Đàn ông gốc gác lâu đời ở Hà Nội mà tinh tế sành điệu, mà vừa dư dật vừa cầu kỳ thì thường hay say mê thích chơi một thứ gì đấy. Những thứ chơi đó có thể rất đắt tiền như sưu tầm cổ vật vài trăm năm, như xe hơi tối tân, như đồng hồ hàng hiệu. Lại có thể rất bình dị như cái kính cái bút, như con tem quyển sách…Tất nhiên, những loại này chỉ thường thường thôi, chứ như một tay chơi trung niên ở giữa phố Hàng Gai sở hữu cả gần trăm hộp bút Montblanc thì đáng kể là núi của. Những thứ tạm gọi là tầm tầm ấy đương nhiên phải có vài nét độc đáo. Hoặc nó đã từng là đồ tùy thân của ai đó nổi tiếng, hoặc nó hằn đậm dấu ấn của một thời đáng nhớ.
Ví như họa sĩ nhà văn Đỗ Phấn chẳng hạn, ông chuyên sưu tầm những đồng hồ và kính đã được dùng hồi bao cấp, cái khoảng thời gian ăm ắp nhiều kỷ niệm về một thời trai trẻ. Vào giai đoạn tần tảo và kham khổ đó, những thứ này luôn có giá trị chót vót (best of the best) trên thị trường. Bởi chỉ mươi cái đồng hồ Nhật hay Liên Xô mà bây giờ chẳng ai thèm đeo vì nó xấu, thì ở lúc đấy có thể xấp xỉ đổi ngang một căn hộ nhỏ khu tập thể Kim Liên hay Trung Tự. Vậy tại sao những chiếc đồng hồ lòe loẹt mầu xanh đỏ được “đì zai” cục mịch này vẫn quyến rũ được những tay chơi không hẳn ưa hoài niệm. Câu trả lời thật đơn giản, nó chứa chan những vết xước xót xa của một thời xa vắng. Có lẽ vào một buổi chiều cuối Đông mưa phùn đậm đặc buồn bã riêng có ở Hà Nội, cô bé người yêu của mối tình đầu đã bỏ đi lấy chồng. Đó là một gã “nhà quê” thủy thủ tầu viễn dương đi xe máy Dream Thái, đeo đồng hồ KD Nhật xịn, và mắt sùm sụp cặp kính “cơn” (American) dỏm. Một kiểu thời trang mà hôm nay còn chỉ thấy ở những đàn ông vất vả lương thiện hành nghề xe ôm.
Có phải vì hay bị luẩn quẩn ký ức nên hầu hết những tay ưa sưu tầm đủ loại đồ chơi ở Hà thành đều là những trung niên có tuổi. Bọn họ từng trải lịch lãm, phong độ uể oải điềm đạm nhưng khẩu ngữ thường kẻ cả kiêu bạc trịch thượng. Hầu như sáng nào bọn họ cũng ngồi ở một quán cà phê quen, nằm lắt nhắt sâu trong phố cổ. Tất nhiên, “gu” mỗi người mỗi cách. Có người chỉ uống “nâu” (cà phê sữa). Có người gọi “đen” nóng búng tý Rhum. Có người quanh năm, kể cả mưa phùn rét lạnh Hà Nội, toàn gọi “đen” đá. Thuốc lá cũng vậy. Hoặc Camel con lạc đà không đầu lọc. Hoặc Marlboro bao trắng, hoặc phổ thông “555”. Có vẻ bọn họ quen hút thuốc thượng hạng từ lâu lắm rồi. Còn đâu là hút tẩu. Họ giữ thói quen đọc báo giấy và thanh toán tiền đánh giầy theo tuần. Khi miễn cưỡng phải nhắc đến một tay chơi nào đó mới nổi vừa sưu tầm được đồ lạ, thì bao giờ bọn họ cũng gọi là thằng, kể cả “thằng ấy” đã ngoài bẩy mươi. Đại loại bọn họ khá thủy chung, cho dù trong nhà nhan nhản đủ loại đồ chơi thì thường bọn họ chỉ có một vợ, cùng lắm là thêm một người tình. Và không hiểu sao người tình đấy vừa đảm đang buôn bán lại vừa béo.
