Kế thừa & trọng trách là hai khái niệm được ông Thierry Stern, Chủ tịch Patek Philippe SA, nhấn mạnh trong suốt cuộc trò chuyện với Robb Report Việt Nam. Trong khuôn khổ hợp tác cùng công ty Tam Sơn, nhà sản xuất đồng hồ hàng đầu thế giới Patek Philippe vừa chính thức công bố cửa hiệu boutique đầu tiên ở Việt Nam – một không gian sang trọng và tinh tế tại khách sạn Legend Metropole Hà Nội. Đánh dấu sự kiện đặc biệt này, một dạ tiệc đáng nhớ đã diễn ra để chào đón quan khách đến khám phá “vũ trụ” Patek Philippe, nơi thể hiện cam kết của thương hiệu trong việc mang đến những sản phẩm và dịch vụ xuất sắc nhất với tinh thần gìn giữ truyền thống và sáng tạo không ngừng. Buổi lễ có sự hiện diện đặc biệt của ông Thierry Stern, Chủ tịch Patek Philippe SA, người đã bay một chặng đường dài bằng chuyên cơ riêng từ Geneva đến Hà Nội để tham gia sự kiện này.
Bà Nguyễn Thị Nhung, Tổng giám đốc Công ty Quốc tế Tam Sơn, đơn vị phân phối độc quyền các sản phẩm Patek Philippe tại Việt Nam, phát biểu: “Tam Sơn tự hào là boutique đầu tiên và duy nhất của Patek Philippe tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết mang đến chất lượng dịch vụ cao nhất tới cửa hàng ‘đầu tàu’ này, nơi những nhà sưu tầm và người đam mê có thể khám phá rất nhiều lựa chọn về đồng hồ Patek Philippe. Đây là khởi đầu cho một mối quan hệ đối tác đầy triển vọng, nhằm giới thiệu các kỹ thuật đỉnh cao và tay nghề thủ công đặc sắc của thương hiệu huyền thoại này cho các tín đồ sành đồng hồ tại Việt Nam.” Trong suốt 180 năm lịch sử, Patek Philippe đã tiếp nối truyền thống chế tác đồng hồ Thụy Sĩ, liên tục đổi mới với danh mục ấn tượng cùng hơn 100 bằng sáng chế. Là nhà sản xuất đồng hồ gia đình độc lập cuối cùng tại Geneva, Patek Philippe thừa hưởng tinh thần tự do sáng tạo trong thiết kế, sản xuất và chế tác nên những sản phẩm được các chuyên gia hàng đầu thế giới công nhận là những cỗ máy thời gian tuyệt vời nhất, tiếp nối tầm nhìn của hai nhà sáng lập Antoine Norbert de Patek (1839) và Jean Adrien Philippe (1845), với 10 giá trị cốt lõi bao gồm tính độc lập, truyền thống, sự cách tân, chất lượng thủ công, sự hiếm có, giá trị, thẩm mỹ, dịch vụ, cảm xúc và di sản. Patek Philippe được gia tộc Stern tiếp quản từ năm 1932 và được quản lý bởi Hội đồng Quản trị bao gồm Chủ tịch Danh dự Philippe Stern, Chủ tịch Thierry Stern cùng CEO Claude Peny. Trong thời gian làm Chủ tịch, ông Philippe Stern đã ghi dấu ấn với những dự án quan trọng để củng cố cơ sở vật chất và tính độc lập như Bảo tàng Patek Philippe và cho ra đời những mẫu đồng hồ xuất sắc như Calibre 89. Vào năm 2009, ông Thierry Stern được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch với trọng trách đảm bảo vị thế dẫn đầu của Patek Philippe trong ngành chế tác đồng hồ và nghiên cứu khoa học vật liệu, nhằm góp phần phát triển chất lượng và độ tin cậy lâu dài của những cỗ máy thời gian do hãng tạo ra. Robb Report Việt Nam đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện cùng Ông Thierry Stern, Chủ tịch Patek Philippe SA. Chào mừng ông và Patek Philippe đến với Việt Nam. Ông có thể chia sẻ lý do Patek Philippe quyết định mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội vào thời điểm này? Tôi thật sự rất vinh hạnh khi được đến Hà Nội. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng và thấy rằng Việt Nam là một thị trường rất có tiềm năng cũng như đã sẵn sàng đón nhận phân khúc đồng hồ cao cấp, hiện có khá nhiều khách hàng Việt yêu thích thương hiệu Patek Philippe phải mua đồng hồ của chúng tôi ở nước ngoài hoặc từ nguồn hàng xách tay. Chúng tôi tin vào tương lai tại thị trường này, cũng như kỳ vọng vào mối quan hệ đối tác bền lâu với Tam Sơn, một công ty đã nhiều năm giữ vai trò quan trọng trong việc định hình ngành công nghiệp xa xỉ tại Việt Nam. Cùng với nhà phân phối Tam Sơn, Patek Philippe chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, niềm đam mê của các bạn sẽ thúc đẩy chúng tôi tiếp tục mang đến những chiếc đồng hồ đẹp nhất và tốt nhất.
