Chiếc du thuyền tuyệt vời này được trang bị 4 cột buồm dài hơn 40m, với diện tích buồm lên tới hơn 1.300 mét vuông. Khi cánh buồm được thu lại, cột buồm sẽ trở thành đôi cánh.
Hãy quên những chiếc ô tô bay đi. Một nhà thiết kế táo bạo muốn giúp bạn biến những giấc mộng phiêu lưu của Nam tước Munchausen thành hiện thực. Nhà thiết kế Yelken Octuri đã kết hợp hai phương tiện di chuyển đối lập với nhau và vẽ nên một ý tưởng mới lạ và ngoạn mục: Flying Yacht – một du thuyền hai thân có khả năng biến thành một chiếc máy bay phản lực. Khi ở chế độ “thuyền”, du thuyền có chiều dài 46,3m và chiều rộng 27m có sức chứa như một du thuyền 10 người, còn khi ở chế độ “máy bay”, với sải cánh dài 90,5m cùng bốn động cơ, nó có thể cung cấp đủ lực nâng và lực đẩy để đạt vận tốc tối đa trên lý thuyết là 210,5 hải lý/giờ hoặc 389,4 km/h.
Nhà thiết kế máy bay chuyên nghiệp, Octuri đã nảy ra ý tưởng Flying Yatch sau khi nghiên cứu những chiếc máy bay thập niên 1940 như chiếc H-4 Hercules của Howard Hughes, còn được biết tới với cái tên Spruce Goose, chiếc thuyền bay lớn nhất từng được sản xuất, hay những chiếc thế hệ sau như Soviet Union’s Ekranoplan trông giống một máy bay phản lực mắc cạn trên mặt nước hơn là một chiếc thuyền. Khi tăng tốc, nhờ vào hiệu ứng mặt đất – một lớp đệm không khí bên dưới thân tàu – con thuyền được nâng lên khoảng 3m và có thể lướt trên mặt nước với vận tốc cực lớn.
Flying Yatch có một chi tiết phụ – 4 cột buồm dài hơn 40m với diện tích buồm lên tới hơn 1.300 mét vuông – khiến cho bản phác thảo trở nên phức tạp hơn rất nhiều, ít nhất là nếu du thuyền này thực sự được đưa vào hoạt động. Cỗ máy “2 trong 1” này sử dụng cánh buồm để đẩy và khi cánh buồm rút lại, các cột buồm sẽ hạ thấp xuống để trở thành cánh máy bay.
Trang web của Octuri cho rằng Flying Yatch đã thực sự được chế tạo, nhưng anh ấy nhanh chóng chỉ ra rằng các chi tiết thuần túy là tưởng tượng. “Tuy thế vẫn có nhiều người liên hệ với tôi và hỏi về giá của nó”, anh chia sẻ với Robb Report.
Với ý tưởng khoa học viễn tưởng này, nhà thiết kế đã bỏ qua tất cả những vấn đề về kỹ thuật theo đúng nghĩa đen. Octuri tập trung vào những điều anh thấy thích, hơn là phát triển một kế hoạch khả thi cho chiếc thuyền vượt biển này.
“Tôi biết việc thiết kế bất kỳ chiếc máy bay nào cũng vô cùng phức tạp”, Octuri nói. “Nếu muốn tổng hợp tất cả các dữ liệu đó để xây dựng ý tưởng này thì chắc tôi sẽ mất cả đời. Tôi đã quyết định bỏ qua vấn đề về kỹ thuật khi tôi bắt đầu”.
Tuy nhiên, theo hình ảnh 3D và tập trung vào các chi tiết của Octuri thì du thuyền sẽ có hai boong chính cùng các boong nhỏ ở mũi và đuôi tàu – và các hình vẽ nét mang lại cảm giác chân thực. Có vẻ đây là điều khả thi trong 20 hoặc 30 năm nữa, hoặc nó sẽ xuất hiện sớm hơn trong bộ phim Star Wars sắp tới.
“Bí quyết là hãy luôn cởi mở với những ý tưởng”, anh ấy nói. “Mà phần lớn thời gian chúng ta lại thường lờ nó đi”.
Octuri tin rằng một phiên bản khác của thiết kế này có khả năng hoạt động. “Sự lai tạo giữa một chiếc thủy phi cơ và tàu hai thân sẽ là một phương án thực tế hơn”, anh nói. “Nó có thể hoạt động được”.
Khi được hỏi về điểm đặc biệt yêu thích của mình trên Flying yatch, nhà thiết kế dừng lại để suy nghĩ. “Thật khó để trả lời”, anh nói. “Tôi nghĩ đó là khả năng giúp mọi người mơ mộng”. Và Nam tước Munchausen sẽ cảm thấy rất tự hào.