Thách thức mới cho các nhà sản xuất trang sức: Liệu kim cương nhân tạo có thể trở thành “người bạn tốt nhất” của phái đẹp hay không?
Ý tưởng mới mẻ
Năm 2011, Jason Payne và Lindsay Reinsmith cùng nhau đi mua nhẫn đính hôn, nhưng khi đến cửa hiệu trang sức, họ lại nảy sinh một vấn đề khá nan giải. Cả hai rất quan tâm đến xuất xứ của viên kim cương trên chiếc nhẫn, liệu chúng có phải là kim cương máu (khai thác từ vùng chiến tranh, nổi dậy, xung đột…) hay không. “Chúng tôi cảm thấy không thoải mái khi sử dụng trang sức được khai thác từ những hầm mỏ như thế. Chúng tôi muốn cái gì đó mang tính bền vững, nhân văn và đơn thuần”, Reinsmith chia sẻ.
Bỗng nhiên, một ý tưởng điên rồ lướt qua đầu họ: Tại sao không phát triển kim cương trong phòng thí nghiệm, tránh khỏi những cuộc chiến đẫm máu và xung đột đạo đức mà không làm thiệt hại ngành công nghiệp tỷ đô này? Chính câu hỏi đó đã thôi thúc đôi vợ chồng trẻ thành lập Ada Diamonds – một công ty khởi nghiệp chuyên cung cấp kim cương nhân tạo. Thông qua một quá trình đặc biệt sử dụng áp suất cao và nhiệt độ, những viên kim cương có tính chất hoàn toàn giống như trong tự nhiên đã ra đời. Ý tưởng độc đáo đã giúp Ada nhận được sự hỗ trợ từ nhiều quỹ đầu tư như 8VC, Winklevoss Capital và Autonomous.
Ada Diamonds đại diện cho xu hướng khai thác và sản xuất kim cương ngày càng đề cao giá trị môi trường, mang tính nhân văn và hạn chế mối liên hệ với khu vực có nổi dậy hoặc quốc gia bất ổn chính trị. Sử dụng công nghệ độc quyền, Ada tập trung vào mảng sản xuất đồ trang sức bespoke và trang sức cô dâu. Khách hàng có thể đặt riêng viên kim cương có chứa vật kỷ niệm hoặc tùy chỉnh thiết kế để đánh dấu dịp đặc biệt.
“Ada tập trung vào việc định hướng người tiêu dùng về tính nhân văn của những viên kim cương do chúng tôi làm ra. Có thể nhiều người không nhận ra, nhưng sản phẩm của Ada hoàn toàn thuần khiết, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”, Reinsmith tự hào chia sẻ.
“Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng tôi xem thường hoạt động khai thác kim cương truyền thống. Phần lớn khách hàng của Ada đã sở hữu kim cương tự nhiên, nhưng họ cũng đang tìm đến lựa chọn thay thế mới lạ và ý nghĩa hơn. Đây là cơ hội tuyệt vời để mở rộng thị trường theo một cách độc đáo và đặc biệt”, cô chia sẻ thêm.
Nguồn gốc “thuần khiết”
Có tới 80% sản lượng kim cương trên thế giới được khai thác từ những vùng không có gì đáng lo ngại về nhân quyền như Canada và Botswana. Tuy nhiên, 20% còn lại xuất phát từ các khu vực khai thác tận thu, thực tế đáng buồn đang diễn ra tại 18 quốc gia ở khắp châu Phi và Nam Mỹ, đặt ra nhiều vấn đề về môi trường, sức khỏe và nhân quyền.
Hơn một thập kỷ trước, việc ngăn chặn dòng chảy kim cương từ vùng xung đột ở châu Phi nổi lên thành cause célèbre (vấn đề “nóng bỏng” gây ra nhiều tranh cãi) thu hút sự quan tâm trên khắp thế giới. Dữ liệu gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy thị phần của kim cương máu trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã cắt giảm đáng kể, xuống chỉ còn dưới 1%.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào nguồn gốc của món trang sức mình đang định mua. Trong khi phần lớn công ty cố gắng chứng minh cho khách hàng thấy sự “thuần khiết” của viên kim cương, thì một số thương hiệu nhỏ như Ada và Brilliant Earth lại tiên phong ứng dụng phương pháp đặc biệt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường về nguồn kim cương bền vững.
Được thành lập vào năm 2005 bởi Beth Gerstein, một kỹ sư điện với bằng MBA tại Stanford, Brilliant Earth chuyên sản xuất và kinh doanh đồ trang sức thân thiện với môi trường, mang tính nhân đạo khi không dùng nguyên liệu khai thác từ những khu vực vi phạm nhân quyền hoặc xảy ra xung đột. Công ty sử dụng cả kim cương phát triển trong phòng thí nghiệm lẫn tự nhiên, nhưng tất cả phải đảm bảo “nguồn gốc thuần khiết”.
