“Miên" không phải một từ mọi người có thể dễ dàng mường tượng về ý nghĩa đằng sau. "Miên" theo tiếng Hán Nôm có nghĩa “mái nhà” - hình ảnh tượng trưng cho sự chở che, là nơi người ta tìm về với bình yên; hay “Miên” còn là loại hoa mộc miên với sắc đỏ rực rỡ, đại diện cho sự đam mê, ấm áp mà thực khách có thể cảm thấy mỗi lần ghé chơi; hoặc cũng có thể “Miên” chính là những cảm xúc miên man trong suốt hành trình thực khách trải nghiệm các hương vị mà bếp nhà gửi gắm trên bàn ăn.
“Mâm hội cỗ làng - Miền Trung” và những câu chuyện về văn hóa
Ngay từ khi bước chân vào nhà hàng, mỗi nhóm khách sẽ được một nhân viên Miên đồng hành trên hành trình trải nghiệm thực đơn nếm thử. Những người trẻ nhiệt huyết và chân thành mang trong mình sự đam mê và niềm yêu thích đối với từng món ăn, từng nguyên liệu mà họ giới thiệu đến thực khách.
Với thực đơn mới nhất này, Miên mang đến cái tên “Mâm hội cỗ làng - Miền Trung.” Khởi động hành trình đầy kỳ bí với một điểm chạm ấn tượng cho cả thị giác lẫn thính giác của thực khách: Pháo giấy – trò chơi tuổi thơ quen thuộc của nhiều người. Những chiếc pháo với màu hồng tươi tắn được gấp sẵn, đặt ngay ngắn trên bàn. Pháo “nổ”, thực khách lại thích thú khi khám phá bên trong mỗi trang giấy gấp pháo là những câu thơ, bài vè thuở nhỏ thường nghe các em bé ngân nga trong xóm.
Xuyên suốt buổi trải nghiệm, nhân viên Miên luôn kề cạnh để kể cho thực khách những câu chuyện, những cảm hứng đằng sau từng món ăn. Nghe rồi thử, hiểu rồi nếm, thực khách nhìn thấy rõ hơn vai trò quan trọng của việc Miên cam kết sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa cao cấp được tuyển chọn kỹ lưỡng, lý do vì sao đội ngũ sẵn sàng vượt núi, vượt biển để có được thứ nguyên liệu đặc biệt đó mà gửi gắm vào từng món ăn.
Ba món khai vị: Heo ngâm mắm, quẩy xúc hến, xèo cuốn mực hoàn hảo để thực khách làm quen dần với nét ẩm thực miền Trung đậm đà. Hùm bông chua chua và bột lọc cá kho, những món ăn được biến tấu từ các nguyên liệu từ vùng biển Nha Trang, Phan Thiết. Và trung tâm của thực đơn chính là mâm cơm theo truyền thống người Việt. Phần cơm được nấu từ gạo Séng Cù Tây Bắc kết hợp với hạt sen Huế vỏ mỏng, nấu cùng nước dừa, béo ngọt tròn vị. Món mặn là sâm cầm, tim bò, phục vụ cùng canh củ sen và đồ chua.
Bên cạnh hương vị được căn chỉnh một cách tinh tế, bày trí cũng không kém phần bắt mắt. Tất cả các món được sắp xếp trên một mâm đồng truyền thống, tạo nên một không khí gần gũi, quây quần đúng như tinh thần đi ăn cỗ của người Việt.
Dành cho hồi kết của thực đơn, thực khách thưởng thức sự ngọt ngào của những món tráng miệng từ đá bào hồng đà lạt, chè bắp nếp nù đến kẹo bánh dùng cùng trà nóng. Đợi khi thực khách ngồi nghỉ ngơi sau hành trình ẩm thực vừa qua cũng là lúc nhân viên Miên thay mặt cho cả đội ngũ nhà hàng, gửi lời cảm ơn chân thành đến khách hàng qua tấm thiệp nhỏ xinh.
