Khi sự khéo léo và tinh tế hòa quyện trong một tuyệt tác.
Đầu bếp Nicolas Cloiseau chu du khắp thế giới để cảm nhận hương vị những loại sô-cô-la làm từ hạt cacao bản địa. Đối với Cloiseau, điều làm vị đầu bếp vui sướng nhất khi bước chân vào thế giới nghệ thuật chính là sự biến hóa, từ nguyên liệu thô đến những tuyệt tác phủ sắc nâu. Từng được rao bán với giá 1,2 triệu USD, tác phẩm công phu nhất của ông là một chiếc vòng cổ hình con rắn làm từ sô-cô-la, với điểm nhấn là viên kim cương màu vàng 20K trên đầu và lưỡi rít. Với kỹ thuật khoan kim đặc trưng, vào năm 2007, Nicolas Cloiseau đã được trao danh hiệu Meilleur Ouvrier de France Chocolatier. Khi đề cập về việc áp dụng kỹ thuật khoan kim trong chế tác cũng như trang trí sô-cô-la, ông chia sẻ: “Nó mang lại sự sống cho những tác phẩm vốn dĩ vừa cứng nhắc vừa có màu tối như sô-cô-la”.
1. Tan chảy
Tinh chỉnh nhiệt độ trong giai đoạn nấu chảy là chìa khóa quan trọng khi tạo ra một tác phẩm điêu khắc từ sô-cô-la. Chính điều này sẽ quyết định chất lượng của thành phẩm.
2. Tạo hình
Khuôn đúc được làm từ thạch cao hoặc gỗ. Tùy thuộc vào độ phức tạp của tác phẩm, khuôn được làm bằng silicone hoặc nhựa thực phẩm cứng.
3. Định lượng
Cloiseau dùng sô-cô-la đen để tạo ra nguyên mẫu. Qua đó, ông có thể định hình tác phẩm và lựa chọn thành phần nào nên được làm từ sô-cô-la đen, sữa, caramen trắng hay sô-cô-la trắng.
4. Phác họa
Tiếp theo, sử dụng thước cặp, ông khắc các điểm chính xác vào tác phẩm để đánh dấu nơi sẽ được khoan kim.
5. Hình thành
Cloiseau cẩn thận khoan tại các điểm giao nhau của các nét vẽ. Sô-cô-la đen là chất liệu phù hợp nhất khi áp dụng kỹ thuật khoan kim vì sở hữu cấu trúc chắc chắn.
6. Đẽo gọt
Với dụng cụ là một con dao gọt cùng chiếc bàn chải, Cloiseau nhẹ nhàng gạt bỏ các mảnh vụn ra khỏi bề mặt đĩa cầu.
7. Quét dầu
Ông dùng dầu thực vật, quết đều khắp bề mặt nửa cầu thứ hai, biến nó thành “chất keo” giữ chặt lá vàng.
8. Mỹ vị xa xỉ
Cloiseau tiến hành đính những tờ vàng lá 23K lên “Mặt trời” với dụng ý biến chúng thành những “tia nắng” vô cùng sống động.
9. Niêm ấn
Hai nửa “Mặt trời” được gắn với nhau nhờ một lớp sô-cô-la đang tan chảy ở 31ºC và khi cô đặc lại, chúng sẽ kết dính hai mảnh ghép với nhau.
10. Ánh dương soi rọi
Cuối cùng, ruy băng sẽ được quấn quanh viền “Mặt trời”. Người nghệ sĩ vinh danh tác phẩm điêu khắc bằng một thanh sô-cô-la.
(Để xem nội dung bài viết này trên ấn phẩm tháng 10 Robb Report Việt Nam mang chủ đề “Home Is Where The Heart Is”, độc giả có thể đặt báo in tại đây hoặc đặt báo digital tại đây.)