Trong vài năm qua, thị trường châu Á suy giảm trầm trọng, đặc biệt là Trung Quốc. Nhiều thương hiệu đồng hồ xa xỉ từng phải thu mua lại chính sản phẩm của họ hoặc giảm giá đặc biệt để tránh tồn kho. Trong bối cảnh đó, quý hãng đã có những chiến lược gì để trụ vững và tiếp tục phát triển ở thị trường còn rất trẻ này? Chúng tôi đã thâm nhập châu Á trong nhiều năm. Khi Trung Quốc mở cửa, tôi có thể thấy rất nhiều thương hiệu háo hức đổ xô vào thị trường rộng lớn này. Tuy nhiên, điều đó khá nguy hiểm. Với lịch sử phát triển lâu dài, chúng tôi biết đó không phải là đường lối kinh doanh phù hợp. Rõ ràng thị trường Trung Quốc sẽ trở nên quan trọng, tuy nhiên, chúng tôi không vội vàng, mà quan sát thị trường đồng thời phổ biến kiến thức, thông tin về thương hiệu. Chúng tôi mở một cửa hàng ở Bắc Kinh, một ở Thượng Hải, không với mục đích bán sản phẩm khi chỉ đem sang khoảng 120 chiếc đồng hồ, như một cách giới thiệu chúng tôi là ai, các vị khách có thể đến xem những bộ sưu tập để hiểu rõ hơn về lịch sử, giá trị và chất lượng của đồng hồ Patek Philippe. Trong khi đó, nhiều thương hiệu khác mở từ 10 đến 40 cửa hàng ở Trung Quốc, và khi thị trường này gặp vấn đề, thì đó quả là thảm họa, họ buộc phải bán đổ bán tháo. Còn chúng tôi chẳng bị ảnh hưởng gì mà ngược lại ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị thế. Tại Trung Quốc nói riêng và cả châu Á nói chung, chúng tôi luôn đi từng bước chậm và chắc, bởi chúng tôi cần thời gian. Phải mất 10 năm để đào tạo một nghệ nhân chế tác đồng hồ, và hàng năm chúng tôi chỉ xuất xưởng khoảng 60.000 chiếc đồng hồ, chúng tôi kiểm soát mức tăng trưởng của Patek Philippe chỉ từ 1-3% mỗi năm, chừng 1% dành cho những mẫu phức tạp và 2% cho những cỗ máy khác, bởi không có nhân lực để sản xuất nhiều hơn. Thế nên, dù thị trường châu Á rất lớn, rất tiềm năng, nhưng chúng tôi cũng không có dư đồng hồ để đem sang bán. Tuy nhiên, tôi biết có rất nhiều khách hàng châu Á bay sang Mỹ hoặc châu Âu để mua đồng hồ Patek Philippe, đó không phải là xu hướng tốt trong kinh doanh. Chúng tôi muốn bán đồng hồ cho khách bản địa nơi Patek Philippe có cửa hàng và hiểu về khách hàng chứ không phải cho những vị khách phương xa. Để cân bằng, chúng tôi sẽ phân ra một số lượng đồng hồ cao cấp nhất định được cân nhắc kỹ lưỡng dành riêng cho thị trường châu Á. Ông nghĩ gì khi được gọi là “vị vua không ngai” đầy quyền lực của thế giới đồng hồ xa xỉ? (Cười lớn) Thật sự tôi chẳng thấy mình có gì giống với một ông hoàng, có chăng là điểm tương đồng ở mức độ nào đó về sự kế thừa trọng trách. Ở vị trí của mình, tôi gánh trên vai trách nhiệm của người lãnh đạo một công ty gia đình với lịch sử hàng trăm năm, và luôn tâm niệm phải làm sao để kế thừa, phát huy được di sản đó. Tôi không phải người đầu tiên, cũng chẳng phải người cuối cùng, mà chỉ là một mắt xích trong quá trình vận động phát triển của một thương hiệu gia đình với bố tôi và những người khác trước đây cũng như các con cháu tôi sau này. Bạn biết đấy, việc kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình vốn là truyền thống, nhất là ở châu Á phải không?! Tôi lại không thích điều đó, bởi nó có thể hủy loại cuộc sống của con cái và khiến doanh nghiệp thất bại. May mắn là tôi rất đam mê lĩnh vực đồng hồ và quyết tâm theo đuổi nghề này kể từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, bố tôi không muốn con trai vào nghề sớm mà khuyên tôi hoàn thành việc học tập và trải nghiệm từ những công việc nhỏ nhất trong công ty trước khi nhận trọng trách này, để tôi có thể hiểu và có cái nhìn toàn diện sâu rộng về doanh nghiệp gia đình. Bài học lớn nhất mà bố dạy tôi là dù “vua” gì thì cũng phải “cày”, phải luôn di chuyển, gặp gỡ, trao đổi và tìm hiểu ý kiến, cập nhật sở thích khách hàng, học hỏi nghiên cứu thị trường và các thương hiệu khác, tìm tòi, cải tiến, sáng tạo những thiết kế mới phù hợp với thời đại…, chứ không chỉ ngồi ở Geneva “làm vua” và hưởng thụ thành quả. Lợi thế lớn nhất của Patek Philippe là di sản và kinh nghiệm – nền tảng quan trọng cho sự phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải vận động với tầm nhìn xa rộng để có thể giữ vững vị thế của mình, bởi không chỉ Patek Philippe mới chế tác được những chiếc đồng hồ đẹp và tốt. Chân thành cảm ơn ông và chúc cuộc hợp tác ấn tượng giữa Patek Philippe và Tam Sơn sẽ thành công rực rỡ!