Thông tin về thanh kiếm của vua Thành Thái được nhà cái GWS Auctions (Hoa Kỳ) đấu giá vào 10g sáng 17/7 (giờ địa phương) đã nhanh chóng khiến các trang báo và mạng xã hội Việt Nam “dậy sóng”. Chưa bàn đến thực hư về thanh kiếm này, liệu truyền thông và khán giả có đang bị dẫn dắt vào mê hồn trận?
Món cổ vật có gì lạ?
Theo lời mô tả của GWS Auctions trên website chính thức, thanh kiếm của vua Thành Thái có tên gọi Emperor’s Heaven’s Will Sword với chiều dài 38inch (96cm) thuộc sở hữu của một gia đình hoàng tộc Việt Nam tại Mỹ.
“Đây chính là một trong những vũ khí cổ của Việt Nam được săn lùng nhất và được lưu truyền qua các đời vua thời nhà Nguyễn. Thanh kiếm tượng trưng cho một quốc gia thịnh vượng, thái bình, hạnh phúc và được cẩn đá quý, chạm khắc các chi tiết tinh tế với phần chuôi kiếm hình hoa sen. Ngoài ra, trên thân kiếm chạm khắc dòng chữ ‘Vua thứ 10 triều Nguyễn’ và ‘Duy trì công lý và trật tự” và ‘Lệnh trời: Hoàng đế Thành Thái’”.
Cũng theo lời nhà cái ra đời từ 2009 tại Agoura Hills, California này, thanh gươm gia truyền quý giá kể trên đã tồn tại qua bao cuộc chiến, vô số triều vua với lịch sử hơn 1.000 năm. “Tạo tác này là món đầu tư hoàn hảo được nhận định bởi các chuyên gia trên thế giới và các nhà sưu tập giữa bối cảnh hiện đại hóa chóng mặt ở Việt Nam. Cổ vật Việt Nam trong vòng 10 năm tới đây sẽ còn có giá trị cao hơn cổ vật Trung Hoa”, trích lời giới thiệu có phần khá khoa trương từ GWS Auctions.
GWS Auctions là ai?
Sàn đấu giá các tài sản, hiện vật của người nổi tiếng và các gia đình hoàng tộc chính là “đứa con tinh thần” của nhà sáng lập Brigitte Kruse – thế hệ thứ 5 của một gia tộc chuyên về lĩnh vực đấu giá cùng chồng cô là Mike Sislyan – vốn chuyên về lĩnh vực phát triển phần mềm cho các sàn đấu giá.
Không khó để tìm kiếm thông tin về Brigitte Kruse khi cô là chuyên gia đấu giá đầu tiên được phong tước hiệp sỹ (Dame) và là người nhận kỷ lục Guiness cho việc thực hiện “Buổi đấu giá bất động sản cá nhân bị lãng quên lớn nhất trong lịch sử”. Kruse còn là thành viên của Hội đồng Kinh doanh Forbes tại Los Angeles và là người đồng sáng lập iSynergy Network, một nhóm các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp sáng tạo chuyên cung cấp nền tảng và giải pháp cho nhóm 1% các doanh nhân hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực.
GWS Auctions do Kruse “cầm trịch” đã thực hiện nhiều sự kiện tạo tiếng vang như đấu giá chuyên cơ riêng của Elvis Presley, chiếc váy đen huyền thoại của Marilyn Monroe, mẫu đồng hồ Rolex đầy tính lịch sử của Marlon Brando, và trang viên của triết gia thời Phục hưng Machiavelli tại Florence, Ý…
Cái giá 50.000 USD là thật?
Trước khi bàn đến tính thật – giả của thanh kiếm trên, chúng ta hãy nói về việc rất nhiều các trang báo Việt Nam đồng loạt đưa tin thanh kiếm được đấu giá thành công vào ngày 17/7/2021 với con số 50.000 USD. Tuy nhiên đây là thông tin chưa chính xác.
Bởi căn cứ theo website chính thức của GWS Auctions (ảnh chụp màn hình bên dưới), phiên đấu giá đã kết thúc vào 10g sáng 17/7/2021 nhưng không có ai đặt lệnh mua dù lượt xem sản phẩm 3.214 lần (tính đến thời điểm bài viết này).
