Khoảng hơn mươi năm nay ở ta, những thị dân trung lưu ở phố đã có dần một thói quen đi du lịch. Thậm chí có những tour được tổ chức khá cầu kỳ, hoàn toàn không cần nhờ qua các công ty lữ hành chuyên nghiệp. Thường đấy là một nhóm gồm mấy gia đình tương đối dư dật. Hoặc học với nhau từ hồi phổ thông, hoặc là anh em họ hàng linh tinh, nhưng trót cùng góp vốn đầu tư vào một bất động sản đang loay hoay chờ lên giá. Hoặc nữa là quen qua mưu sinh làm ăn, như cùng văn phòng như cùng công sở, nhờ sự thăng trầm bất trắc của thương trường, tự nhiên trở nên gần gũi thương nhau. Trong mấy gia đình đó thể nào cũng có một thiếu phụ hơi béo một tí, lồ lộ sắc sảo. Nàng này đại loại sẽ là chủ xị, sẽ là linh hồn của cả chuyến đi. Chồng của nàng cũng giống như chồng của mấy gia đình kia thôi. Suốt ngày tần tảo cắm cúi kiếm tiền, thư giãn bằng cách ngẩng mặt xem truyện tranh, chúi đầu lướt facebook, và chiều muộn tuần đôi lần cùng vài thằng bạn ngồi uống dăm chai bia ở nhà hàng có “tay vịn”. Một lần phê phê về thì được vợ hiền nhỏ nhẹ bảo. Hè rồi, em đã bàn với chị này anh kia, xem thế nào cho trẻ con đi chơi. Chồng khẽ liếc lại tài khoản, phẩy tay nhẹ như gió, OK.
Thiếu phụ vợ được bật đèn xanh, tranh thủ cơ quan lúc rỗi, bèn chui vào internet. Nếu du lịch nội thì chọn những “rì dọt” mới. Nếu du lịch ngoại thì chọn những khách sạn cũ. Vì một gia đình cô đơn đi nghỉ dưỡng, lúc ăn nhiều hải sản hay sinh buồn chán nên nàng gọi phone rủ rê thành lập đoàn. Thường nàng sẽ buôn chuyện rất lâu, vừa khó chịu thuyết phục vừa trịch thượng mời chào, bởi bản chất của chúng sinh là “chín người mười ý”. Nếu người nghe ở đầu dây kia là cô vợ thì thành công luôn cao, còn nếu là anh chồng thì mọi chuyện đâm phức tạp khó đoán. Một gã đàn ông khi đã quá để ý chuyện chi tiết bếp núc thường là người gia trưởng kỹ tính, đôi lúc thăng hoa thành tiểu nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Khổng phu tử đã cảnh báo, “quân tử bất cận trù phòng”. Rồi mọi chuyện lôi thôi tranh cãi cũng xong, tới ngày đi, đương nhiên vui nhất là lũ trẻ. Chỗ đến là bãi biển mới tinh, cứ ngỡ văn minh thưa thớt hoang vu, ai ngờ a dua theo ngày nghỉ lễ nên nhan nhản toàn người là người. Chúa ơi, sao họ có nhiều tiền thế mà ai cũng giống hệt ai. Mặc giống nhau, ăn giống nhau, chơi cũng giống nhau. Càng tỏ vẻ độc đáo sang trọng lại càng y hệt như nhau. Chen chúc ăn sáng “búp phê” xong, mỗi người mỗi góc gục mặt vào “phây búc”. Tuyệt không thấy ai cầm theo một quyển sách. Họa hằn nếu có thì chắc chắn đấy là một nhân vật thuộc showbiz. Chàng hay nàng gì đó, hình như cũng nổi tiếng, ưỡn ẹo đeo kính râm nằm cạnh bể bơi đọc một cuốn dày cộp theo tư thế khoe khoang lộ hàng. Cả đời làm trò vẫn chưa đủ hay sao. Xa xa, đám thiếu phụ thị dân cố làm vẻ không thèm nhìn nhưng thỉnh thoảng tò mò vẫn liếc. Họ sẽ găm chủ đề lố bịch này vào bữa tối muộn. Sẽ có nhiều câu bình luận nửa ngô nghê nửa sâu sắc. Mấy ông chồng trước khi rủ nhau vào phòng trong chơi “tá lả” thì ra ban công hút thuốc khẽ thở dài khinh bạc cao đạo “đúng là thói người Việt, chỉ được cái đấu tố bầy đàn”.