Hà Nội vốn được tiếng là nghìn năm văn vật nhưng những người học hành đỗ đạt tử tế thường hiếm, chỉ nườm nượp đông đám phóng khoáng tay chơi. Có điều cách chơi ở bọn họ đều sang, đều đáng nể và đáng trọng. Hà Nội mà vắng họ, tự nhiên bỗng hoang mang lộ ra nhiều khoảng trống.
Ví như họa sĩ nhà văn Đỗ Phấn chẳng hạn, ông chuyên sưu tầm những đồng hồ và kính đã được dùng hồi bao cấp, cái khoảng thời gian ăm ắp nhiều kỷ niệm về một thời trai trẻ. Vào giai đoạn tần tảo và kham khổ đó, những thứ này luôn có giá trị chót vót (best of the best) trên thị trường. Bởi chỉ mươi cái đồng hồ Nhật hay Liên Xô mà bây giờ chẳng ai thèm đeo vì nó xấu, thì ở lúc đấy có thể xấp xỉ đổi ngang một căn hộ nhỏ khu tập thể Kim Liên hay Trung Tự. Vậy tại sao những chiếc đồng hồ lòe loẹt mầu xanh đỏ được “đì zai” cục mịch này vẫn quyến rũ được những tay chơi không hẳn ưa hoài niệm. Câu trả lời thật đơn giản, nó chứa chan những vết xước xót xa của một thời xa vắng. Có lẽ vào một buổi chiều cuối Đông mưa phùn đậm đặc buồn bã riêng có ở Hà Nội, cô bé người yêu của mối tình đầu đã bỏ đi lấy chồng. Đó là một gã “nhà quê” thủy thủ tầu viễn dương đi xe máy Dream Thái, đeo đồng hồ KD Nhật xịn, và mắt sùm sụp cặp kính “cơn” (American) dỏm. Một kiểu thời trang mà hôm nay còn chỉ thấy ở những đàn ông vất vả lương thiện hành nghề xe ôm.
Có phải vì hay bị luẩn quẩn ký ức nên hầu hết những tay ưa sưu tầm đủ loại đồ chơi ở Hà thành đều là những trung niên có tuổi. Bọn họ từng trải lịch lãm, phong độ uể oải điềm đạm nhưng khẩu ngữ thường kẻ cả kiêu bạc trịch thượng. Hầu như sáng nào bọn họ cũng ngồi ở một quán cà phê quen, nằm lắt nhắt sâu trong phố cổ. Tất nhiên, “gu” mỗi người mỗi cách. Có người chỉ uống “nâu” (cà phê sữa). Có người gọi “đen” nóng búng tý Rhum. Có người quanh năm, kể cả mưa phùn rét lạnh Hà Nội, toàn gọi “đen” đá. Thuốc lá cũng vậy. Hoặc Camel con lạc đà không đầu lọc. Hoặc Marlboro bao trắng, hoặc phổ thông “555”. Có vẻ bọn họ quen hút thuốc thượng hạng từ lâu lắm rồi. Còn đâu là hút tẩu. Họ giữ thói quen đọc báo giấy và thanh toán tiền đánh giầy theo tuần. Khi miễn cưỡng phải nhắc đến một tay chơi nào đó mới nổi vừa sưu tầm được đồ lạ, thì bao giờ bọn họ cũng gọi là thằng, kể cả “thằng ấy” đã ngoài bẩy mươi. Đại loại bọn họ khá thủy chung, cho dù trong nhà nhan nhản đủ loại đồ chơi thì thường bọn họ chỉ có một vợ, cùng lắm là thêm một người tình. Và không hiểu sao người tình đấy vừa đảm đang buôn bán lại vừa béo.
Hà Nội vốn được tiếng là nghìn năm văn vật nhưng những người học hành đỗ đạt tử tế thường hiếm, chỉ nườm nượp đông đám phóng khoáng tay chơi. Có điều cách chơi ở bọn họ đều sang, đều đáng nể và đáng trọng. Hà Nội mà vắng họ, tự nhiên bỗng hoang mang lộ ra nhiều khoảng trống.