Cơ duyên nào đã đem ông tới ngành thiết kế nội thất?
Vào khoảng cuối thập niên 1980, khi mà cả ngành công nghiệp thiết kế nội thất đang đi đến cao trào của khủng hoảng, lúc đó, vẫn còn ở Tây Ban Nha, tôi nảy ra ý tưởng thiết kế những khung gương trang trí kiểu cách. Qua những người bạn, tôi biết đến một số xưởng sản xuất thủ công lành nghề tại châu Á, và tự nhủ rằng mình cần đến đó để hoàn thiện những kĩ năng điêu khắc để giúp ích cho công việc. Năm 1993, tôi đặt chân tới đảo Java (Indonesia) và tham gia các khóa học. Chính việc sáng tạo những mẫu khung tranh, khung gương trang trí đã phần nào đưa tôi đến với ngành nội thất. Ngoài ra, tôi luôn có lòng ngưỡng mộ đối với các nhãn hàng thời trang cao cấp như Chanel hay Dior, bản thân bộ sưu tập Mademoiselle cũng được thiết kế với nguồn cảm hứng chủ đạo là mang tới căn nhà của Coco Chanel thời hiện đại.
Những kí ức tuổi thơ nào có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của ông?
Năm 16 tuổi, tôi có giúp cha dượng mình xây cất một ngôi nhà, có lẽ điều đó đã nhen nhóm ngọn lửa xây dựng, kiến tạo nên không gian và sản phẩm. Chính ngôi nhà ấy cũng đã cho tôi những giấc mơ về sáng tạo, được ngắm nhìn thành quả, và tất nhiên cả việc chúng tôi sử dụng như thế nào. Lúc đó tôi cảm thấy không khác gì được bước vào thế giới của James Bond, nơi có những chiếc xe hơi bóng bẩy, những cô gái gợi cảm, những ngôi nhà với nội thất hoàn hảo. Tất nhiên là tôi nói đến các bộ phim của điệp viên 007 ngày xưa, khi họ vẫn thể hiện sự hào nhoáng cổ điển trong kiến trúc, thời trang, kiểu cách, chứ không phải Bond của thời hiện đại chỉ toàn đánh đấm và tiêu diệt kẻ thù.
Ông có thể lý giải về câu nói mình từng chia sẻ: “Sự sang trọng và xa hoa thể hiện trong từng đường cong”?
Chúng ta đã quá quen việc phải chấp nhận rằng các khung gương có một số hình dáng cố định, đặc biệt là vuông vức, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không được phép sáng tạo và đưa ra những khái niệm mới về hình dáng. Tại sao lại không tạo ra những tác phẩm nghệ thuật ngay trong ngôi nhà thân yêu thay cho những tấm gương soi thông thường? Tất nhiên, triết lý này cũng được áp dụng vào những chiếc đèn chùm, ghế sofa. Đôi khi, khách hàng chọn mua những sản phẩm của tôi bởi vì đó là những tuyên ngôn cá tính, là một cách để thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân chứ không đơn giản vì mục đích sử dụng đơn thuần
Và lời tuyên ngôn cá tính của ông chính là đường cong?
Cũng có thể coi là vậy, thực ra đường cong là biểu tượng của sự cổ điển, trong khi đường thẳng đưa chúng ta đến thì hiện tại. Công việc của tôi là kết hợp được cả cổ điển, đương đại và sự thanh lịch vào trong một sản phẩm
Có vẻ như phụ nữ là nguồn cảm hứng lớn nhất của ông?
Tôi nghĩ rằng phụ nữ luôn là nguồn cảm hứng tuyệt vời, có phải vậy không? Phụ nữ biểu tượng cho nhiều hình dáng trong thiết kế. Đường cong cũng được xem là một hình ảnh gắn liền với người phụ nữ. Giống như phim James Bond sẽ không còn là James Bond 007 nếu thiếu vắng hình dáng những cô đào xinh đẹp đúng không? Điều này cũng tương tự với những thiết kế của tôi. Không có những nét uốn lượn đặc trưng kết hợp với chạm khắc tinh xảo, các chi tiết thủ công… thì đó không phải là thiết kế của Christopher Guy.
Sinh trưởng ở Anh, sống và làm việc tại Tây Ban Nha, Pháp, còn hiện tại, ông thường xuyên đi lại giữa Singapore và Los Angeles. Những trải nghiệm này có tác động như thế nào đến công việc của ông?
Mặc dù luôn thèm muốn một cảm giác thân thuộc, một nơi được gọi là nhà, nhưng phải công nhận rằng, sự nghiệp đã cho tôi được ghé thăm châu Á và Pháp, những điểm đến mà tôi có dịp nghỉ dưỡng tại các khách sạn thanh lịch và bắt mắt nhất thế giới. Đặc biệt tại châu Á, tôi được tận hưởng không gian thanh tịnh và yên ả như đang trú ngụ tại một ngôi đền. Tôi tìm thấy sự tối giản và bình yên, những điều đắt giá trong cuộc sống. Phụ nữ Á Đông cũng đem lại cho tôi những cảm xúc đặc biệt, họ có nét đẹp dịu dàng, không cần phô trương mà vẫn tỏa sáng rạng rỡ nhất. Tôi luôn bị thu hút bởi những cô gái ngồi lặng lẽ trong góc quán bar hơn là những cô gái đang khiêu vũ, những món đồ nội thất của tôi cũng mang tinh thần đó – khơi gợi sự chú ý một cách mạnh mẽ dù chỉ lặng lẽ đứng ở góc phòng.
Điều gì khiến ông đem thương hiệu Christopher Guy đến với thị trường châu Á?
Quay trở lại những ngày đầu tiên, ở những thành phố như Rome hay Paris, nơi có tầng lớp quý tộc với đời sống thượng lưu cao cấp, cùng lúc đó, nước Mỹ lại là nơi cung cấp lực lượng lao động giá thấp. Kết hợp những yếu tố trên, chúng ta có được ngành nội thất xa xỉ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vật giá ở Mỹ tăng cao, giá nhân công cũng vậy, chi phí sản xuất vì thế mà đội lên, lúc này thị trường bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, châu Á lại phát triển như vũ bão, và rất xem trọng giá trị của xa xỉ phẩm. Tôi có thể tự tin nói rằng thị trường có gu thẩm mỹ cao cấp nhất thế giới là Tokyo, chứ không phải London, Milan hay Paris. Kể cả khách hàng chính của những thương hiệu thời trang cao cấp hiện nay cũng tập trung tại châu Á, chứ không phải châu Âu hay châu Mỹ.
Vậy còn thị trường Việt Nam nói riêng?
Việt Nam là đất nước đang trong thời kì xây dựng lại các hệ giá trị theo một tinh thần lạc quan và tự tin. Tôi nghĩ đất nước các bạn cũng sẽ bứt phá và làm được điều mà Singapore và Hàn Quốc với xuất phát điểm thấp hơn đã làm từ 40 năm trước. Quan trọng hơn là phát triển và giữ gìn bản sắc riêng của quốc gia và dân tộc. Tôi tin rằng đây là thời điểm vô cùng thích hợp để tìm hiểu và thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Khi nhìn thấy những chiếc Mercedes, Range Rover, hay BMW đi lại trên phố, bạn sẽ biết đó chính là dấu hiệu thuận lợi.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!