Khi muốn bổ sung các mẫu đồng hồ cho bộ sưu tập vốn chỉ có A. Lange & Söhne và Rolex, Matt Borowiecki - một chuyên gia tài chính có tiếng của Boston (Hoa Kỳ) - tìm đến các nhà chế tác độc lập như một cách để “tăng công suất” cho BST của mình. Nhìn chung, với các nhà sưu tập đồng hồ, việc sở hữu một cỗ máy chất lượng từ nhà chế tác độc lập cũng giống như chuyện có được “bảo bối” trong giới chơi đồng hồ. Nhưng thật ra, ngay cả khi bạn có được đam mê, tiền bạc cũng như các mối quan hệ, việc sở hữu một chiếc như vậy cũng không hề dễ. “Rất khó khăn để chen chân vào danh sách khách hàng. Đôi khi bạn chưa đủ tầm, hoặc chưa đủ hiểu biết để gia nhập cuộc chơi. Khi ai đó đánh tiếng về một cái tên nào đó hay một chiếc đồng hồ mới, tôi sẽ tìm cách gửi thư, lục lọi trên Instagram để liên lạc. Nói chung, đó là một quá trình cực kỳ vất vả.” - Matt cho hay.

Mẫu đồng hồ MB&F HM9

Thật ra, những chuyện như trên không hề hiếm. Nhu cầu về các mẫu đồng hồ độc lập đã tăng lên một cách chóng mặt trong mấy năm qua. Thậm chí, những vị khách VIP ở nhiều thị trường cũng phải kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi. Michael Hickcox - một doanh nhân người Anh với thâm niên sưu tầm các mẫu đồng hồ độc lập ngay từ những ngày đầu tiên - hồi tưởng lại giai đoạn mà những tên tuổi như Kari Voutilainen thậm chí còn không có khách mua. Một nhà sưu tập cho hay, vào năm 2017, thời gian chờ cho một chiếc Kari Voutilainen là khoảng 1 năm. Đến giờ này, bạn sẽ phải chờ đợi từ 10 - 12 năm trời.


Khi có cơ hội đặt hàng một nhà chế tác độc lập, Hickcox cho hay thời gian chờ đợi là rất rất lâu và phải nhận hàng theo kiểu nhỏ giọt. Thậm chí, khi ông tìm đến cái tên Kikuchi Nakagawa của Nhật để sở hữu một cỗ máy theo ý thích, người ta nói với ông rằng ông phải chờ ít nhất 10 năm và trả trước 45% tiền cọc. “Tôi tin là họ thuộc tuýp khiêm tốn nhưng năng lực sản xuất phải cao hơn thế. Tuy nhiên, cũng nên làm thế nếu muốn khách hàng tỏ ra nghiêm túc với mình. Thời đại ngày nay chuyện ấy là thường tình.” - Hickcox chia sẻ. 


Nhu cầu của thị trường có ảnh hưởng rất lớn đến các nhà chế tác tên tuổi. Chẳng hạn, để có một chiếc đồng hồ từ Voutilainen, bạn phải chờ đợi ít nhất đến năm 2030. Trong khi đó, toàn bộ đồng hồ của F. P. Journe cũng đã được bán sạch và thời gian chờ đợi trung bình hiện nay là khoảng 1 thập kỷ. Thương hiệu này đã giới thiệu một phiên bản giới hạn cùng chiếc đồng hồ dành riêng cho sự kiện Only Watch vào cuối năm 2023 vừa qua.

Tuy nhiên, họ sẽ không chế tác thêm máy mới cho đến năm 2027. Trên website của thương hiệu Grönefeld của Hà Lan thậm chí phải ghi dòng chữ: “Xin lỗi, hiện tại chúng tôi không nhận thêm đơn hàng cho đến khi có thông báo mới. Hiện tại, chúng tôi đang quá tải với số đơn hàng dành cho chiếc 1969 DeltaWorks và 1941 Grönograaf”. 

Đội ngũ chế tác của thương hiệu MB&F đang làm việc tại cơ ngơi mới với tên gọi M.A.D House.

