Vì sao những chính khách nổi tiếng trong lịch sử hay các siêu sao Hollywood chuộng loại vải này?


“Cho dù những vùng rộng lớn của châu Âu và nhiều nhà nước lâu đời có sụp đổ thì chúng ta cũng sẽ không chùn chân hay lùi bước…”
– đó là những lời kết thúc bài diễn thuyết nổi tiếng của Thủ tướng Anh Winston Churchill được Gary Oldman tái hiện một cách xuất sắc trong bộ phim Darkest Hour. Khi phát biểu những lời bất hủ đó, Winston Churchill đang mặc bộ suit màu xám đậm được dệt bởi nhà máy len nổi tiếng xứ sương mù – Fox Brothers & Co.

Không chỉ có Winston Churchill yêu thích những bộ suit flannel. Loại trang phục cổ điển này dường như gắn với vẻ chỉn chu của các quý ông lịch lãm – từ Tom Rath (phim The Man in the Grey Flannel Suit), James Bond (loạt phim 007), cho đến Gianni Agnelli – vị chủ tịch đầy quyền lực của Juventus. Hẳn thế mà biểu tượng thời trang nước Mỹ Nick Wooster đã từng tuyên bố rằng “trang phục duy nhất mà một quý ông cần là chiếc quần flannel màu khói xám.”

Từ loại vải dành cho giới lao động…

Flannel lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 17, do người dân xứ Wales tạo ra để thay thế cho trang phục len trơn. Được làm từ sợi lông cừu chải thô hoặc chải kỹ, loại vải này có tác dụng giữ ấm cơ thể trong điều kiện nhiều gió và khí hậu ẩm ướt. Không rõ ai đã đặt tên cho loại vải này, nhưng người Anh gọi là flannel, người Pháp gọi nó là flanelle, còn người Đức gọi là flanell. Vì độ bền, giá cả phải chăng và sự ấm áp, flannel nhanh chóng trở nên phổ biến khắp châu Âu. Các nhà máy len mọc lên khắp nước Anh và Pháp nhờ phương pháp “chải thô” cơ học hiệu quả. Hamilton Carhartt, một doanh nhân người Mỹ, nhận thấy nhu cầu cải tiến đồng phục của người lao động ở Hoa Kỳ, đã xây dựng một nhà máy ở Detroit, Michigan, vào năm 1889 và bắt đầu tạo ra những bộ quần áo từ vải flannel bền chắc. Vào đầu thế kỷ 20, vải flannel gắn với hình ảnh của các công nhân xây dựng và binh lính. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vải flannel bắt đầu được các nhà may nâng lên một tầm cao mới cho giới công chức văn phòng cũng như doanh nhân.

…đến trang phục dành cho giới công sở

Nếu là tín đồ của nghệ thuật thứ bảy, hẳn bạn sẽ nhớ đến hình ảnh của Tom Rath do Gregory Peck thủ vai trong bộ phim The Man in the Grey Flannel Suit. Hình ảnh của Tom Rath trong bộ suit flannel màu khói xám hai nút, tay xách cặp táp đứng chờ tàu đã trở thành biểu tượng của giới văn phòng trong thập niên 1950. Hẳn nhiên, bộ suit flannel màu khói xám chính là yếu tố quan trọng tạo nên “biểu tượng” đó. Những bộ suit của Tom mang dấu ấn đặc trưng của ngành may đo nước Mỹ thời hậu chiến, chẳng hạn như đường xẻ tà đơn và phần vai rộng, có đệm vai mềm mại cùng phần thân áo vừa vặn, trang nhã. Bộ suit dường như giúp tôn lên vẻ chỉn chu, cân đối và nam tính của Perk dù nam diễn viên sở hữu chiều cao khiêm tốn. Ở một khía cạnh nào đó, bộ trang phục thể hiện rất rõ “mood” của cả thời cuộc lẫn bối cảnh xung quanh trong thập niên 1950 – từ những rừng người trong “đồng phục” màu khói xám bước vội vã trên các con phố buồn tẻ, những tòa nhà văn phòng lạnh lẽo, ngột ngạt, cho đến cả những cơn sóng ngầm trong tâm tưởng của vị cựu binh Thế chiến thứ hai. Đó là người đàn ông luôn khao khát được thăng tiến trong một hãng quảng cáo ở New York cốt để mua được một ngôi nhà lớn hơn cùng những chai rượu gin ngon hơn nhằm mang lại cuộc sống dễ chịu hơn cho vợ và ba con nhỏ ở ngoại ô Connecticut.

Gregory Peck thủ vai Tom Rath trong phim The Man in the Grey Flannel Suit.