Tương lai đầy hứa hẹn
Trả lời một cuộc phỏng vấn, Gerstein rất tin tưởng vào tương lai của kim cương phát triển trong phòng thí nghiệm: “Kim cương nhân tạo trở nên phổ biến và ngày càng được yêu thích phần lớn nhờ vào tính trách nhiệm xã hội cao, giá cả phải chăng và phù hợp với thị hiếu của thế hệ Millenials”. Cô chia sẻ thêm rằng định hướng kinh doanh của Brilliant Earth cũng xuất phát từ vấn đề lưỡng lự khi mua nhẫn đính hôn của các cặp đôi như Ada.
“Lúc đính hôn, tôi rất xem trọng liệu viên kim cương trên chiếc nhẫn có phù hợp với giá trị mà mình theo đuổi hay không, nhưng thực sự rất khó khăn để xác định nguồn gốc của viên kim cương đó. Đó không chỉ là một món trang sức thông thường, mà còn tạo nên sự cộng hưởng với cảm xúc. Vì vậy, dù chúng có đẹp như thế nào đi nữa, nhưng một khi đã không thuần khiết thì chẳng thể chạm đến cảm xúc của chúng ta”, Gerstein nhận định.
Giám sát nguồn gốc của trang sức thông qua chuỗi cung ứng là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, nhưng các nhà bán lẻ trang sức chắc chắn phải tìm kiếm giải pháp hữu hiệu hơn, bởi người tiêu dùng ngày càng xem trọng yếu tố bền vững và nhân đạo trong quá trình khai thác kim cương. Alice Harle, chuyên gia làm việc tại Global Witness – một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ việc chấm dứt tận thu các nguồn tài nguyên thiên nhiên – cho rằng minh bạch là chìa khóa để thay đổi động lực xung quanh vấn đề khai thác kim cương từ vùng xung đột.
Theo Harle, “người tiêu dùng sẽ đấu tranh để tìm ra xem viên kim cương họ mua đến từ đâu và chúng có mối quan hệ gì với các khu vực đang xảy ra xung đột, chiến tranh và lạm dụng lao động hay không. Bất cứ công ty nào tham gia vào chuỗi kinh doanh kim cương toàn cầu đều phải có trách nhiệm giảm thiểu rủi ro liên quan đến nhân quyền và nhiều môi nguy hiểm khác”.
Một trong những cái tên nổi bật nhất là De Beers, “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp kim cương đã có những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy việc sử dụng các viên kim cương “đẹp, quý hiếm và đảm bảo nguồn gốc”. Là một trong những nhà sản xuất kim cương tổng hợp lớn nhất thế giới, động thái của De Beers được kỳ vọng sẽ dẫn đến nhiều tác động tích cực đối với ngành khai khoáng kim cương nói chung.
Giữa thời điểm người tiêu dùng ngày càng muốn trải nghiệm bespoke nhiều hơn. Kim cương ra đời trong phòng thí nghiệm lại tỏ ra vượt trội hơn về khía cạnh này. Chúng ít khiếm khuyết hơn, ít thay đổi màu sắc và có thể tạo hình theo yêu cầu riêng của từng người.
Thế nhưng, Jean-Marc Lieberherr, Giám đốc điều hành của Hiệp hội các Nhà sản xuất Kim cương, mới đây lại công bố thông điệp mới “Real is rare. Real is a diamond”, đề cao giá trị của kim cương tự nhiên, gây ra mối hoài nghi liệu xu hướng kim cương bền vững còn giữ được tầm ảnh hưởng hay không.
“Người tiêu dùng chia sẻ với chúng tôi rằng, để kỷ niệm những khoảnh khắc quan trọng nhất của tình yêu và cuộc sống, họ muốn kim cương thật, chứ không phải được tổng hợp. Đối với họ, không thể nào so sánh hai loại kim cương này, bởi một bên chỉ cần vài tuần trong phòng thí nghiệm là đủ, còn một bên tựa như phép lạ của thiên nhiên phải trải qua hàng tỉ năm biến chuyển mời hình thành”, ông cho biết.
Như thế, tương lai sẽ dành cho kim cương thật hay tổng hợp? Tất nhiên, “đa số vẫn thích kim cương tự nhiên được khai thác từ sâu trong lòng đất, nhưng chắc chắn sẽ có một bộ phận không nhỏ yêu thích những món trang sức đính kim cương được phát triển trong phòng thí nghiệm”, Gerstein tin chắc như vậy.