Chia sẻ của Charles Gallavardin – đồng sáng lập T3 Architects – về triết lý kiến trúc sinh khí hậu (Bioclimatic Architecture) cũng như trách nhiệm của các kiến trúc sư trong sứ mệnh giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sống.

Ông có thể giới thiệu với độc giả Robb Report về T3 Architects?

T3 Architects được thành lập vào 2007 tại Marseille (Pháp) chuyên về lĩnh vực kiến trúc sinh khí hậu (Bioclimatic Architecture). và kiến trúc bền vững. Đây là triết lý kiến trúc mà chúng tôi đã xác định và theo đuổi ngay từ thời điểm thành lập công ty. Năm 2011, chúng tôi mở văn phòng tại TP.HCM, và sau đó 4 năm, văn phòng tại Campuchia được khai trương, đánh dấu sự mở rộng của mình tại khu vực Đông Nam Á.

Có sự tương đồng nào giữa khái niệm Bioclimatic Architecture và Biophilic Design trong kiến trúc không, thưa ông?

Đây là hai khái niệm khác nhau. Kiến trúc sinh khí hậu thể hiện mối quan hệ giữa khí hậu và kiến trúc, khi các công trình được xây dựng một cách có hệ thống bằng cách xem xét các yếu tố tự nhiên như cây cối, ánh nắng, bóng râm, hướng gió hay hướng mưa theo mùa nhằm bảo vệ không gian sống khỏi các tác động bất lợi của thời tiết và tối ưu hóa sự thoải mái cho con người, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững với môi trường. Ở TP.HCM, nơi người dân phải sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm cùng mùa mưa kéo dài trong 6 tháng, việc thiết kế một không gian sống giúp tránh được các tác động của những yếu tố này sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong khi đó, thiết kế ưa sinh học (biophilic design) trong kiến trúc là nỗ lực đưa thiên nhiên vào không gian sống. Hẳn nhiên, để đưa được thiên nhiên vào nhà, bạn cần đến nhiều nỗ lực, phương tiện, và điều này cũng có nghĩa rằng những nỗ lực đó sẽ không hoặc ít mang lại các giá trị bền vững cho môi trường.

Ông có thể mô tả phong cách kiến trúc của mình?

Chúng tôi không gọi tên phong cách của mình là thế này hay thế kia, mà chú trọng đến tính đạo đức trong kiến trúc và kinh doanh. Với chúng tôi, đạo đức kinh doanh được thể hiện ở sự trân trọng các giá trị cảnh quan, lịch sử và tính bền vững của môi trường sống. Mọi nỗ lực cũng như các dự án của chúng tôi đều hướng đến mục tiêu mang đến lợi ích cho con người, cộng đồng tại Việt Nam và Campuchia – nơi chúng tôi hoạt động.

 


“Nhận thức của người Việt về tính bền vững của môi trường sống đang tăng lên”.


 

Làm thế nào để ông thuyết phục các khách hàng Việt – những người sùng bái vật liệu xa xỉ nhập khẩu thay vì vật liệu bản địa?

Quả thật, mảng kiến trúc mà chúng tôi theo đuổi khá hẹp. Nhưng cùng với thời gian, nhận thức của người tiêu dùng tại Việt Nam đang thay đổi.

Ở châu Âu, lớp người giàu đang thay đổi nhận thức cũng như hành vi đối với hàng hóa và dịch vụ xa xỉ. Thói quen phô trương, thể hiện vị thế và đẳng cấp với các sản phẩm xa xỉ, hào nhoáng đang được thay thế bằng lối “tiêu thụ kín đáo”, cùng với đó là sự thay đổi về nhận thức đối với tính bền vững của môi trường sống cũng như các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản… Thế nên, tôi tin rằng, nhận thức của các khách hàng Việt cũng sẽ thay đổi theo chiều hướng đó.

Trước đây, lượng khách hàng là các công ty và cá nhân nước ngoài chiếm tới 90% danh mục, và 10% còn lại là khách hàng bản địa thì hiện nay, tỷ lệ này là 50/50. Một con số ấn tượng, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của người Việt đối với các không gian kiến trúc sinh khí hậu. Đây là một tín hiệu đáng mừng, và tôi trân trọng điều đó.

Ông có thể chia sẻ về dự án thách thức nhất mà mình tâm đắc?

Thật khó trả lời cho câu hỏi này. vì mỗi một dự án đều có những thách thức riêng. Tuy nhiên, tôi muốn nói một chút về dự án Dreamplex Flexi Office ở Thảo Điền. Đó là một không gian làm việc thoáng đãng, gây ấn tượng cho mọi người ngay từ giây phút đầu tiên bước chân vào với quầy lễ tân trong không gian mở, gợi cảm giác như một khu nghỉ dưỡng nào đó. Bên ngoài mặt đứng của tòa nhà được “ốp” một “lớp áo” bằng tre, vừa giúp che nắng, thông gió, vừa giúp giữ cho các bức tường được mát mẻ. Yếu tố cây xanh, tông màu tự nhiên, vật liệu bản địa như tre, vôi trát, gỗ, đá tự nhiên được bố trí hài hòa thay vì sử dụng các vật liệu công nghiệp, hóa chất và nhựa.

Một số dự án kiến trúc sinh khí hậu khác cũng được khách hàng đánh giá cao như căn biệt thự tại Hồ Tràm với lưng tựa vào khu rừng cây mát mẻ, mặt hướng ra khu vườn nhiệt đới và hồ bơi, còn phần mái nhà được cách nhiệt để không gian bên trong luôn được mát mẻ.

Có thể kể đến một số công trình khác của chúng tôi như văn phòng Mekong Capital, Trụ sở Trường Đại học Fulbright, Nhà hàng/Quán bia Belgo…

 


“So với tỷ lệ 50% các dự án bền vững đích thực ở châu Âu, tỷ lệ 1-5% ở Việt Nam hiện đang quá thấp”.


 

Ông nghĩ gì về sự tiến triển của khái niệm bền vững tại thị trường Việt Nam?

Cho đến giờ, tôi vẫn thấy đây là một lĩnh vực rất hẹp với tỷ lệ cực kỳ khiêm tốn – từ 1-5% dự án được coi là bền vững, số còn lại đều chỉ đang “ăn theo” xu hướng này. Đúng hơn, đó là kiểu bền vững “xổi”. So với tỷ lệ 50% các dự án bền vững đích thực ở châu Âu, tỷ lệ 1-5% ở Việt Nam hiện đang quá thấp. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Thế nên, là một trong những tác nhân góp phần tạo nên tình trạng nóng lên toàn cầu, ngành xây dựng phải ý thức về tác động của mình đối với sự bền vững của môi trường.

Đâu là tương lai của ngành kiến trúc trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng theo ông?

Thế giới đang chứng kiến sự chuyển động tích cực với khái niệm bền vững đích thực, các tòa nhà không khí thải các-bon. Ở Việt Nam, dù sự chuyển dịch vẫn còn chậm chạp, nhưng tôi tin rằng, với ảnh hưởng của lớp kiến trúc sư trẻ quan tâm đến môi trường, ngành kiến trúc nước nhà sẽ có nhiều thay đổi.

Xin cảm ơn ông!

(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 1&2 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “The Ultimate Gift Guide”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)