Với vai trò là người làm việc trong lĩnh vực thời trang, ông nhận định như thế nào về tính bền vững trong lĩnh vực này?
Theo tôi, bền vững xuất phát từ tư duy của mỗi người. Làm việc cho một công ty về thời trang và may mặc, tôi nhận thấy các nhà thiết kế thời trang và sản xuất hàng may mặc nên nghĩ về việc tái chế sản phẩm trước khi sản xuất hàng loạt. Đồng thời, họ nên đảm bảo rằng các phương pháp và quy trình đem đến những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. Về phía khách hàng, cần cân nhắc các sản phẩm có thể sử dụng lâu dài cũng như ý thức về sinh thái, từ đó khuyến khích các nhà thiết kế cũng như sản xuất hướng đến bền vững ở quy mô lớn hơn.
Những hành động của chúng ta hôm nay sẽ tác động đến ý thức của thế hệ mai sau, và tạo nên thay đổi đáng kể cho ngành công nghiệp thời trang. Đã có nhiều cá nhân và doanh nghiệp bắt đầu hành động, chung tay tạo các sản phẩm bền vững, từng bước giúp ngành thời trang ngày một “xanh” hơn.
Theo ông, những hiểu lầm về thời trang bền vững là gì?
Một trong những hiểu lầm đầu tiên tôi nhận thấy là quan niệm hạn chế mua sắm mới là bền vững. Không quan trọng bạn mua bao nhiêu quần áo, nhưng phải chọn lựa các thương hiệu với sản phẩm thân thiện môi trường. Rất nhiều người mơ hồ về thời trang bền vững và chỉ ưu tiên lựa chọn trang phục phù hợp với phong cách. Thực tế, trang phục bền vững có thể đáp ứng mọi nhu cầu.
Từ khía cạnh kinh tế, nhân công ở các nước như Việt Nam và Bangladesh có thể bị mất việc bởi liên quan đến chất liệu và các quy trình không bền vững. Đây lại là một hiểu lầm. Tại Bangladesh, đã có hơn 200 nhà máy được chứng nhận “xanh”, mang đến lợi ích cho các nhân viên làm việc trong lĩnh vực này, và ở Việt Nam cũng tương tự.
Và cuối cùng, không chỉ người giàu hay nổi tiếng mới tiếp cận được thời trang bền vững mà nó dành cho tất cả mọi người.
Thách thức trong lĩnh vực thời trang bền vững là gì, thưa ông?
Thời trang bền vững đang đối mặt với những thách thức rất lớn. Số đông có góc nhìn phức tạp về lĩnh vực này.
Thực tế, nó tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Người tiêu dùng nên hiểu tại sao các sản phẩm thời trang bền vững có mức giá cao và chọn các thương hiệu dựa trên các hành động đóng góp vào sự bền vững bởi ngành này cũng là nguồn cơ của các vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới: chất thải nhựa ra môi trường nước từ quy trình sản xuất may mặc; Hay tại các đất nước phát triển về thời trang như Anh, Pháp và Đức, lượng khí thải nhà kính luôn ở mức cao.
Bên cạnh đó, các công ty như TSafari phải đối mặt với vấn đề chi phí. Chúng tôi tìm kiếm các chất liệu thực sự bền vững, vốn có giá cao hơn các chất liệu thông thường, và không mang mác “tẩy xanh" (greenwash). Nhiều số liệu không phản ánh đúng tính bền vững nhưng chúng ta lại phụ thuộc vào các con số này để đánh giá. Trong khi đó, các công ty không có đủ dữ kiện mà chỉ dựa vào thông tin từ nhà cung cấp đôi khi thiếu chính xác.
Theo tôi, hành trình thay đổi hướng đến bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây là việc không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều quốc gia có các quy định cụ thể về sự bền vững, trong khi một số khác thì không. Ví dụ, các nước Châu Âu và Mỹ quản lý rất nghiêm ngặt việc nhập khẩu các nguyên vật liệu cho may mặc. Hay ở Anh, các nhãn mác phải ghi rõ thành phần vải sợi.
Nguồn nguyên vật liệu cũng là một thách thức. Các chất liệu thô bền vững thường không đủ đáp ứng cho việc sản xuất số lượng lớn, kìm hãm các nhà thiết kế và sản xuất mang các sản phẩm bền vững đến với khách hàng toàn cầu.
Ông nghĩ như thế nào về thời trang bền vững trên thế giới?
Theo tôi, hành trình thay đổi hướng đến bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng đây là việc không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay. Ngành thời trang tạo ra 10% lượng khí nhà kính và 20% tổng lượng rác thải trên thế giới, ảnh hưởng nhiều nhất đến những quốc gia như Việt Nam, nơi các nhà máy phải sản xuất số lượng lớn đơn hàng. May mắn thay, nhiều người đã và đang ý thức được điều này, và thời trang bền vững ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt ở Việt Nam. Từ người trẻ đến tầng lớp lãnh đạo, họ thảo luận và đưa ra các giải pháp.
Hành trình bền vững không chỉ là nhiệm vụ của những quốc gia sản xuất lớn như Việt Nam, Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ, mà còn liên quan đến toàn bộ dây chuyền sản xuất, từ nhà cung cấp, phân phối đến khách hàng. Để thay đổi, họ sẽ phải đứng giữa những lựa chọn khó khăn. Thật không dễ dàng bỏ qua một chiếc áo giá rẻ và chi tiền cho một chiếc áo đắt hơn nhưng được sản xuất bền vững!
Ở một khía cạnh tích cực, thế hệ trẻ đã và đang tiên phong trong tiêu dùng bền vững bởi họ hiểu tầm ảnh hưởng của các hành động cá nhân. Đây sẽ là yếu tố quan trọng trong cách tổ chức và hoạt động của các nhãn hàng trong tương lai.
Công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thử nghiệm, sản xuất và kiểm tra chất lượng, và các chính sách và quy định từ chính phủ cũng sẽ góp phần vào sự phát triển của ngành này.