởi đầu của điều mà ông gọi là “nỗi ám ảnh” trong việc giúp các quốc gia châu Phi phát triển về mặt kiến trúc.
Adjaye đã áp dụng triết lý kiến trúc tối giản với nghệ thuật nâng tầm các loại vật liệu tự nhiên, đơn giản thành loại hình nghệ thuật để thiết kế nên những căn lều đầy phong cách ở châu Phi. “Nó khiến tôi bắt đầu nhìn lại châu Phi. Châu lục này không phải là một nơi chưa phát triển và yếu kém, mà là một nơi có tiềm năng thẩm mỹ to lớn,” ông nói. “Bước vào một quán trà, tôi sẽ nghĩ, đây giống như một túp lều. Về cơ bản, đó là những mái tranh và một chút gỗ và bùn. Vậy tại sao ngôi làng của ông bà tôi không đặc biệt mà lại nghèo nàn và buồn tẻ đến vậy? Nó giống như thể bạn đang nhìn thấy hai thế giới khác nhau, nơi một người được tôn kính và người kia bị khinh thường vậy.” – Adjaye chia sẻ.
Trở về quê nhà sau khi tốt nghiệp đại học, Adjaye phải vật lộn để có được công việc trong lĩnh vực kiến trúc, một nghề không dễ nhằn nếu không có các mối quan hệ. Chris Ofili, một họa sĩ được Saatchi đưa lên hàng sao, đã đề nghị ông thiết kế một studio. Hợp đồng này đã dẫn Adjaye đến với một giao dịch khác vào năm 1999 – thiết kế Elektra House ở Đông Luân Đôn. Ngôi nhà được lấy cảm hứng từ tập quán của người Nhật với cách bố trí tất cả các cửa sổ ở phía sau để tối đa hóa sự riêng tư, tầm nhìn ra khu vườn và ánh sáng, trong khi mặt phía sau gần như được thiết kế hoàn toàn bằng kính. Và dự án này đã được lên trang bìa của Tạp chí RIBA.
Cách thiết kế của Adjaye được coi là sáng tạo ở Anh khi Elektra House thu hút sự chú ý của Richard Rogers, kiến trúc sư hiện đại từng đoạt giải Pritzker, người đã trở thành bạn của ông kể từ đó.
Với dự án Elektra House, yêu cầu của chủ đầu tư là không gian phải chan hòa ánh sáng. “Vì vậy, tôi nghĩ, mình sẽ thiết kế một ngôi nhà theo dấu ánh nắng mặt trời, chứ không đặt nặng vào mối liên quan với đường phố,” ông nhớ lại. “Và vì vậy, ngôi nhà hoàn toàn tràn ngập ánh sáng. Đó không phải là một ngôi nhà hướng ra phố với những ô cửa sổ, mà là thế giới của ánh sáng”.
Tính đột phá đó đã dẫn đến sự ra đời của một loạt công trình khác như Trung tâm Nobel Hòa bình ở Oslo vào năm 2002 và đỉnh cao là Bảo tàng Lịch sử và Văn hóa Người Mỹ gốc Phi. Adjaye hiện đang tất bật với hàng loạt dự án uy tín, bao gồm cả quy hoạch tổng thể cho một khu phố mới ở Paris gần Bibliothèque Nationale de France François-Mitterrand và kế hoạch tái thiết Cung điện Quốc gia của Haiti.
Tại Mỹ, ông đang thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Đại học Princeton, trong khi Bảo tàng Studio ở Harlem đang được xây dựng. Trọng tâm chính của Adjaye hiện nay là châu Phi và ông đang thiết kế một không gian mới cho Viện châu Phi – trung tâm nghiên cứu về châu Phi và cộng đồng người châu Phi ở hải ngoại – và Nhà thờ Quốc gia Ghana.
(Nội dung trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Một + Hai mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”)