Sau khi đại dịch Covid-19 tạm “đi vào quỹ đạo”, cuộc sống nhiều nơi đã dần trở lại bình thường, thì chuyện có/không, níu giữ/buông bỏ… lại trở thành đề tài được nhiều nơi bàn luận rôm rả.

Ở đó, ta sẽ nghe câu đại ý: “Sau dịch mà còn gặp được nhau là vui rồi, mấy chuyện khác đâu quan trọng gì”.

Tất nhiên, chuyện có/không, níu giữ/buông bỏ… không phải là mới, vì nó là đề tài từ ngàn xưa, tùy lúc mà có những bàn luận riêng. Nhiều khi tạm gác qua, tạm quên đi để lo/vì những việc khác. Trong sách Luận ngữ, chương 9, tiết 4, có câu: “Tử tứ tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”. Nhiều ý kiến nhìn theo tinh thần Phật giáo và Đạo giáo cho rằng cuối cùng thì Khổng Tử cũng quyết từ bỏ 4 điều, đó là không chú trọng ý riêng (vô ý), không chú trọng sự hoàn tất (vô tất), không chú trọng sự cứng chắc (vô cố), không chú trọng sự riêng mình (vô ngã). Tạm gọi đây là 4 điều không của Khổng Tử.

Nhưng cũng có nhiều ý kiến nhìn theo tinh thần Nho giáo thì cho rằng Khổng Tử quyết không tin rằng đây là 4 điều phải bỏ, vì “ý, tất, cố, ngã” là cơ sở của một xã hội pháp trị, của kỷ cương phép nước, nên đâu thể “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã” cho được. Trong sách Luận ngữ ý nguyên, Trịnh Nhữ Hài cũng phân tích từ nguyên cho thấy Khổng Tử không quyết từ bỏ “ý, tất, cố, ngã”, mà phải tránh xa “vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã”. Quan điểm này được nhiều học giả về sau chia sẻ và củng cố. Tạm gọi đây là 4 điều có của Khổng Tử.

Đưa ra một ví dụ kinh điển như vậy để thấy rằng có/không, níu giữ/buông bỏ là “sông có khúc, người có lúc”, đâu thể khư giữ và cứng nhắc. Nếu suốt đời chỉ vì một vế có hoặc không, níu giữ hoặc buông bỏ thì cũng là bi kịch, cũng rời xa sự linh hoạt, xanh tươi vốn có của đời sống và sự an lạc cần có trong tâm hồn.

Sau Covid-19, có lẽ là lúc rất cần sự liên minh, chia sẻ linh hoạt giữa có/không để tái thiết xã hội và đời sống tinh thần. Nếu không có sự liên minh linh hoạt, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” sẽ diễn ra nhiều hơn trong nhiều gia đình, nhiều tổ chức. Cuộc sống, công việc không chỉ là “mặt trận” duy nhất, nên “ý” cần song hành với “vô ý”, “tất” với “vô tất”, “cố” với “vô cố”, “ngã” với “vô ngã”. Bốn điều có cũng cần như bốn điều không vậy.

Trong sách Trung dung, Tử Tư dẫn lại những lời của ông nội mình là Khổng Tử để bàn về đạo trung dung khi làm người, mà tóm gọn thì việc dưỡng tâm phải hài hòa “tồn, dưỡng, tĩnh, sát”, còn việc ứng xử thì phải bao gồm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Có người chiết tự chữ trung dung theo nghĩa trung là tâm điểm, còn dung là bất biến. Nói như câu cửa miệng ngày nay là “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, nhằm gìn giữ tự tánh và bản chất thật của bản thân trước các dao động, cảm dỗ của cuộc đời.
Để tái thiết sau Covid-19, cái nhìn và hành xử trung dung này càng có vẻ thiết thực, bổ ích hơn là đứng riêng về một mặt trận có/không, níu giữ/buông bỏ nào đó.


(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 3 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Turn up the fashion”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)