Đã đến lúc chúng ta dành sự chú trọng đúng mực cho bộ cánh của một chuyên cơ.
David Noble, CEO của hãng thiết kế Aerobrand có trụ sở tại Luân Đôn cho rằng: “Diện mạo là yếu tố quyết định đến ấn tượng ban đầu. Mọi thứ khác chỉ xếp hàng thứ yếu”. So với nội thất bóng bẩy thời thượng mà chủ nhân không tiếc tiền tô điểm, phần ngoại thất của chuyên cơ vẫn thường bị xem nhẹ trong ngành hàng không. Có chăng là những thiết kế buồn tẻ theo kiểu truyền thống.
Nhiều tỷ phú thường ưa sự kín đáo trong khi một số quan chức hay lãnh đạo doanh nghiệp chỉ đưa vài dấu ấn mờ nhạt lên chiếc chuyên cơ đắt đỏ. Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi khi nhiều khách hàng và các nhà thiết kế coi ngoại thất máy bay là không gian cho sự sáng tạo. Mới đây, một vị khách của Boeing đã mạnh dạn chọn tông vàng rực rỡ cho phần ngoại thất. Một người khác lại chọn bộ cánh theo kiểu tranh trừu tượng. Bên cạnh đó, nhiều nhà thiết kế cũng hướng khách hàng đến các tông màu độc nhất theo kiểu xe hơi. Xét cho cùng, chuyên cơ cũng giống xe sang: Càng ít màu mè càng đẹp.
Dĩ nhiên, thiết kế nào cũng cần tránh sự buồn tẻ. Những thiết kế truyền thống vẫn luôn có nhiều ưu điểm riêng. Điều quan trọng nằm ở tiểu tiết: Phải làm sao để mọi thứ trở nên nổi bật. Nhà thiết kế luôn có cách để truyền tải một thông điệp theo kiểu kín đáo. Đôi khi, một lớp sơn ngoại thất với nhiều tông màu pha trộn vào nhau có thể làm thay đổi diện mạo của chuyên cơ trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Điều này không hề dễ. Việc bổ sung một lớp sơn đồng nghĩa với việc tăng trọng lượng chuyên cơ – một điểm tối kỵ trong ngành hàng không. Ngoài ra, việc tạo nên những đường nét nghệ thuật trên một kết cấu bo tròn cũng là trở ngại to lớn. Tuy nhiên, máy bay cũng giống như một bức phù điêu đẹp đẽ cần được chăm chút kỹ lưỡng. Nói gì thì nói, nội thất là thứ ẩn giấu bên trong nhưng ngoại thất thì luôn bày ra trước mắt thiên hạ.
Ứng dụng nào cho mảng chuyên cơ?
Những dịch vụ đắt đỏ của ngành hàng không khiến nhiều khách hàng nghĩ đến một cách thức nào đó vừa thuận tiện, vừa dễ dàng để đặt vé máy bay. Chí ít là thông qua trang web hay ứng dụng nào đó thay vì trang Expedia có từ những năm 90.
Tuy nhiên, với tính chất đặc thù của mảng chuyên cơ, việc tìm ra một giải pháp hữu hiệu là yêu cầu vô cùng cấp bách. Andrew Collins, Chủ tịch kiêm CEO của hãng Sentient Jet, cho rằng: “Thị trường đang ngày một sôi động và phức tạp hơn. Giá cả cũng dao động từng phút. Rất khó để chúng tôi có thể cố định giá bán giống như các hãng bay phổ thông”.
Nói thì nói vậy nhưng bản thân Sentient cũng như nhiều đối thủ cạnh tranh vẫn đang nỗ lực để giải quyết vấn đề nêu trên theo cách toàn diện nhất. Theo Collins, trong thời điểm nhu cầu chuyên cơ đang tăng vùn vụt như hiện nay, việc sắp xếp giờ bay là một “ác mộng” thực thụ. Trong vòng 12 tháng qua, khoảng 25% khách hàng của Sentient đặt chuyến qua ứng dụng di động. Trong khi đó, hãng bay Wheels Up nhận 50% đơn hàng qua App – tăng 15% so với năm 2020. Hãng bay này cũng mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đô cho mảng công nghệ cũng như đội ngũ nhân sự và trụ sở mới của mình.
Với nhu cầu chuyên cơ đang ngày một tăng cao, thách thức lớn nhất với các công ty bay là chính sách giá ổn định giống như các hãng bay thương mại. Mục tiêu của các ứng dụng đặt vé là tạo nên một cách thức mới vừa thuận tiện, vừa dễ dàng để cung cấp thông tin và phản hồi cho cả khách hàng lẫn công ty.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng dễ dàng so sánh mức giá giữa nhiều hãng khác nhau. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn nằm ở số lượng chuyên cơ mà các công ty đang có. Theo thống kê, trong số 550 hãng chuyên cơ tại Mỹ, chỉ có chưa đầy 10 công ty có hạm đội bay trên 50 chiếc. Số còn lại lượng số tàu bay chưa đầy 10 chiếc.
(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 7 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “The Dawn of New Designs”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)