Ngay khi AsiaMarine Việt Nam chính thức công bố thành lập vào ngày 19.6.2019, doanh nhân trẻ Nguyễn Thanh Duy, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty, đã trở thành gương mặt được giới kinh doanh xa xỉ chú ý khi anh quyết liệt dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh du thuyền mới mẻ và nhiều thách thức.
Anh bước vào ngành du thuyền đầy triển vọng và cũng rất khó khăn này từ khi nào?
Tôi bén duyên từ năm 2017. Lúc đó đang bay nhảy trong các ngành hàng xa xỉ thì được một tập đoàn lớn về du thuyền của Nga mời làm Sales Director. Cái gật đầu khi ấy của tôi khá là liều lĩnh bởi tôi không hề biết gì về lĩnh vực quá mới mẻ này. Tuy nhiên chính quá trình hơn một năm trải nghiệm, học hỏi đó đã trở thành nền tảng vững chắc cho tôi khi bắt đầu thành lập AsiaMarine Việt Nam.
Theo tôi biết, thương hiệu du thuyền Nga kia không thành công ở thị trường Việt và đã rút lui không kèn trống sau vài năm. Anh có biết vì sao họ thất bại và anh học được gì từ họ?
Tôi đã học hỏi được rất nhiều kiến thức chuyên sâu của ngành nghề rất đặc thù này. Quan trọng hơn nữa, tôi chiêm nghiệm và nhìn thấy nguyên nhân thất bại của họ, một là họ xác định thị trường sai khi đặt trụ sở chính ở Hà Nội, hai là phương pháp kinh doanh của họ không phù hợp với hành vi – tâm lý khách hàng Việt. Tựu trung lại, họ quá tự tin về nguồn lực “khủng” và kinh nghiệm hoạt động đa quốc gia rất thành công của một tập đoàn lớn mà chẳng màng đến sự khác biệt về văn hóa bản địa, không tìm hiểu và thích nghi thị trường, dẫn tới xung đột và thất bại.

Một thương hiệu quốc tế hùng mạnh như vậy còn thất bại, anh có niềm tin bản thân, vào sự tồn tại và phát triển của một công ty nhỏ như AsiaMarine Việt Nam?
Tôi đặt ra cột mốc cho mình: tới trước năm 35 tuổi sẽ vượt những giới hạn của bản thân, sẽ thử thách với những gì khó khăn mà người khác không dám làm. Tôi quan niệm, đời người có những giai đoạn 10 năm, từ 15-25 tuổi là giai đoạn học tập và khởi nghiệp; từ 25-35 tuổi là giai đoạn “chiến đấu”, khám phá – thử sức với thị trường; tới 35 tuổi trở lên là giai đoạn ổn định, theo đuổi một con đường duy nhất. Hiện tại tôi mới 31 tuổi, vẫn đang “chiến đấu”, nhưng có lẽ tôi đã xác định rõ con đường tương lai của mình khi tìm thấy niềm đam mê cùng những điều kiện cần và đủ để tồn tại trong lĩnh vực du thuyền.
Thành lập một công ty non trẻ trong một thị trường cũng rất non trẻ về du thuyền, anh có thể chia sẻ những khó khăn của AsiaMarine Việt Nam trong bối cảnh hiện tại?
Khó khăn lớn nhất là về tài chính. Chúng tôi không mạnh về tiềm lực nên không thể chạy đua với các đối thủ cạnh tranh. Rất may mắn khi chúng tôi có được bệ đỡ AsiaMarine quốc tế – tập đoàn hàng đầu châu Á về du thuyền với nhiều chi nhánh ở các quốc gia Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore và Việt Nam sau 6 năm hoạt động, giúp tạo dựng niềm tin đối với khách hàng bên cạnh sự hỗ trợ về kỹ thuật và dịch vụ. Nếu không ở trong ngành, bạn sẽ không thể tưởng tượng được những khó khăn và thách thức mà chúng tôi phải đối mặt trong việc bàn giao du thuyền cho khách hàng. Ngoài ra, uy tín của AsiaMarine cũng giúp chúng tôi trở thành đại diện chính hãng của Bali Catamaran, Azimut, Galeon và Numarine cùng đối tác lớn Fraser Yacht.
Thị trường du thuyền Việt non trẻ nghĩa là còn rất nhiều tiềm năng, nhưng chắc hẳn không dễ dàng cho người mới với tình trạng cạnh tranh khốc liệt giữa 4-5 công ty chuyên về mảng này?
Thị trường ở ta tương đối khác nước ngoài do chúng ta không có văn hóa chơi du thuyền, trong khi một số nước châu Âu dạy về thuyền buồm từ bậc tiểu học, khiến thú chơi này trở thành truyền thống của họ. Người Việt hiện nay có kiểu “chạy đua vũ trang”, người ta mua thì mình cũng phải mua, hoặc từ góc độ tìm một thú chơi mới sau khi đã chán chê với siêu xe. Chơi du thuyền tuy tốn kém hơn nhưng sang chảnh hơn, mang lại trải nghiệm mới mẻ và thú vị hơn.
Còn sự cạnh tranh thì luôn rất khốc liệt vì khách mua du thuyền ở ta không nhiều, có thể đếm được hết, và chỉ có khách cá nhân chứ hầu như không có tập đoàn nào mua du thuyền do bài toán kinh tế, ngoại trừ những tàu thuần về cho thuê – charter mới có thể kiếm lợi nhuận.