Đối với thực đơn nếm thử “Mâm hội cỗ làng – miền Trung”, Miên trau chuốt để đem lại cho thực khách không chỉ những trải nghiệm thú vị về vị giác, mà còn là câu chuyện về sự giàu đẹp của nguồn nguyên liệu bản địa Việt Nam.
Tập trung vào nguồn nguyên liệu bản địa Việt Nam cao cấp
Đúng như lời cam kết “Sử dụng 100% nguồn nguyên liệu bản địa Việt Nam”. Xuất hiện trong thực đơn nếm thử “Mâm hội cỗ làng - Miền Trung” là Gạo Séng Cù từ vùng Điện Biên - Yên Bái, rau gia vị làng rau Trà Quế - Hội An, tôm hùm bông Nha Trang, hồng Đà Lạt... Bên cạnh những nguyên liệu đã xây được “thương hiệu”, Miên còn sử dụng nhiều nguyên liệu Việt cao cấp hiếm gặp. Ví dụ như sâm cầm - loài chim quý thời kỳ phong kiến thường được săn lùng để tiến vua. Thịt sâm cầm có giá trị cao nhờ hương vị thịt béo ngọt nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Qua cách chế biến của bếp trưởng Dung, lớp da được quay giòn tan nhưng bên trong, thịt vẫn mềm ẩm...
Khi hỏi về động lực và nguồn cảm hứng để Miên quyết định cam kết với việc sử dụng nguồn nguyên liệu bản địa Việt Nam, đội ngũ chia sẻ về hành trình ngược xuôi tìm nguồn cảm hứng cho thực đơn. Càng tìm tòi, đội ngũ của Miên khám phá ra rằng Việt Nam vẫn còn vô số “của ngon vật lạ” với giá trị dinh dưỡng lẫn hương vị không thua kém bất cứ loại nguyên liệu ngoại nhập nào. Chuyến đi thực tế cũng là dịp để quan sát, gần gũi hơn với cuộc sống thường nhật của những người nông dân, ngư dân Việt. Vốn biết công việc lao động chân tay là vất vả, mọi thứ càng trở nên khó khăn hơn khi họ phải đối mặt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thiên tai thất thường.
Đi kèm với quyết định sử dụng 100% nguồn nguyên liệu bản địa là những khó khăn không tưởng. Đa số các nguyên liệu bản địa đều được đánh bắt và nuôi trồng tự nhiên, dẫn đến sự bất ổn về nguồn hàng. Trong khi đó, Miên phải đảm bảo nguồn cung đều đặn và duy trì tính đồng đều về chất lượng, trọng lượng và kích cỡ nguyên liệu để giữ cho mọi set menu của nhà hàng khi phục vụ cho thực khách đều đạt chuẩn như nhau. Bên cạnh đó, chi phí cho các loại nguyên liệu hiếm như tôm hùm bông Nha Trang, sâm cầm thậm chí có cao hơn so với các nguyên liệu cùng loại được nhập từ nước ngoài. Hay các yếu tố về vận chuyển, bảo quản nguyên liệu... cũng là những vấn đề mà Miên luôn cần tìm cách giải quyết.
Song, các khó khăn trên là “hoàn toàn xứng đáng”, để từ đó đội ngũ Miên có thể tạo nên giá trị cho từng món ăn thông qua những chi tiết dù là nhỏ nhất, cũng như truyền đạt trọn vẹn tình yêu, niềm tự hào và tôn trọng mà họ dành cho xứ sở này.
Với “Mâm hội cỗ làng - Miền Trung”, Miên có lẽ đã thành công trong việc kể những câu chuyện văn hóa Việt đẹp đẽ. Dưới góc nhìn của đội ngũ trẻ đầy nhiệt huyết, lời cam kết phục vụ ẩm thực thuần Việt, nêu bật giá trị của nguồn nguyên liệu bản địa cao cấp cho thấy tình yêu to lớn được Miên đặt để đầy ý nhị trong hương vị và cách bày trí của từng món ăn. Có lẽ nhờ vậy, cảm giác “miên man” của thực khách đến với nhà hàng còn chứa đựng niềm tự hào về nền ẩm thực, văn hóa tốt đẹp, cùng sự chân thành và kiên cường của con người Việt Nam.