Điều này nghe qua có vẻ quá tầm thường, nhưng lại nói lên tính cách cũng như mối quan hệ rộng của vị Chủ tịch kiêm CEO Aman. Đối với ông, những chi tiết – từ hình dáng của chai đến các hoa văn mềm mại như đường vân – tất thảy đều quan trọng.



Theo thời gian, danh sách các kiến trúc sư mà ông hợp tác thành công ngày càng dài thêm – nhiều cái tên đã hiện diện từ những ngày ông mới tham gia lĩnh vực phát triển bất động sản thương mại và nhà ở tại Moscow từ thập niên 1990. “Tôi đã phải thuyết phục cả Thị trưởng lẫn các nhà quy hoạch đô thị để đưa các kiến trúc sư nước ngoài vào Nga”, ông nói. “Việc này đã gây nhiều tranh cãi vì chính quyền không hề muốn. Tôi đã phải giải thích rằng, với sự hiện diện của các kiến trúc sư phương Tây tại Nga, chúng ta không chỉ xây các tòa nhà vì lợi ích hiện tại, mà còn có cơ hội học hỏi từ quy trình làm việc của họ”.


Cửa hàng lưu niệm tại khu nghỉ dưỡng Amanpuri (Phuket, Thái Lan)


Trước khi trở thành “đầu tàu” của Aman, Doronin đã từng là một khách hàng của chuỗi khách sạn năm sao này khi đến nghỉ dưỡng tại một trong những khách sạn Aman đầu tiên – Amanpuri (mang ý nghĩa về “nơi yên bình” trong Phạn ngữ) tại Phuket, Thái Lan. Khu nghỉ dưỡng này đã hoàn toàn chinh phục Doronin.


Các khu nghỉ dưỡng Aman có số lượng phòng rất hạn chế – ví dụ, Amanpuri chỉ có 40 căn biệt thự. Dịch vụ tại Aman cực kỳ hoàn hảo và khách có thể thuê chuyên cơ riêng của Aman bất cứ lúc nào. Thiết kế ở đây nghiêng về hướng tối giản, thanh tịnh với các chương trình chăm sóc sức khỏe phong phú có thể tùy chỉnh theo nhu cầu của từng cá nhân. Những tín đồ của Aman, hay còn gọi là “Aman junkies”, chỉ chọn Aman cho các kỳ nghỉ dưỡng của mình vì những lý do này. Một số người thậm chí còn đặt mục tiêu đến thăm tất cả mọi khu nghỉ của Aman – gồm 32 khu nghỉ dưỡng tại 20 quốc gia.


Phòng ngủ tại biệt thự Capital Hill Residences của Doronin do kiến trúc lừng danh quá cố Zaha Hadid sáng tạo nên, nằm ở độ cao gần 26m


Doronin cũng tự nhận mình là “Aman junkies” nhưng phải nhiều năm sau, ông mới dồn sức mua lại Aman. Trong khoảng thời gian đó, ông làm việc tại Capital Group – công ty phát triển bất động sản của chính mình – với việc giám sát xây dựng hơn 70 tòa nhà và đã giúp kiến tạo nên khu kinh doanh của Moscow. Việc mua lại Aman mang đến cho Doronin những cơ hội lớn đối với thương hiệu mà ông luôn tôn kính và có lẽ còn quan trọng hơn, giúp ông mở rộng danh mục đầu tư bất động sản đang phát triển của mình ra thị trường quốc tế. Nhưng một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình đã không xảy ra.


Doronin đã mua Aman từ nhà sáng lập Adrian Zecha với giá 385 triệu USD vào năm 2014 – vốn là một phần trong liên doanh với doanh nhân Omar Amanat. Sự tranh chấp trong hội đồng quản trị nhanh chóng nổ ra: Doronin cáo buộc Amanat có hành vi gian lận khi đàm phán về quan hệ đối tác của họ và buộc Amanat phải bán lại cổ phần của mình; phía Amanat lại cho rằng Doronin đã chiếm giữ cổ phần của ông một cách bất hợp pháp. Sau đó, khi Zecha từ chức – một số báo cáo cho rằng ông đã bị đẩy ra khỏi hội đồng quản trị và Doronin đã tự phong mình là Giám đốc điều hành. Các bên liên quan đã không đồng thuận với kết quả này và phải đến hai năm sau, vụ kiện cấp cao mới được giải quyết. Giờ đây, bốn năm sau vụ kiện, mọi tranh cãi dường như đã tan biến, nhưng nhiều điều tại Aman cũng đã đổi thay. “Đó chủ yếu là những thay đổi về thương mại, thực phẩm và đồ uống”, kiến trúc sư Jean-Michel Gathy, người đã thiết kế 12 khu nghỉ dưỡng cho thương hiệu này kể từ năm 1989, cho biết. “Zecha là một người không thực sự tin vào điều đó. Ngược lại, Doronin muốn kiếm tiền và tích cực hơn một chút về mặt thương mại. Ông tin rằng cần phải xây nhiều phòng nghỉ hơn. Với ông, con số 20-30 phòng mà Zecha tâm đắc là không đủ. Ông muốn 40 hoặc 50”.


