Trong công cuộc tu bổ Nhà thờ Đức Bà Paris sau vụ cháy lớn năm 2019, các nhà khảo cổ học đã có cơ hội đào sâu xuống hầm phía dưới công trình và tìm thấy hơn 1000 di vật lịch sử còn sót lại.
Thông thường, những dự án khảo cổ như thế này sẽ không được thực hiện. Tuy nhiên, sau vụ cháy lớn, các nhà khảo cổ đã được phép khảo sát và khai quật những cổ vật được chôn dưới chân Nhà thờ Đức Bà để đề phòng những tổn hại có thể xảy ra trong thời gian khôi phục. Dự án này bắt đầu từ năm 2022.
Đội ngũ từ Viện nghiên cứu quốc gia về bảo tồn di tích khảo cổ đã đào khoảng 60cm xuống dưới sàn nhà – tương đương với vị trí nền móng của công trình – và khám phá ra được một kho tàng vô giá. “Chúng tôi không ngờ dưới chân Nhà thờ lưu giữ nhiều di vật đến vậy,” ông Christophe Besnier, Giáo sư chủ nhiệm dự án, cho biết trong một phỏng vấn với National Geographic.
Các chuyên gia đã khai quật được 1035 mảnh vỡ từ những tác phẩm nghệ thuật lâu đời và 100 ngôi mộ được chôn dưới Nhà thờ. Mặc dù danh tính của 100 bộ hài cốt còn đang là bí ẩn, các nhà khảo cổ cho rằng trong số những người được chôn ở đó có những nhân vật lịch sử quan trọng như nhà thơ Joachim du Bellay. Các cổ vật được tìm thấy bao gồm phần đầu và thân của những bức tượng đá, cùng với tấm bình phong từng được sử dụng để chia cách khu vực cung thánh và hàng ghế ngồi.
Qua dự án này, các nhà nghiên cứu đã có thể hình dung rõ hơn về quá trình xây dựng Nhà thờ lần đầu tiên vào thời kỳ Trung Cổ. Một ví dụ cho thấy họ có thể suy luận nhiều thông tin về khí hậu lúc ấy qua những khúc gỗ còn sót lại. Để xây dựng Nhà thờ Đức Bà, các thợ mộc đã khai thác gỗ từ những cây sồi cổ thụ và vận dụng dòng chảy của sông Seine để di chuyển vật liệu. Nhiều chiếc kẹp sắt cũng được tìm ra, cho thấy rằng các kiến trúc sư đương thời đã sử dụng kim loại để liên kết các khối đá lớn lại với nhau. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng định vị được nhiều khối đá được tái sử dụng và các cột trụ nâng đỡ trọng lượng của toà nhà.
Nỗ lực khai quật di vật dưới chân Nhà thờ Đức Bà không chỉ phục vụ việc lưu trữ thông tin mà còn là nền móng quan trọng cho những nghiên cứu lịch sử trong tương lai.