1. Ý tưởng về Chuỗi hòa nhạc quốc tế SOLO (SOLO International Concert Series) bắt đầu với anh ra sao và tham vọng thông qua sê-ri này là gì?
Ý tưởng của tôi bắt đầu từ 13 năm trước khi lần đầu tiên đến Việt Nam sau thời gian học tập và làm việc tại Luân Đôn. Thủ đô của Vương quốc Anh là nơi tập hợp những buổi hòa nhạc tuyệt vời của các nghệ sĩ hàng đầu trên khắp thế giới. Hoạt động biểu diễn sôi động cùng sự hiện hữu của những buổi hòa nhạc chất lượng là một điểm cộng rất lớn trong thời gian tôi sinh sống tại Anh, điều mà tôi vô cùng nhớ khi chuyển đến làm việc tại Việt Nam.
Với SOLO, tôi kỳ vọng sẽ có thể cải thiện không gian biểu diễn âm nhạc bằng cách đưa các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới lần đầu đến Việt Nam. Sự kiện mở màn cho Chuỗi hòa nhạc quốc tế SOLO sẽ bắt đầu với nghệ sĩ piano xuất sắc Boris Giltburg lần lượt trong 2 đêm 21/5 tại TP.HCM và 22/5 tại Hà Nội.
Chuỗi hòa nhạc quốc tế SOLO đặt mục tiêu có ít nhất 10 chương trình biểu diễn chất lượng cao cho mùa diễn 2024-2025.
Ngoài ra, SOLO còn đặt mục tiêu phát triển danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ tài năng bằng cách cho phép họ bước lên các sân khấu lớn nhất trong nước và quốc tế thông qua Chuỗi hòa nhạc của các nhạc sĩ trẻ SOLO (SOLO Young Musicians Concert Series). Sê-ri này bắt đầu với buổi diễn của nghệ sĩ piano 18 tuổi Trịnh Mân Nghi tại Nhạc viện TP.HCM vào chiều ngày 21/5.
Mân Nghi, hiện đang là sinh viên piano tại SOLO piano, trường dạy piano chuyên nghiệp của chúng tôi tại TP.HCM, vừa được nhận vào nhạc viện hàng đầu Vương quốc Anh, Trường Âm nhạc và Kịch nghệ Guildhall.
2. Cơ hội đưa Boris Giltburg sang Việt Nam biểu diễn lần này diễn ra như thế nào, thưa anh?
SOLO rất vinh dự được đưa Boris Giltburg đến Việt Nam lần đầu tiên. Chúng tôi chắc chắn rằng buổi hòa nhạc này sẽ mang lại những kỷ niệm và nguồn cảm hứng dài lâu cho tất cả những ai có mặt. Boris Giltburg, sinh năm 1984, được coi là một trong những nghệ sĩ piano biểu diễn đầy cảm hứng và lôi cuốn nhất trên thế giới hiện nay. Từ khi giành chiến thắng tại Cuộc thi Queen Elisabeth International Music Competition năm 2013, anh đã trình diễn tại những nhà hát uy tín nhất thế giới, bao gồm Amsterdam Concertgebouw, Carnegie Hall, Hamburg Elbphilharmonie, Wiener Konzerthaus và Southbank Centre.
Lần đầu tiên đến Việt Nam, anh sẽ mang đến cho khán giả nhiều tác phẩm viết cho piano của các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Chopin, Rachmaninoff, Scriabin, Stravinsky. Đặc biệt, anh sẽ trình diễn tác phẩm dân gian Việt Nam Trống cơm, do tác giả Đặng Hữu Phúc chuyển soạn cho đàn piano. Tôi tin rằng nhạc mục của chương trình sẽ thu hút một lượng lớn khán giả trẻ.

SOLO có những kế hoạch lớn nhằm mang đến những màn trình diễn và chương trình giáo dục tốt nhất tại Chuỗi Hòa nhạc Quốc tế SOLO, tập trung vào TP.HCM và Hà Nội, và cuối cùng mở rộng ra các thành phố khác như Đà Nẵng và Huế.
3. Tại sao lại là Boris Giltburg mà không phải ai khác?
Boris Giltburg sở hữu tài năng nghệ thuật thiên bẩm. Cách chơi của anh ấy thể hiện độ nhạy cảm, chiều sâu và khả năng diễn giải thấu đáo đầy khác biệt. Vì vậy, câu hỏi trong đầu tôi là “Tại sao không phải là Boris chứ!” (cười).
Boris Giltburg gửi lời chào đến khán giả Việt Nam trước thềm buổi diễn của anh tại TP.HCM vào ngày 21/5 và Hà Nội vào ngày 22/5.
4. Anh nhận thấy tiềm năng của hoạt động nghệ thuật biểu diễn mà đặc biệt là nghệ thuật hàn lâm ở Việt Nam ra sao?
Lĩnh vực giáo dục và biểu diễn âm nhạc cổ điển tại Việt Nam sở hữu tiềm năng phát triển rất lớn. Việc sinh viên được tham dự các buổi hòa nhạc chất lượng cao trực tiếp là rất quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp âm nhạc cá nhân của họ. Các lớp masterclass của các nghệ sĩ quốc tế cũng rất quan trọng và cần thiết trong việc cải thiện chất lượng giáo dục tại các cơ sở âm nhạc ở Việt Nam. Đây là điều mà SOLO đang cân nhắc khi chúng tôi đưa Boris Giltburg đến với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để hướng dẫn lớp học nâng cao (masterclass) cho các sinh viên, chỉ một ngày sau buổi biểu diễn của anh ấy tại Hà Nội.
5. Những thách thức nào đặt ra cho anh khi điều hành loại hình kinh doanh này tại Việt Nam?
Việc tổ chức những buổi hòa nhạc tiêu chuẩn quốc tế như thế này là một thách thức vô cùng lớn. Chi phí là yếu tố đầu tiên. Để đưa những nghệ sĩ tầm cỡ như Boris Giltburg đến Việt Nam đòi hỏi chi phí cực kỳ cao, cùng với những thách thức về cơ sở hạ tầng và chính sách, điều này thường đồng nghĩa với việc giá vé cao, trừ khi được hỗ trợ bởi các nhà tài trợ và bảo trợ.
6. Kế hoạch của anh với Chuỗi Hòa nhạc Quốc tế SOLO tại thị trường Việt Nam là gì?
SOLO có những kế hoạch lớn nhằm mang đến những màn trình diễn và chương trình giáo dục tốt nhất tại Chuỗi Hòa nhạc Quốc tế SOLO. Chúng tôi sẽ thực hiện điều này bằng cách tập trung vào TP.HCM và Hà Nội, và cuối cùng mở rộng ra các thành phố khác như Đà Nẵng và Huế.
Ngoài chuỗi hòa nhạc, SOLO còn đảm bảo rằng các nghệ sĩ trẻ địa phương được trao nhiều cơ hội trình diễn trên các sân khấu lớn nhất ở Việt Nam và trên toàn khu vực.
Xin cảm ơn anh!