AsiaMarine có ngách riêng nào để đi, chiến lược gì để đối phó với các đối thủ lớn, thưa anh?
Đây là câu hỏi mà tôi luôn trăn trở, tự đặt ra rồi đi tìm lời giải cho bản thân và những anh em trong công ty. Các đối thủ quá mạnh, họ ở cách mình rất xa, làm sao mình có thể trụ vững và phát triển trên thị trường?! Biết mình nhỏ, tài lực và tiềm lực ít, mối quan hệ lại chưa đủ rộng, chúng tôi phải tìm ra chiến thuật phù hợp để tồn tại và phát triển cho tới khi đủ lớn. Tôi tin rằng chỉ có hai kiểu công ty du thuyền có thể tồn tại trên thị trường này: một là phải thực sự lớn và mạnh về vốn; hai là phải thực sự nhỏ, thu mình lại, giảm thiểu các chi phí để có thể tồn tại, đầu tư một cách thông minh, tạm gọi là “chiến thuật du kích Việt”. Và chúng tôi đi theo mô hình thứ hai. Còn nếu không thấy được hai thái cực ấy mà cứ đổ tiền ra chạy đua thì sẽ “rớt”. Hiện tại, AsiaMarine chỉ chạy theo đối thủ chứ không chạy đua, phải quan sát để biết người biết ta, học hỏi từ thành công và cả những sai lầm của đối thủ.
Hơn nữa, chúng tôi đang nỗ lực phát triển dịch vụ hậu mãi & kỹ thuật nhằm tận dụng đội ngũ kỹ thuật hùng hậu lâu năm của tập đoàn, đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư về trung tâm sửa chữa với một số lựa chọn về địa điểm, hy vọng sẽ sớm công bố. Đây là mục tiêu lớn nhất của AsiaMarine trong năm nay và năm sau để có thể phát huy được thế mạnh của mình.
Nhắc tới AsiaMarine, người ta sẽ nghĩ đến du thuyền cũ. Đây có phải là một ngách để anh tránh các đối thủ mạnh vốn chuyên về tàu mới?
Chúng tôi luôn có hai mảng kinh doanh thuyền mới và cũ, dòng thuyền cũ vẫn đang kinh doanh khá ổn, tuy nhiên về lãi thì không quá tốt, và không có quá nhiều loại thuyền để khách hàng chọn. Chúng tôi vẫn duy trì & phát triển mảng này, tuy nhiên người chơi Việt đang có xu hướng chơi thuyền mới nhiều hơn.
Cần phải hiểu rằng du thuyền không như xe, thuyền ở trên mặt nước, rất nhiều điều có thể xảy ra nếu nó không được bảo dưỡng tốt, thậm chí có thể xuống cấp trầm trọng đến mức không thể sử dụng được. Để có một tàu cũ mà đủ tiêu chuẩn đem đi bán, chúng tôi cần phải lựa chọn kỹ càng, thực hiện khảo sát chi tiết về tình trạng tàu, dù theo quy định của pháp luật, tuổi đời tàu cũ nhập khẩu tối đa là 10 năm, để hạn chế việc nhập rác. Nếu mua phải tàu cũ không tốt, chi phí bỏ ra để xử lý vấn đề đến một lúc nào đó sẽ còn nhiều hơn tiền mua tàu. Chính vì phải chọn lọc tàu cũ cực kỳ khắt khe, nên số lượng tàu cũ mà chúng tôi có thể giới thiệu khá là giới hạn, trong khi tàu mới hầu như không gặp phải vấn đề này.
Thật ra tôi đã và sẽ tập trung cho mảng tàu mới nhiều hơn, đến 70% thời gian & công sức, nhằm hạn chế tối đa các vấn đề có thể xảy ra như ở tàu cũ. Chính sách bảo hành của các hãng đối với tàu mới cũng hỗ trợ cho mình rất nhiều.
Xin cảm ơn, chúc anh & AsiaMarine gặt hái nhiều thành công tốt đẹp!


Đôi nét về doanh nhân Nguyễn Thanh Duy

Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Greenwich, doanh nhân sinh năm 1988 này từng là Chủ tịch Liên đoàn Lãnh đạo trẻ Thế giới tại Việt Nam – khu vực Nam Sài Gòn.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành kinh doanh xa xỉ, Nguyễn Thanh Duy từng giữ vị trí Giám đốc Quan hệ Khách hàng & Trưởng Đại diện Khu vực phía nam của Rolls-Royce Motor Car Hà Nội, và giám đốc kinh doanh của Azimut Yachts Vietnam trước khi nắm giữ cương vị CEO của AsiaMarine Việt Nam.