Hôm nay (4/8/2021), thương hiệu Louis Vuitton đã ra mắt hàng loạt dự án từ trò chơi điện tử, phim tài liệu, tiểu thuyết, tác phẩm nghệ thuật đến các sản phẩm trưng bày trên khắp thế giới nhằm đánh dấu ngày sinh của nhà sáng lập cùng tên.
Ít ai biết rằng đằng sau thành công lẫy lừng của đế chế thời trang xa xỉ Louis Vuitton là câu chuyện khởi nghiệp vô cùng gian nan của cậu bé Louis 14 tuổi. Năm đó, với khát khao tìm kiếm tương lai tốt đẹp hơn, Louis quyết định rời quê nhà tại làng Anchay, thuộc vùng núi Jura hẻo lánh phía Đông nước Pháp và quyết tâm vượt quãng đường 470 cây số trong 2 năm để đến được Paris.
Để kỷ niệm 200 ngày sinh của nhà sáng lập, LV đã tổ chức sự kiện lớn “Louis 200” trên toàn cầu, bằng cách tung ra hàng loạt các sản phẩm sáng tạo, bao gồm trò chơi điện tử chứa mã NFT (Non-Fungible Token) – một loại tài sản số sử dụng công nghệ blockchain, hay sản xuất bộ phim tài liệu trên ứng dụng Apple TV, thiết kế cửa sổ trưng bày và các tác phẩm nghệ thuật khác.
“Truyền thông phát triển nhanh đến mức mỗi khi một phương tiện giao tiếp mới xuất hiện, bạn phải kể lại câu chuyện của mình một lần nữa”, Michael Burke – Tổng giám đốc điều hành của Louis Vuitton chia sẻ với tờ WWD. “Thế hệ ngày nay được xác định bởi công nghệ, không phải bởi độ tuổi”. Vì vậy, để mở màn cho khoảnh khắc đặc biệt này, hãng đã chính thức ra mắt phiên bản trò chơi di động “LV200: Louis The Game” vào ngày 4/8/2021, được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời và hành trình lập nghiệp của nhà sáng lập.
Đáng chú ý, Vivienne – linh vật đáng yêu sở hữu hình dáng bông hoa với họa tiết monogram đặc trưng của Louis Vuitton – sẽ trở thành nhân vật chính và dẫn dắt người chơi khám phá lịch sử lâu đời của nhà mốt bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ và thử thách khác nhau. Hơn thế, LV còn thiết kế một bảng xếp hạng toàn cầu cho phép người tham gia có cơ hội cạnh tranh điểm số với những người chơi khác. Dự án giải trí trên điện thoại này tích hợp 30 mã NFT, trong đó có 10 mã NFT được tạo ra bởi nghệ sĩ Beeple (nghệ danh của Mike Winkelmann) – chủ nhân của tác phẩm “Everydays — The First 5000 Days” từng được rao bán với giá 69,3 triệu USD tại phiên đấu giá Christie’s giữa tháng 3/2021. Louis The Game hiện đã có mặt trên cả hai nền tảng là iOS và Android.
Ngoài ra, 460 cửa hàng toàn cầu của Louis Vuitton sẽ bắt đầu trưng bày những mẫu rương kinh điển vốn tượng trưng cho giá trị di sản của hãng qua hàng thập kỷ nay. Sự kiện đã khởi động trong suốt 6 tháng với 200 tên tuổi trên nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia “làm mới” những sản phẩm tiêu biểu. Bởi lẽ, theo Ansel Thompson – nhà thiết kế của Louis Vuitton – ý tưởng của họ dựa trên việc xem chiếc rương như “một vật dụng không chỉ chứa vật thể, mà còn mang cả tương lai, sự nhìn lại và một khát vọng”.
