Sống ở một nơi mà ngoài gia đình ra, ta ít biết xung quanh, xung quanh cũng ít biết ta, thành ra nỗi nhớ không có nhiều điểm bấu víu, cảm thức về quê hương cũng phai nhạt bớt nhiều phần.
Tháng 2/1932, Vũ Trọng Phụng trình làng truyện ngắn Con người điêu trá, với câu kết: “Ấy thế là con người đáng ghét mà cũng đáng thương ấy chết, chết mà còn để lộ tiếng là con người gian dối, con người đã cùng tôi hai năm dan díu ấy, mà đến bây giờ tôi cũng không được rõ gốc tích và tên tuổi là gì!”. Từ buổi bình minh sớm sủa của các đại đô thị ở Việt Nam, nhà văn tiền phong này đã nhận ra sự xa cách giữa người và người, dù ở sát sàn sạt với nhau, thậm chí đến cả tình nhân của nhau trong hai năm mà không biết cả tên thật.
Điều này tưởng chỉ có trong văn chương hư cấu, nhưng lại chẳng hiếm ngoài đời thật ngày nay. Đến một đám cưới hoặc đám tang, đôi khi ta ngỡ ngàng vì tưởng người quen của mình tên này họ kia, nhưng không phải. Trong đại dịch Covid-19, đã có chuyện giao tro cốt, vào đúng tổ dân phố mà hỏi không ra nhà, vì người này sống độc thân và thường dùng tên khác. Khi người giao tro mở màn hình điện thoại – di vật của người đã mất – hàng xóm mới vỡ òa lên khóc, vì đây là ngôi sao Facebook của tổ dân phố.
Người trưởng thành thường có cảm thức về nơi chốn, nhưng thôn quê và đô thị mang lại cảm thức khác nhau. Ở đô thị, tự do và riêng tư được tôn trọng nhiều hơn, khả năng biết về nhau lại ít hơn. Sống chung một tầng chung cư, đi chung một thang máy, gặp nhau mỉm môi cười, nhưng không biết nhau cũng là chuyện thường tình. Không phải ngẫu nhiên mà người đô thị đi xa thường ít nhớ nhà và ít nhớ quê hương như người ở thôn quê. Vì nhớ cũng là biết, là quan hệ, sống ở một nơi mà ngoài gia đình ra, ta ít biết xung quanh, xung quanh cũng ít biết ta, thành ra nỗi nhớ không có nhiều điểm bấu víu, cảm thức về quê hương cũng phai nhạt bớt nhiều phần.
Khi nói về cố hương (native land), không chỉ có Việt Nam, mà rất nhiều nước đều biết nơi ấy bao hàm quê cha (fatherland) và đất mẹ (motherland). Trong hình tượng và hình dung, mẹ (âm) là trồng trọt, dung chứa, nuôi dưỡng và gìn giữ quan hệ huyết thống, nền tảng từ bếp núc, cấu trúc gia đình, xã hội tới ngôn ngữ. Không ai nói tiếng cha đẻ cả, mà thường nói tiếng mẹ đẻ, phát xuất từ các nền tảng như vậy.
Cho nên, trong cảm thức và triết lý về nơi chốn, thôn quê được hình dung với tính âm và đại đô thị với tính dương. Con người thường có quan hệ sâu sắc, lưu luyến với tính âm nhiều hơn, nên thường nhớ nhung, yêu thương nhiều hơn. Ở châu Âu, vài thành phố lâu đời vẫn còn giữ được cấu trúc làng trong phố, ví dụ làng Auvers-sur-Oise, nơi Vincent van Gogh qua đời, nơi mà người dân gần như biết nhau hết.
Đây cũng là mô hình được các đô thị mới hướng đến, để làm sao cân bằng được giữa tình làng nghĩa xóm và tự do, riêng tư của mỗi người. Bởi họ biết rằng, nếu được sống trong các môi trường cân bằng như vậy, ký ức, nỗi nhớ về ai đó trong xóm làng, nhớ về nơi “chôn rau cắt rốn”, nhớ về cố hương khi đi xa sẽ rõ ràng hơn, sâu đậm hơn, làm gia tăng giá trị hiện hữu của mỗi người.
(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 10 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Bất động sản”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây)