Vương triều mới của ngành rượu vang gọi tên những người kế vị sáng giá!
Việc ra đời của các loại rượu mới hàng năm càng tạo cơ hội “vàng” để các hãng sản xuất gây ấn tượng với giới mộ điệu trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những thay đổi tầm cỡ của ngành sản xuất rượu có chăng chỉ xuất hiện một lần mỗi thế hệ trong lịch sử các thương hiệu lớn. Chính vì vậy, làn sóng “trẻ” của những người kế vị từ các đại thụ ngành rượu luôn được công chúng đặc biệt quan tâm.
Hai trong số những tân binh phải kể đến Saskia Prüm, gần đây được bổ nhiệm vào vị trí chủ sở hữu đồng thời là người chiết xuất rượu cho thương hiệu Đức S.A. Prüm, và Anne Trimbach, phụ trách mảng bán hàng cho nhà rượu Riesling danh tiếng Maison Trimbach. Cả hai đều có bề dày kinh nghiệm trong nghề – một người thiên về kỹ thuật chế tác, trong khi nhân vật còn lại có khả năng tiếp thị. Ngoài Prüm và Trimbach, những người thừa kế khác lại theo đuổi công việc vốn chẳng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của gia đình. Đơn cử như Saskia de Rothschild, vốn được cất nhắc vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Château Lafite Rothschild vào năm 2018, đã bắt đầu sự nghiệp với vai trò phóng viên cho tờ The New York Times, và một vài ấn phẩm khác. Trong khi đó, Vitalie Taittinger, tân Tổng giám đốc của Champagne Taittinger, lại từng theo đuổi công việc thiết kế và đồ họa.
Trên thực tế, thế giới rượu luôn có vẻ “an phận thủ thường.” Khi bàn đến việc thay đổi, các thương hiệu lại có xu hướng mở rộng hơn là tạo ra những đột phá mang tính cách mạng; ngoại trừ một điểm sáng đáng ghi nhận trong việc đề cao tính bền vững của cả ngành sản xuất. Người đứng đầu các thương hiệu ngày nay cùng chia sẻ một mục tiêu chung là làm thế nào giảm thiểu lượng CO2 thải ra trong quá trình trồng trọt, canh tác và sản xuất.
“Tính bền vững sẽ là mục tiêu hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế hệ mới” – Erin Kirschenmann, thư ký tòa soạn tạp chí chuyên ngành Wine Business Monthly, nhận định, và “dù ở bất kỳ công đoạn nào – tại nhà vườn, trong hầm rượu hay giai đoạn thành phẩm – cũng đều được chú trọng.”
Prüm, vốn đang ở tuổi 40, là người phụ nữ đầu tiên điều hành thương hiệu S.A. Prüm với bề dày 800 năm lịch sử. Bà đã mạnh dạn từ bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu và tránh lãng phí thông qua việc sử dụng loại chai làm từ vật liệu nhẹ. “Chúng tôi không muốn gây tổn hại cho thiên nhiên bằng các loại rác thải xa xỉ, vốn cũng chẳng có ý nghĩa gì trong việc làm nên chất lượng rượu,” Prüm khẳng định. Anne Trimbach, 35 tuổi, đại diện cho đời thứ 13 của nhà rượu danh tiếng với các bậc tiền nhân sáng lập tại vùng Alsace, Pháp, vào năm 1626; cho biết tất cả vườn nho của Trimbach đang trong giai đoạn chuyển dịch sang quá trình trồng trọt organic, và bà cũng đồng thời thúc đẩy các nhà vườn thành viên thực hiện động thái tương tự. Trimbach thừa nhận định hướng tương lai sẽ “ngày càng tiến đến tính bình đẳng, sự tôn trọng môi trường và những con người đang cùng chúng tôi chung lưng đấu cật.”
Taittinger, 40 tuổi, xuất thân từ gia đình có truyền thống gắn với ngành rượu từ thế kỷ 18, cũng có đồng quan điểm. “Vì là một công ty gia đình nên mọi thứ chúng tôi làm đều hướng đến xây dựng thế hệ tương lai,” bà chia sẻ. Điều này bao gồm việc tìm ra cơ hội mới tại những địa điểm không thể ngờ đến. Trên thực tế, thương hiệu Champagne Taittinger hiện đang trồng nho tại vùng có không khí lạnh hơn thuộc hạt Kent (Anh), vốn là một phần của dự án Domaine Evremond với dòng sản phẩm vang sủi dự kiến ra mắt năm 2024. Bob DeRoose, Tổng giám đốc của Kobrand – nhà nhập khẩu Taittinger cho thị trường Mỹ, tin rằng Vitalie đang “phát triển thương hiệu Taittinger với chiến lược riêng biệt hướng đến tương lai.” Giữa những diễn biến thời tiết phức tạp như mưa đá, hạn hán và nắng nóng đỉnh điểm có khả năng gây hại cho toàn bộ vụ mùa tại một số vùng của Pháp thì tầm nhìn tương lai của Vitalie sẽ hướng đến việc khai phá những miền đất mới thay vì cố bám giữ lấy mảnh đất tiền đồn của cha ông ngày xưa.
Trong khi đó, Rothschild lại cho rằng, khác với phương thức gìn giữ vụ mùa bằng thuốc trừ sâu – vốn từng là một phát kiến khoa học từ thời cha mình – ngày nay, việc quan sát và sự am hiểu thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên và hạn chế tối đa biện pháp can thiệp mới là điều quan trọng tiên quyết.
Dấu ấn nữ quyền trong quản lý doanh nghiệp thật không thể chối cãi, và càng đặc biệt hơn khi soi rọi những gương mặt trẻ đang “cháy” hết mình trong việc gìn giữ những khuôn phép, chuẩn mực lâu đời của ngành sản xuất rượu vang. Như Taittinger đã nói, “khi biết thế hệ con cháu sẽ thừa hưởng những gì mình từng xây đắp, ta lại càng muốn gìn giữ mọi thứ ở mức tốt nhất có thể.”
Đọc tiếp: 6 nhà máy rượu vang có kiến trúc ấn tượng nhất trên thế giới
(Bài viết trên ấn phẩm Robb Report Vietnam số tháng Sáu mang chủ đề “The Masters of Time”)