Chúng ta đều biết câu nói “Less is More” (Nhỏ mà có võ). Trong thế kỷ qua, câu cách ngôn này đã trở thành lời hiệu triệu cho các kiến trúc sư và nhà thiết kế, định nghĩa phong cách thẩm mỹ hiện đại hướng đến việc đề cao vẻ đẹp tối giản và tinh tế hơn là kiểu trang trí rườm rà. Nhưng liệu bản thân sự hiểu biết của chúng ta về chủ nghĩa tối giản có trở nên quá giản lược không? Và liệu nó có phù hợp với tinh thần chung của chúng ta trong năm 2024 không?


Mặc dù đã được phổ biến bởi kiến trúc sư người Mỹ gốc Đức Ludwig Mies van der Rohe vào thế kỷ 20, nhưng cụm từ súc tích này không áp dụng cho các khách hàng đang sống trong những tòa nhà của ông. Những bức ảnh về Farnsworth House, biểu tượng hộp kính hiện đại của ông, cho thấy một không gian được sắp xếp theo đúng như Mies đã hình dung, với đồ đạc hợp lý và nội thất giản lược.


Trên thực tế, ngôi nhà là nơi sinh sống của vị bác sĩ và nhà thơ theo một cách hoàn toàn khác biệt. Ngôi nhà được đặt theo tên của tiến sĩ Edith Farnsworth - một người yêu âm nhạc và du lịch đã thổi luồng sinh khí cho ngôi nhà của mình bằng đồ nội thất và đồ lưu niệm mang phong cách chiết trung nhưng không hề tối giản. Ví dụ này minh họa rằng chủ nghĩa tối đa luôn tồn tại song song với chủ nghĩa tối giản. Trong khi lịch sử thích sự tiến triển tuyến tính từ ý tưởng rõ ràng này sang ý tưởng rõ ràng khác, thì trên thực tế, văn hóa lại phức tạp và đa diện hơn nhiều.



Thế kỷ qua đã được định nghĩa là kỷ nguyên của chủ nghĩa tối giản, đạt đến đỉnh cao trong những năm gần đây với sự trỗi dậy của những người ủng hộ chủ nghĩa tối giản như Marie Kondo và Fumio Sasaki, nhưng “More is More” đúng là “sóng ở đáy sông” - luôn sôi sục bên dưới bề mặt.



Năm 2019, nhà xã hội học người Thụy Điển Ylva Uggla đã phân tích những ý tưởng cốt lõi đằng sau sự phát triển của chủ nghĩa tối giản trong nền văn hóa phương Tây đương đại. Bà nhận thấy lối sống tối giản, với sự tôn vinh việc thu hẹp quy mô, đã trở thành xu hướng ở các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ và Thụy Điển trong thập kỷ trước. Mặc dù nó thường biểu hiện trong môi trường vật lý của con người, Uggla phát hiện ra rằng nó được thúc đẩy bởi các yếu tố tâm lý.


“Chủ nghĩa tối giản chủ yếu là cách tiếp cận cá nhân để giải quyết các tình huống bất mãn.” – bà nhận xét. Khi xem xét các bài viết của các blogger và tác giả ủng hộ chủ nghĩa tối giản nổi tiếng, Uggla khẳng định rằng mặc dù có nhiều dạng thức khác nhau, nhưng các hình thức chủ nghĩa tối giản được ủng hộ đều có chung một mục tiêu cốt lõi: tránh xa sự bất mãn và hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Tóm lại, việc dọn dẹp không gian và mua ít đồ đạc hơn đã trở thành một phương tiện, trong một nền văn hóa ngày càng được định nghĩa bởi tiêu dùng, để giành lại quyền tự chủ.


Văn hóa tiêu dùng đó hiện đang tồn tại trực tuyến và thay vì áp đảo chúng ta bằng vô số lựa chọn về sản phẩm và trải nghiệm, các thuật toán kỹ thuật số ngày càng phản hồi lại cho chúng ta những gì mình đã thích. Kết quả là gì? Sự phổ biến. Và như vậy, chính nền văn hóa tiêu dùng đã khơi dậy khát khao về kiểu thẩm mỹ “less is more” - một nền văn hóa mà việc từ bỏ những thứ dư thừa báo hiệu sự tự do và độc lập - hiện đang chuyển sang hướng ngược lại: Trong không gian mà chúng ta dành cả cuộc đời cho nó, những người sáng suốt hơn trong chúng ta đang khao khát một thứ gì đó nằm ngoài công thức thuật toán.


“Ngày nay, chủ nghĩa tối đa đang nổi lên như một sự thay đổi mới mẻ khỏi những gì tầm thường, lặp đi lặp lại và dễ đoán của chủ nghĩa tối giản” - Amanda Jacobs, nhà thiết kế nội thất tại Louisville - cho biết. “Chủ nghĩa tối đa khuyến khích sự thể hiện bản thân táo bạo mà không bị ràng buộc bởi các công thức cứng nhắc. Nó dẫn đến những sự kết hợp hấp dẫn phản ánh sở thích và tính cách độc đáo của một người, và nó không bao giờ đơn điệu, vì không có hai cá nhân nào giống hệt nhau”. Trong thời đại mà con người có thể nhấn nút và có bất kỳ số lượng đồ nội thất gia đình nào được giao đến tận nhà, chúng ta dường như đang thèm muốn những đồ vật và thiết kế giúp bản thân cảm thấy điều gì đó sâu sắc hơn bên trong mình.


“Một không gian nội thất có cá tính và tâm hồn đóng vai trò như sự phản ánh của chủ nhân; nó truyền tải bản sắc của họ” - Leah Harmatz, nhà sáng lập studio thiết kế Field Theory tại San Francisco, cho biết. Và các nhà thiết kế đang đáp ứng nhu cầu này. Cũng giống như nội thất chứa đầy kỷ vật cá nhân và các món đồ gia truyền hoặc những bức tường được xếp đầy kệ sách và tác phẩm nghệ thuật yêu thích có thể truyền cảm hứng về ý nghĩa tình cảm cho chủ sở hữu, nhiều nhà thiết kế ngày nay đang hướng đến các dự án tối đa vì chúng cho phép thể hiện sáng tạo hơn.


Và tại sao không gian của chúng ta, nơi giúp ta có được phút giây nghỉ ngơi thư giãn và ấm áp, lại không phản ánh những sở thích và mong muốn riêng của mình? Không có nơi nào tốt hơn để thể hiện cá tính của chúng ta - chưa kể đến những kỷ niệm - hơn là ngôi nhà của mình. Tất nhiên, cuối cùng thì việc chúng ta đánh giá cao chủ nghĩa tối giản hay lao đầu vào chủ nghĩa tối đa cũng không quan trọng bằng. Điều quan trọng nhất và ý nghĩa nhất là chúng ta có ý thức lựa chọn những gì phù hợp với mình, phải vậy không?