Vacheron Constantin tiếp tục phô diễn thiên hướng nghệ thuật trong mảng chế tác đồng hồ với bốn thiết kế trong BST Metiers d’Art trứ danh. Bốn mẫu đồng hồ nói trên được trang trí theo phong cách concept với tên gọi khá mỹ miều: Tribute to Traditional Symbols (Vinh danh các biểu tượng truyền thống). Trong trường hợp này, biểu tượng mà thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ muốn tái hiện chính là mô-tip vách đá ven biển thường xuất hiện trong các thời nhà Minh và nhà Thanh của Trung Quốc, hay còn được gọi là “Hải thủy Giang nhai”. Lâu nay, hình ảnh vách đá với những con sóng bạc đầu xuất hiện thường xuyên trong văn hoá, nghệ thuật, điêu khắc và kiến trúc của người Trung Hoa. Lần này, các nghệ nhân của Vacheron Constantin đã kỳ công tạo ra hai bộ mặt số với hình ảnh những con sóng biển đang vỗ liên hồi vào các vách đá sừng sững.
“Hải thủy Giang nhai” khắc họa ngọn núi hùng vĩ nhìn xuống những con sóng bạc vỗ vào vách đá. Không chỉ đẹp mắt, hình ảnh này còn tượng trưng cho sự vững mạnh của hoàng đế, như vách núi sừng sững trước mọi sóng gió. Sơn - thủy biểu trưng cho non nước. Lối trang trí này cũng khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, điển hình Việt Nam có hoa văn thuỷ ba gần tương tự may trên long bào, cổ phục thời Lê - Trịnh, Nguyễn ...

Hãng đồng hồ Thuỵ Sĩ đã mời ông Tống - từng làm phó thủ thư thuộc bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh, Trung Quốc - đến Thụy Sĩ để đàm đạo. Ông Tống trực tiếp cố vấn, cung cấp nhiều tư liệu quý suốt quá trình nghiên cứu. Sau đó, hai hình thêu “Hải thủy Giang nhai” được ứng dụng cho bốn mẫu đồng hồ.
Ở phiên bản thứ nhất, các con sóng được tạo hình bằng những viên kim cương toả sáng dưới ánh trăng. Trong phiên bản thứ hai, bức họa thủy triều mơn trớn đỉnh núi, rừng cây hình củ gừng cùng nền trời sao được thực hiện bằng cloisonné - kỹ thuật tráng men dùng sợi vàng nguồn gốc Trung Quốc, còn gọi “màu lam Minh Đại”. Với mỗi mặt số, nghệ nhân trải 220 sợi chỉ vàng trong 50 tiếng tạo hình. Tiếp đó, họ mất 70 tiếng thực hiện công đoạn tráng men nhằm đạt được sắc độ trù phú.
Vành đệm của hai mẫu không đính đá quý chạm khắc hình loài dơi. Trong tiếng Trung, “dơi” và “hạnh phúc” cùng đọc là “phúc”, được xem là phước báo, tượng trưng cho ngũ phúc - trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức và thiện chung. Nhà điêu khắc gợi tả dơi bằng hình thức phù điêu nổi nhiều vòng xoắn liền kề. Bốn phiên bản tri ân văn hóa Á Đông được trang bị bộ máy 2.460 nhỏ gọn, đạt chứng chỉ Hallmark of Geneva. Con lắc vàng khắc hoa văn tương đồng mặt số. Được chế tác thủ công với số lượng giới hạn, đây là những thiết kế dành cho các nhà sưu tập của Vacheron Constantin.
Một số thiết kế và công đoạn trong quá trình chế tác BST Metiers d’Art: