Cuối cùng, các nhà thiết kế bespoke từ xứ sở sương mù cũng đến Mỹ để “trình làng” các thiết kế mới.
Các bậc thầy bespoke tại London cùng những nghệ nhân may áo sơ-mi, đóng giày và làm kính đã ghé thăm Hoa Kỳ sau hơn 2 năm dịch bệnh. Họ được biết đến với cái tên The London Collective, một nhóm gồm 4 thương hiệu xa xỉ từ Anh quốc đã hợp tác để mang đến sự kiện Trunk Show cho những quý ông xứ cờ hoa.
Tại đây, bạn sẽ được bộ tứ thương hiệu bespoke bậc nhất gồm Edward Sexton, Budd Shirtmakers, Gaziano & Girling và E.B. Meyrowitz chăm chút vẻ ngoài từ đầu đến chân. Với lịch sử di sản hơn 300 năm của cả bốn thương hiệu, chắc chắn khách hàng sẽ được trải nghiệm phong cách xa hoa chuẩn Anh.
Trong số đó, Edward Sexton được xem là thương hiệu lừng lẫy nhất tại Savile Row. Cùng với Tommy Nutter, Sexton đã tạo nên cuộc cách mạng Row vào năm 1969 với phong cách đổi mới và nổi loạn từ phần vai vuông, ve áo rộng, eo thắt đến áo khoác dài, loe – các chi tiết vẫn gây ấn tượng cho đến ngày nay.
Sở hữu đường nét mạnh mẽ, cách may đo của Sexton hòa hợp hoàn hảo với những chiếc áo sơ-mi thanh lịch cổ nhọn vừa vặn từ thương hiệu Budd, một đại diện cho phong cách đặc trưng của những quý ông trên phố Jermyn. Mỗi chiếc áo của Budd được cắt may kỹ lưỡng trên tầng cao nhất tại cửa hàng ở Quận St. James.
Năm 15 tuổi, Gaziano & Girling – một thương hiệu đóng giày bespoke nổi tiếng với những thiết kế nổi bật, độ bền lâu và tính thoải mái – là thương hiệu ít tuổi đời nhất trong bộ tứ. Hai nhà đồng sáng lập, Tony Gaziano và Dean Girling, đều là những nghệ nhân đóng giày may đế Goodyear-welted (đế giày có phần viền da/cao su ở mặt ngoài) lâu đời của Northampton. Tiếp đến là E.B. Meyrowitz, một hãng chuyên về kính mắt “hàng thửa”. Meyrowitz đã chiếm được cảm tình của số đông bởi những chiếc kính cận và kính râm đẹp mắt với kích thước cân đối.
“Năm ngoái, tất cả chúng tôi đều mong muốn trở lại thật hoành tráng sau 2 năm bị phong tỏa và kết nối lại với những khách hàng tại Mỹ theo cách ý nghĩa nhất”, Giám đốc sáng tạo của Sexton, Dominic Sebag-Montefiore, người đã có công trong việc gắn kết bộ tứ lại với nhau, cho biết. “Vì đã lâu không thể ghé thăm các khách hàng tại thị trường Mỹ, chúng tôi đã quyết định hợp tác để tạo nên buổi ra mắt Trunk Show, một ý tưởng tuyệt vời nhằm truyền cảm hứng đến những khách hàng”.
The London Collective đã đem đến những dịch vụ bespoke và made-to-measure (may đo sẵn). Tại đây, các tín đồ thời trang cũng có thể dễ dàng tìm kiếm các lựa chọn trang phục ready-to-wear đa dạng. Nếu Budd mang đến những chiếc áo sơ-mi safari đặc trưng và các mẫu thiết kế mới bằng vải denim, thì Sexton và Gaziano & Girling chọn lựa một vài mẫu may sẵn để bạn mặc thử. Trong khi đó, Meyrowitz gây ấn tượng với giới mộ điệu bởi những sản phẩm mới lần đầu tiên được trưng bày tại Mỹ, bao gồm kiểu kính râm làm từ ngà voi ma mút thời kỳ Pleistocen và những sắc màu độc đáo.
“Khách hàng sẽ không thất vọng khi trải nghiệm sự hợp tác ăn ý của chúng tôi”, Jamie Davison-Lungley của Meyrowitz cho hay. “Thật vinh dự khi được tham gia vào nhóm các thương hiệu di sản có cùng định hướng, nơi những người cùng chia sẻ những giá trị chung”, ông tiếp lời, “Đây còn là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi tiếp cận toàn diện với thế giới bespoke”.
Buổi Trunk Show của The Collective đã đi qua New York, Washington D.C., Dallas và Los Angeles. Tại mỗi thành phố, bộ tứ thương hiệu tổ chức chiêu đãi thức uống hoặc các buổi gặp gỡ thân tình với các khách hàng tiềm năng hoặc muốn tìm hiểu thêm về thương hiệu.
“Sau một thời gian dài chờ đợi, chúng tôi rất vui khi lại được kết nối với khách hàng”, Darren Tiernan, thợ may cao cấp của nhà Budd, người đại diện cho thương hiệu trong suốt thời gian diễn ra buổi Trunk Show, cho biết. “Với hầu hết các khách hàng Mỹ lâu năm, chúng tôi xem họ như những bạn thân thiết hơn là mối quan hệ kẻ mua-người bán. Chúng tôi chỉ mong được gặp lại mọi người ở góc độ gần gũi, thân tình nhất và đồng thời mang đến cho họ trải nghiệm thực sự độc đáo”.