Tuy nhiên, cũng chính thanh kiếm được xem là của vua Thành Thái này lại từng được GWS Auctions đấu giá thành công 50.000 USD nhưng lại ở thời điểm năm 2018, trong một phiên đấu mang tên “Royal Artifacts & Magnificent Jewelry” (tạm dịch: Hiện vật hoàng gia và Trang sức lộng lẫy) kết thúc phiên ngày 30/9/2018 (xem hình chụp màn hình bên dưới). Con số 50.000 USD thu về ở thời điểm ấy xem ra vẫn còn quá thấp so với kỳ vọng của nhà cái khi họ ước tính giá trị 350.000 USD đến 400.000 USD cho món cổ vật này.
Lần dấu theo các phiên đấu giá liên quan, người viết ghi nhận ngày 3/2/2019 hiện vật này lại “lên sàn” của GWS Auctions lần nữa với giá kỳ vọng 350.000 USD đến 400.000 USD. Tuy nhiên, con số đấu giá thành công (hay không?!) lại không được công bố trong khi tình trạng hiện vật lại gắn biển “Sold” trên màn hình hiển thị. Tương tự, trong phiên đấu ngày 10/6/2018 trước đó, GWS Auctions cũng mong đợi thu về từ 800.000 USD đến 1 triệu USD cho “bảo vật” này nhưng kết quả vẫn không được công bố dù hiển thị “Sold”.
Câu hỏi lớn liệu có lời đáp?
Hàng loạt chuyên gia và giới nghiên cứu văn hóa – lịch sử đã tham gia vào cuộc tranh luận về tính xác thực của thanh kiếm trên. Tuổi Trẻ sáng nay (22/7) đã có bài khẳng định “’An Dân bảo kiếm của vua Thành Thái’ đấu giá ở Mỹ: ‘Thợ làm giả hạng xoàng’”.
Bài viết dẫn lời của nhà nghiên cứu Vũ Kim Lộc (TP.HCM) khi ông cho rằng đây là thanh kiếm đẹp, kỹ thuật chế tác cao song “hoa văn không có gì là thời Nguyễn hết” nếu là một thanh kiếm của vua.
Trong khi đó nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn vốn là một chuyên gia về cổ vật thời Nguyễn, đã khẳng định: “Không chỉ chữ sai, chữ chạm còn rất xấu và nguệch ngoạc so với kiếm thật của thời Nguyễn thường thấy, mà hoa văn trên kiếm cũng không phải là hoa văn thời Nguyễn nữa. Do đó có thể khẳng định đây là kiếm giả của một người thợ hạng xoàng”.
Trước đó, Người Lao Động ngày 21/7 cũng phản ánh có nhiều ý kiến cho rằng thanh kiếm được đấu giá chỉ là hàng giả, bằng chứng được đưa ra khi đối chiếu bút tích (chữ Hán) của vua Thành Thái còn được lưu trữ với hàng chữ trên cây kiếm. Cụ thể, theo các bút tích, vua Thành Thái viết từ trên xuống dưới, từ phải sang trái còn các chữ Hán trên thanh kiếm lại được viết từ trái qua phải.
Cùng ngày Cafebiz cũng có bài ghi nhận hàng loạt ý kiến của giới chuyên môn. Theo đó, Tiến sĩ Đoàn Thành Lộc (nhà nghiên cứu, họa sĩ, nghệ nhân, người sáng lập Nam Ngọc Hiên) cho biết dòng chữ “Thập nhất niên trọng xuân chi cát, công bộ phụng giám chú” (tạm hiểu: Chế tạo vào ngày tốt của tháng 2, năm Thành Thái thứ 11 do Bộ Công chế tạo) không chỉ sai về lối viết từ trái sang phải mà về mặt ngữ nghĩa cũng có lỗi sai nghiêm trọng. Anh cũng cho biết hoa văn trên chiếc kiếm “xa lạ với hoa văn đương thời”.
Hiện sự việc vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm, tranh luận từ nhiều phía. Riêng bạn nhận định ra sao về vấn đề này?