Toàn bộ 22 căn hộ tại Aman New York hướng ra công viên và nhiều căn còn sở hữu cả hồ bơi riêng

“Doronin nhận xét mọi thứ. Ông ấy sẽ phân tích từ gỗ, chất liệu vải, số lượng chỗ ngồi, đĩa ăn”.


Aman New York – khách sạn sẽ được ra mắt vào mùa thu năm nay – là một minh chứng. Trên lý thuyết, nơi đây hoàn toàn đối ngược lại với tất cả những đặc điểm mà giới “Aman Junkies” coi trọng: thay vì tọa lạc ở vị trí xa xôi, biệt lập, thì nay lại hiện hữu giữa Manhattan; không phải con số 30 phòng mà là 83 phòng. Về mặt kiến trúc, hầu như không còn mặt tiền bằng gỗ tếch tối giản vốn luôn gắn liền với hình ảnh thương hiệu. Doronin đầu tư khoảng 624 triệu USD cho các tầng từ 4 đến 26 của Crown Building, một tòa tháp 26 tầng ở Phố 57 và Đại lộ số 5 mang đậm dấu ấn của Thời đại vàng son.


Aman New York là tác phẩm thiết kế đầu tiên của Gathy dưới thời Giám đốc điều hành mới và ngay lập tức thể hiện chiều hướng thay đổi rất mạnh mẽ và rõ ràng. “Nếu là Zecha, ông ấy sẽ nói, ‘Jean-Michel, là nhà thiết kế, ông biết rõ hơn tôi’. Ông ấy sẽ không bao giờ đưa ra bình luận”, vị kiến trúc sư chia sẻ, “Doronin thì không. Ông ấy nhận xét mọi thứ, từ gỗ, chất liệu vải, số lượng ghế ngồi, đĩa ăn. Aman New York là một tòa nhà ‘ngốn’ hàng đống tiền. Ông ấy phải đảm bảo rằng mình sẽ kiếm được tiền từ đó”.


“Căn penthouse 5 tầng của Aman New York với giá 180 triệu USD sẽ là căn hộ đắt nhất New York”.


Một phần trong chiến lược hoàn vốn của Doronin liên quan đến 22 khu căn hộ riêng của Aman New York với giá khởi điểm khoảng 13,5 triệu USD. Doronin đặc biệt lạc quan khi triển khai dự án này và Aman New York sẽ là đợt sóng đầu tiên ở Mỹ nói chung và tại một thành phố lớn nói riêng.


Điều gì khiến Doronin chắc chắn rằng họ sẽ kinh doanh thành công? “Trước hết, tôi có thể thay thế bất kỳ tòa nhà chọc trời nào. Tôi chỉ cần tìm mảnh đất hoặc công trình phá dỡ. Nhưng tôi không thể thay thế Crown Building. Nó là độc nhất”, ông nói. “Kế đến là vị trí. Đó là một vị trí đắc địa với tầm nhìn ra công viên. Tôi nói với người mua rằng ‘Bạn đang đứng ở trên mây đấy.’ Và ở đây phục vụ chu đáo. Chúng tôi có thể thiết kế bữa tối lãng mạn cho bạn, mang tách cappuccino nóng đến căn hộ của bạn. Bạn không cần phải có quản gia hoặc đầu bếp bởi chúng tôi có mọi thứ”.


Một trong số 22 căn hộ tại Aman New York


Ông cho biết hơn một nửa số căn hộ tại đây đã được bán ra. Căn penthouse năm tầng của Aman New York đang được thương thảo với giá dự kiến 180 triệu USD và sẽ trở thành căn hộ đắt nhất từng được bán ở New York với mỗi mét vuông có giá 14.300 USD.


Nhưng tại thời điểm hiện tại, Janu, thương hiệu “chị em” mới của Aman, là điều khiến Doronin háo hức nhất. Ý tưởng của ông ấy là tạo ra một phiên bản Aman mới nhưng với quy mô lớn hơn, giá cả phải chăng hơn và mang tính xã hội hơn. Tuy vẫn giữ những đặc trưng của thương hiệu Aman, nhưng Janu nhắm đến đối tượng trẻ tuổi hơn. “Đối với Janu, chúng ta có thể cởi mở hơn, nhiều sức sống và năng lượng hơn với các thể loại âm nhạc, thể thao khác nhau”.


Với Janu, Doronin cũng sẽ quyết định “chơi” lớn, bằng việc triển khai xây dựng tám khách sạn trong thời gian 10 năm.