Về lý thuyết, sự quá tải nói trên là “cơn đau đầu dễ chịu”. Tuy nhiên, thực tế lại không đơn giản như vậy. Các nhà chế tác đồng hồ cũng cảm thấy bức xúc như chính khách hàng của họ. Ngành đồng hồ bắt đầu bùng nổ vào năm 2021 khi khách hàng bị “kẹt” trong đại dịch và không có cách để tiêu tiền. Mọi thứ, từ doanh số cho đến tiếng vang của ngành chế tác độc lập, đều vượt quá sức tưởng tượng của các nhà chế tác. Niềm vui của những con người kiểu này là làm việc với quy mô nhỏ. Bỗng nhiên, họ phải mở rộng xưởng chế tác, thuê thêm nhân lực hay thâu tóm vài công ty khác để có thêm linh kiện. Bản thân các nhà sưu tập cũng phải cạnh tranh với các đồng nghiệp trong nghề. “Thật ra, chúng tôi không hề lường hết biến động của thị trường, chưa bao giờ muốn chế tác với quy mô lớn. Chúng tôi thích sáng tạo theo kiểu nhỏ giọt nhưng dòng đời xô đẩy biến mình thành những “ngôi sao tên tuổi” lúc nào không hay.” - nhà sáng lập MB & F cho hay. 


Năm ngoái, khi anh em nhà Tim Grönefeld và Bart Grönefeld tung ra chiếc 1969 DeltaWorks với chất liệu thép không gỉ cùng mức giá 54 ngàn USD, đã có một lượng lớn khách đặt hàng hoặc bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Thậm chí, nhiều người trong số đó là nhóm khách còn tồn đọng từ năm 2016 khi không thể mua được chiếc Remontoire - mẫu đồng hồ cháy hàng chỉ trong 2 năm. Nhà chế tác cho hay, khi có thông tin về chiếc đồng hồ mới để thay thế cho Remontoire, nhiều khách hàng đã “nhảy cẫng lên” theo cách điên rồ nhất. Chỉ trong vài phút, họ nhận đủ số đơn hàng cho khoảng 5 năm trời. Cụ thể hơn, hai anh em nhà Grönefeld chỉ chế tác 20 chiếc mỗi năm trong khi số đơn hàng họ nhận được là 110. “Dĩ nhiên tôi vẫn ước mình là ngôi sao nhạc Rock, để có thể bán vé cho 80 ngàn người và ai ai cũng được hạnh phúc thay vì chờ đợi kiểu này.” - nghệ nhân Bart Grönefeld cho hay. 


Do nhu cầu thị trường tăng lên quá cao, phần lớn các nhà chế tác phải tìm cách mở rộng sản xuất theo cách nào đó. Chẳng hạn, Voutilainen phải mua lại một số công ty khác, một bước đi đã được định hình từ mấy năm trước. Năm 2014, ông mua lại một nhà chế tác mặt số rồi tiến tới việc sở hữu một công ty chế tác vỏ đồng hồ vào năm 2018. Tuy nhiên, công suất của Voutilainen không vì thế mà tăng lên đáng kể. Cụ thể hơn, mỗi năm ông chỉ tạo ra khoảng 60 đến 70 mẫu đồng hồ so với con số 50 trước đây. Nói nôm na là như “muối bỏ bể”. 


Một điểm quan trọng ở đây là sự hài lòng của người lao động thay vì tập trung nâng cao doanh số. Chẳng hạn, trong 3 năm qua, thương hiệu Büsser đã tăng công suất từ 276 chiếc lên 400 chiếc mỗi năm. Đội ngũ của ông cũng tăng từ 31 lên 50 thành viên chỉ trong 18 tháng. Trong khi đó, MB&F cũng chuyển đại bản doanh của mình về một nơi khang trang hơn tại Geneva với tên gọi M.A.D House. Khu vực sản xuất được mở rộng từ hơn 200m2 lên tới gần 650m2. 

Để phục vụ khách hàng, Bart Grönefeld đang làm việc hết công suất trong xưởng chế tác tại Hà Lan.

Dĩ nhiên, cả MB&F và Büsser đều không lường hết được những bước tiến quá nóng trên thị trường đồng hồ trong vài năm qua. Khi ký hợp đồng thuê nhà xưởng vào năm 2021, Büsser cho rằng quy mô sản xuất sẽ không tăng lên đáng kế. Nhưng thật ra,đây là phi vụ đầu tư quá đỗi bất ngờ. Không một thành viên nào của MB&F lại có thể hình dung được nhu cầu sản xuất lại tăng lên mạnh mẽ đến thế. 


