Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) mang đến đêm hòa nhạc Italian Spirit với sự góp mặt của nghệ sĩ violin nổi tiếng Stéphane Trần Ngọc và được chỉ huy bởi Nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch vào ngày 9 tháng 7 sắp tới tại Nhà hát Thành phố.
Niccolo Paganini (1782-1840) là một nhân vật phi thường trong lịch sử âm nhạc thế giới với những lời đồn rằng ông được những thế lực phi thường truyền cảm hứng. Ông là một nghệ sĩ violin đại tài và là nhà soạn nhạc với những tác phẩm thể hiện những kỹ thuật rất cao.
Các sáng tác của ông ngày nay được coi như những nấc thang kiểm tra về kỹ thuật violin. Danh tiếng của ông với tư cách là một nhà soạn nhạc đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Ví dụ, Caprice thứ 24 của ông là một tác phẩm nổi tiếng – một trong những điểm nhấn đặc biệt của âm nhạc cổ điển
Paganini viết sáu bản concerto cho violin và dàn nhạc. Bản concerto cho violin và dàn nhạc số 1 của ông được công diễn lần đầu tiên vào năm 1819, và Paganini đã sử dụng nhiều thiết bị khác nhau để nâng cao hiệu ứng của cây violin độc tấu, chẳng hạn như biểu diễn ở một giọng khác so với dàn nhạc.
Khán giả tại TP.HCM đặc biệt may mắn khi được thưởng thức tài nghệ của nghệ sĩ độc tấu violin bậc thầy Stéphane Trần Ngọc. Năm 15 tuổi, anh đã đoạt Giải nhất về violin và âm nhạc thính phòng tại Nhạc viện Thượng hạng Quốc gia Paris. Anh hiện đang sống tại Pháp và Đan Mạch (nơi anh là Concertmaster của Dàn nhạc Thính phòng Đan Mạch).
Sinh ra tại Paris, Stéphane Trần Ngọc là một trong những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất trong tất cả các nghệ sĩ độc tấu nhạc cụ đã từng đến Việt Nam biểu diễn. Sự hiện diện của anh tại TP.HCM vào ngày 9/7 tới đây chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn khán giả. Vào năm 2017, Stéphane Trần Ngọc đã làm bùng nổ khán phòng Nhà hát Thành phố với tác phẩm encore Caprice số 24 của Paganini.
Buổi hòa nhạc đặc biệt này sẽ bắt đầu với Souvenir de Florence của Tchaikovsky. Đây là tác phẩm được Tchaikovsky sáng tác vào cuối đời. Một trong những giai điệu của nó khiến nhà soạn nhạc nhớ đến Florence, Ý – nơi ông đã viếng thăm vào thời điểm đó – vì thế ông lấy tên thành phố này đặt tên cho tác phẩm.
Đêm nhạc do Nhạc trưởng NSƯT Trần Vương Thạch chỉ huy. Bản thân anh đã theo học và được đào tạo như một nghệ sĩ violin, và việc anh chỉ huy chương trình này là bảo chứng cho tầm quan trọng của đêm hoà nhạc đối với HBSO.