Cứ ngỡ như kiểu suit flannel buồn tẻ này sẽ vĩnh viễn đóng đinh với hình ảnh của những gã nhân viên văn phòng mẫn cán trong các công sở buồn tẻ ở Manhattan. Vậy nhưng, gần một thập kỷ sau, những bộ suit flannel màu khói xám đã được Sean Connery nâng lên một tầm cao mới qua hình ảnh hào hoa, lịch lãm của James Bond trong loạt phim về điệp viên 007. Bộ suit flannel màu khói xám là một trong những trang phục nổi bật nhất của James Bond do tần suất xuất hiện của nó trong loạt phim. Xuyên suốt series phim, James Bond mặc 12 bộ suit flannel màu khói xám với các sắc thái giữa xám, xám đậm và than, bên cạnh một số bộ màu xanh nước biển, nâu, và đen. Bộ suit flannel của James Bond được Anthony Sinclair thửa riêng sở hữu độ rủ nhẹ với phong cách một hàng cúc 2 nút, ve áo mỏng, túi hông thẳng, còng áo 4 khuy và lưng không có tà xẻ. Kiểu xếp nếp cổ điển có phần vai lớn, có đệm và phần eo vừa vặn giúp tôn dáng và khiến chủ nhân trông mạnh mẽ hơn. Và dường như với bộ suit flannel màu khói xám kiểu Anh do Anthony Sinclair thửa riêng, nam chính của bộ phim bom tấn đã tạo nên sức hút cho loại vải này.

Sean Connery mặc bộ suit flannel trong phim Dr No
Sean Connery mặc bộ suit flannel trong phim Dr No

Những thương hiệu flannel danh tiếng

Suit flannel có nhiều màu – từ màu xanh đặc trưng của lực lượng không quân, cho đến các sắc thái xanh xám khác hay màu nâu và nâu vàng. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa 2 màu xơ đen và trắng khiến gam màu khói xám trở nên trang nhã hơn về kết cấu. Vải flannel mang tính biểu tượng của miền Tây nước Anh sở hữu vẻ mềm mại cùng độ rủ hoàn hảo, bao gồm các loại flannel len được dệt với các sắc thái mélange phong phú, cũng như các loại flannel dệt kim có trọng lượng nhẹ.

Fox Brothers là nhà sản xuất vải flannel đầu tiên trên thế giới và hiện vẫn được xem là thương hiệu hàng đầu trong ngành vải flannel cổ điển. Fox Brothers đã có thời là một trong những nhà máy len lớn nhất và uy tín nhất xứ sương mù với hàng nghìn nghệ nhân thủ công ở Wellington, Somerset. Nhà máy này cũng từng là nơi cung cấp đồng phục cho quân đội Anh vào năm 1914. Tại Fox Brothers, loại vải flannel khói xám nổi tiếng thế giới được nhuộm theo một công thức nghiêm ngặt. Vải được dệt tại nhà máy của hãng ở Somerset bởi một nhóm nghệ nhân thủ công, sử dụng các công thức nhuộm màu đặc biệt bằng cách kết hợp các loại sợi có màu lông tơ, xám và than để tạo ra màu sắc mong muốn. Sau hơn 200 năm hình thành và phát triển kể từ thời điểm phát triển loại vải flannel đầu tiên vào năm 1803, hiện nay Fox Brothers vẫn luôn giữ được chuẩn mực cho loại vải mềm mại tuyệt vời này. Ngoài Fox Brothers, thị trường vải flannel còn chứng kiến sự góp mặt của một số thương hiệu nổi tiếng khác như Drapers Italy, Holland & Sherry, Hardy Minnis, Harrisons, Marling & Evans, Huddersfield Fine Worsteds và Vitale Barberis Canonico.

Loại vải mang tính biểu tượng này được những người nổi tiếng và chính khách trên toàn cầu yêu thích. Ngoài Thủ tướng Anh Winston Churchill với bộ suit màu xám đậm và Thái tử Charles với bộ suit 3 mảnh màu than sẫm, Gregory Peck vốn đóng đinh với những bộ suit flannel trong The Man in the Grey Flannel Suit hay Sean Connery trong loạt phim về điệp viên 007, chúng ta còn có thể bắt gặp những ngôi sao màn bạc trong trang phục suit flannel lịch lãm như Fred Astaire (vai Tony Hunter trong phim The Band Wagon) hay Cary Grant (phim Charade). Đặc biệt hơn, chính Gregory Peck là một tín đồ của những bộ suit flannel mang thương hiệu Huntsman ở Savile Row với 160 bộ từng đặt may tại nhà may này.

Gianni Agnelli – vị chủ tịch đầy quyền lực của Juventus – cũng đam mê những bộ suit flannel đến mức ông có thể được coi là một trong những đại sứ nổi tiếng nhất của loại vải này. Ông sở hữu nhiều bộ suit flannel mang nhiều sắc thái xám khác nhau bên cạnh bộ sưu tập cà-vạt cũng từ vải flannel. Có lẽ vì thế mà là flannel Agnelli có màu xám đậm đã được đặt theo tên ông. Agnelli đã đặt may tất cả các bộ suit của mình tại A. Caraceni ở Milan, nhưng những chiếc áo khoác flannel của ông được dệt bởi một thương hiệu nổi tiếng khác ở Ý – Vitale Barberis Canonico.