Trước đây, chính Büsser cũng hay bộc bạch: “Chúng tôi thuộc dạng ‘cày sâu cuốc bẫm’. Ai cũng làm việc hết công suất của mình. Hiện tại, chúng tôicầnthêmsựhỗtrợvìcơbảnmọi người đều đã kiệt sức. Điều này cũng dễ hiểu khi quy mô sản xuất đã tăng lên gấp 3 chỉ trong một thời gian ngắn.” Trong khi đó, từ cách đây vài năm, Grönefeld đã chuyển đại bản doanh của mình vào trong một toà nhà rộng 213m2 - gấp 3 lần so với không gian trước đây. Đại bản doanh mới nằm ở khu vực Oldenzaal của Hà Lan. Tuy nhiên, anh em nhà họ không có ý định mở rộng sản xuất. “Với chúng tôi, quy mô thế này là vừa đủ. Chúng tôi hạnh phúc với những gì đang có. Điều cốt yếu là mang lại sự hài lòng và niềm vui cho khách hàng cũng như các đồng nghiệp của mình.” - Bart cho hay. 


"Tôi ước mình là ngôi sao nhạc Rock, để có thể bán vé cho 80 ngàn người và ai ai cũng được hạnh phúc thay vì chờ đợi kiểu này.” - nghệ nhân Bart Grönefeld cho hay. 


Tới đây, có một câu hỏi là liệu xu thế nói trên sẽ kéo dài trong bao lâu. Halter, một nhà chế tác có xưởng riêng từ năm 1985, đưa ra khuyến cáo: “Bất kỳ ngành nào cũng sẽ trải qua những giai đoạn thăng trầm nhất định. Dù đang thừa hưởng nhiều thứ, từ thành tựu tích luỹ do các bậc tiền bối cho đến các công cụ chế tác hiện đại cũng như các nền tảng xã hội, các nhà chế tác trẻ tuổi không nên phát triển một cách nóng vội. Mọi thứ đều có chu kỳ lên xuống. Lịch sử đã chứng minh điều này qua nhiều thời kỳ. Có không ít nhà chế tác tưởng chừng như phải đi vào con đường phá sản trong những giai đoạn thoái trào”. 

Nhà chế tác Kari Voutilainen bên trong căn xưởng tại Môtiers, Thuỵ Sĩ

Hiện tại, phần lớn các nhà chế tác danh tiếng đều ở độ tuổi từ 51 đến 66 với nhiều trăn trở về định hướng tương lai cho thương hiệu của mình. Tiếp tục phát triển với vai trò độc lập vẫn là ưu tiên hàng đầu. Dĩ nhiên, để làm được điều này, mỗi người trong số họ đều phải tạo ra lớp kế cận theo ngành đồng hồ. Có không ít nhà chế tác đã hướng con mình theo nghiệp đồng hồ ngay từ khi còn nhỏ. 


Việc nuôi dưỡng các thế hệ kế cận có ý nghĩa quan trọng với các nhà chế tác độc lập.


Tuy nhiên, không ít người lại tìm kiếm các nguồn đầu tư từ bên ngoài khi con cái không mặn mà với việc kế nghiệp cha mẹ. Điều đó lý giải vì sao François-Paul Journe phải bán 20% cổ phần cho Chanel vào năm 2018. Ai cũng biết, Chanel không hề thiếu thốn tiền bạc, cũng không cần mượn danh tiếng của một nhà chế tác như François-Paul Journe. Cái họ muốn ở đây là di sản của nhà chế tác. Có một điểm yếu cố hữu ở các nhà chế tác đồng hồ độc lập là chỉ đơn thuần tập trung vào chuyên môn mà ít khi rành rẽ chuyện bán hàng, tiếp thị sản phẩm hay sản xuất. Cái đáng lo ngại là thời gian không chờ đợi họ, trong khi việc chế tác một mẫu đồng hồ thậm chí được tính bằng năm. 

Chiếc đồng hồ Grönefeld 1941 Remontoire.