Cơ duyên nào khiến anh trở thành "vị cứu tinh" của những bức tranh và văn bản cổ?
Từ một sinh viên khoa văn, tôi bén duyên với bộ môn Hán-Nôm và có cơ hội tham gia nhiều dự án như thành lập phòng sưu tầm và nghiên cứu Hán - Nôm của trường Đại học KHXH & NV. Sau khi tốt nghiệp, tôi công tác tại Thư viện Huệ Quang, đơn vị đầu ngành trong công tác sưu tầm thư tịch Hán Nôm Phật giáo trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam không có một đơn vị chuyên sâu trong lĩnh vực này nên tôi được hướng dẫn ra nước ngoài du học. Từ năm 2014, sau khi nhận học bổng thạc sĩ ngành bảo tồn di sản văn hóa tại Đại học Fo Guang (Đài Loan), tôi có cơ hội thực tập tại Bệnh viện sách, làm việc tại phòng Bồi biểu Thư họa và Tu bổ hiện vật chất liệu giấy Duệ Nhã Hiên (TP. Tân Bắc, Đài Loan) trước khi trở về Việt Nam và thành lập Hán Nôm Đường vào tháng 12/2019.
Trong hành trình 13 năm theo đuổi công việc khó khăn này, đâu là 3 cột mốc đáng nhớ nhất với anh?
Năm 2008: vào khoa Văn với định hướng trở thành giáo viên; Năm 2014: nhận học bổng tại Đài Loan nhờ quá trình làm trợ lý khoa học, sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn di sản; Năm 2017: gặp gỡ người bạn đời là người Đài Loan. Chính cô ấy và gia đình đã giúp đỡ tôi từ quá trình học tập cho đến việc thành lập Hán Nôm Đường ngày nay.
Anh dùng ba tính từ nào để tự mô tả về bản thân?
Cần cù, quyết tâm, và đam mê.
Anh có thể chia sẻ câu nói mà anh tâm đắc nhất?
Thầy Ngô Triết Duệ từng nói một câu khiến tôi nhớ mãi “Bất vong sơ tâm”, ý chỉ ban đầu khởi tâm như thế nào thì sau này cố gắng giữ vững tâm niệm ấy.
Nói Bùi Tiến Phúc không có đối thủ, liệu có chính xác?
Đúng vậy vì trước mắt khó ai theo đuổi công việc khó khăn này.
Theo anh, liệu có thể làm giàu từ công việc phục chế này không?
Đây là nghề có thu nhập cao. Phục chế 1 tờ giấy có thể thu 1 triệu; sách: từ 10 triệu đến vài chục triệu đồng. Tôi không giấu vì muốn những ai có cùng đam mê sẽ có động lực để theo đuổi.
Kèm với đó là rất nhiều công sức và sự nhọc nhằn của nghề nữa chứ?
Quy trình chữa trị “bệnh nhân” không hề đơn giản với 12 bước. Sau bước tiếp nhận là đánh giá tình trạng. Kế đó là bước vệ sinh tác phẩm (hình thức khô bằng công cụ và ướt bằng hóa chất), yết biểu (bóc các lớp giấy bồi cũ để hoàn nguyên tác phẩm), nhuộm giấy, bổ khuyết (dán những chỗ rách bằng giấy nhuộm), bồi nền, trang biểu (trang trí tranh). Hai bước sau cùng là bàn giao và tư vấn cho khách hàng các giải pháp bảo quản.
Dự định của anh trong tương lai là gì?
Mở rộng Hán Nôm Đường để có thêm không gian giảng dạy và triển lãm, hỗ trợ các họa sĩ trẻ bảo quản tác phẩm đúng quy chuẩn lưu trữ.
Khi 50 tuổi, tôi sẽ chuyển hẳn sang giảng dạy và dịch thuật, trong đó luận văn thạc sĩ của tôi về “Bảo tồn di sản Hán - Nôm trên nền chất liệu giấy” sẽ cần ít nhất 2 năm để chuyển ngữ, phát hành thành sách.
Đôi nét về nghệ nhân BÙI TIẾN PHÚC
Sinh năm 1989, anh tốt nghiệp cử nhân Hán Nôm, khoa Văn học và Ngôn ngữ tại Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP.HCM và thạc sĩ ngành bảo tồn &phát huy di sản văn hóa tại Fo Guang University (Đài Loan).
Hiện anh là giảng viên thỉnh giảng bộ môn phục chế sách vốn lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy tại Đại học KHXH & NV. Anh cùng vợ mình là họa sĩ Trần Bội Tuyền mở Hán Nôm Đường, đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chuyên về công tác phục chế hiện vật chất liệu giấy tại Q. Tân Phú, TP.HCM.