Trong quá trình lựa chọn, ngoài các gương mặt nổi bật như chàng rapper có sức ảnh hưởng nhất thập kỷ Drake, nhà thiết kế thời trang trứ danh Marc Jacobs, nhóm nhạc đình đám BTS,… Louis Vuitton còn đặt niềm tin vào các nhân vật như Gloria Steinem – nhà báo đồng thời là phát ngôn viên của phong trào nữ quyền Hoa Kỳ những năm 60-70; họa sĩ minh họa Jean-Philippe Delhomme – người từng hợp tác cùng nhiều tạp chí danh tiếng và thực hiện các chiến dịch quảng cáo quốc tế từ cuối thập niên 80; Pierre Yovanovitch – nhà thiết kế nội thất người Pháp nổi tiếng với những dự án trang trí căn hộ cao cấp toàn cầu; hay nhà chiêm tinh học Susan Miller và vận động viên bơi lội trong Thế vận hội người khuyết tật Théo Curin,…
Bên cạnh đó, Louis Vuitton sẽ cho phát hành cuốn tiểu thuyết hư cấu phiên bản tiếng Pháp với tựa đề “Louis Vuitton, L’Audacieux” (tạm dịch: Dấu ấn Louis Vuitton) của nhà văn Caroline Brognard vào tháng 10 và xuất bản bản dịch tiếng Anh từ tháng 11. Nối tiếp chuỗi dự án, bộ phim tài liệu “Looking for Louis” (tạm dịch: Đi tìm Louis) kể lại cuộc phiêu lưu của vị doanh nhân trẻ do hãng thực hiện được phát sóng trên kênh Khám phá của Apple TV trong tháng 12. Không những thế, Alex Katz – họa sĩ người Mỹ sở hữu hơn 250 cuộc triển lãm cá nhân và các phẩm được trưng bày trong hơn 100 bảo tàng khắp nơi trên thế giới – cũng góp phần trong sự kiện sinh nhật lần thứ 200 này bằng bức hoạ lớn ghép từ 3 khác nhau. Tuy nhiên, Louis Vuitton chưa công bố thời gian trưng bày chính thức. Cuối cùng, thương hiệu sẽ khép lại “bữa tiệc” bằng việc ra mắt loại vang sủi đặc biệt từ thương hiệu Veuve Clicquot, thuộc tập đoàn LVMH vào nửa đầu năm sau.
Sau khoảng 17 năm làm việc cho Ngài Maréchal – một bậc thầy trong lĩnh vực đóng rương thời bấy giờ, Louis quyết định thành lập thương hiệu mang tên ông vào năm 1854 tại số 4, phố Neuve des Capucines, thủ đô Paris. Năm 1858, Louis Vuitton đã tạo nên cuộc cách mạng cho ngành phụ kiện du lịch khi ra mắt chiếc rương hình chữ nhật bằng vải canvas Trianon nhẹ và không thấm nước. So với những chiếc túi du lịch dạng tròn thông thường, rương của Louis có thể dễ dàng xếp chồng lên nhau hoặc cất gọn trên giá hành lý trong các toa tàu lửa hay bên dưới những chiếc giường nằm của tàu thủy vượt Đại Tây Dương.
Thương hiệu Louis Vuitton ngày càng phát triển và được nhiều người biết đến. Một năm sau, ông chuyển xưởng sản xuất với khoảng 20 nghệ nhân đến Asnières (phía Đông Bắc của Paris), để tiện việc chuyên chở đường thủy. Ông mất vào năm 1892 và để lại công ty cho người con trai Georges điều hành. Năm 1896, Georges nối nghiệp cha tạo nên một đế chế với biểu tượng logo chữ lồng LV huyền thoại. Cũng từ thời điểm này, họa tiết Monogram ra đời cùng nhiều họa tiết mới, như chỏm kim cương, những vì sao, hình dáng hoa vốn đã trở thành đặc điểm nhận dạng của những chiếc túi LV cho đến ngày nay. Năm 1900, xưởng có gần 100 người và con số tăng hơn gấp đôi trong năm 1914 với 225 thợ thủ công. Louis Vuitton nhanh chóng trở thành biểu tượng cho phong cách lịch lãm kiểu Pháp trên khắp thế giới.
Năm 1987, tập đoàn xa xỉ LVMH được thành lập bởi sự hợp nhất của thương hiệu Louis Vuitton, nhà sản xuất rượu sâm panh Moët et Chandon và hãng rượu cognac Henessy.