Đã rất nhiều hội thảo ngập tràn các giáo sư tiến sĩ vò đầu bứt tai để tìm ra căn tính thị dân Việt. Khó đến thế sao, hay là họ chưa bao giờ đưa vợ con đi du lịch.
Thiếu phụ vợ được bật đèn xanh, tranh thủ cơ quan lúc rỗi, bèn chui vào internet. Nếu du lịch nội thì chọn những “rì dọt” mới. Nếu du lịch ngoại thì chọn những khách sạn cũ. Vì một gia đình cô đơn đi nghỉ dưỡng, lúc ăn nhiều hải sản hay sinh buồn chán nên nàng gọi phone rủ rê thành lập đoàn. Thường nàng sẽ buôn chuyện rất lâu, vừa khó chịu thuyết phục vừa trịch thượng mời chào, bởi bản chất của chúng sinh là “chín người mười ý”. Nếu người nghe ở đầu dây kia là cô vợ thì thành công luôn cao, còn nếu là anh chồng thì mọi chuyện đâm phức tạp khó đoán. Một gã đàn ông khi đã quá để ý chuyện chi tiết bếp núc thường là người gia trưởng kỹ tính, đôi lúc thăng hoa thành tiểu nhân. Không phải ngẫu nhiên mà Khổng phu tử đã cảnh báo, “quân tử bất cận trù phòng”. Rồi mọi chuyện lôi thôi tranh cãi cũng xong, tới ngày đi, đương nhiên vui nhất là lũ trẻ. Chỗ đến là bãi biển mới tinh, cứ ngỡ văn minh thưa thớt hoang vu, ai ngờ a dua theo ngày nghỉ lễ nên nhan nhản toàn người là người. Chúa ơi, sao họ có nhiều tiền thế mà ai cũng giống hệt ai. Mặc giống nhau, ăn giống nhau, chơi cũng giống nhau. Càng tỏ vẻ độc đáo sang trọng lại càng y hệt như nhau. Chen chúc ăn sáng “búp phê” xong, mỗi người mỗi góc gục mặt vào “phây búc”. Tuyệt không thấy ai cầm theo một quyển sách. Họa hằn nếu có thì chắc chắn đấy là một nhân vật thuộc showbiz. Chàng hay nàng gì đó, hình như cũng nổi tiếng, ưỡn ẹo đeo kính râm nằm cạnh bể bơi đọc một cuốn dày cộp theo tư thế khoe khoang lộ hàng. Cả đời làm trò vẫn chưa đủ hay sao. Xa xa, đám thiếu phụ thị dân cố làm vẻ không thèm nhìn nhưng thỉnh thoảng tò mò vẫn liếc. Họ sẽ găm chủ đề lố bịch này vào bữa tối muộn. Sẽ có nhiều câu bình luận nửa ngô nghê nửa sâu sắc. Mấy ông chồng trước khi rủ nhau vào phòng trong chơi “tá lả” thì ra ban công hút thuốc khẽ thở dài khinh bạc cao đạo “đúng là thói người Việt, chỉ được cái đấu tố bầy đàn”.
Đã rất nhiều hội thảo ngập tràn các giáo sư tiến sĩ vò đầu bứt tai để tìm ra căn tính thị dân Việt. Khó đến thế sao, hay là họ chưa bao giờ đưa vợ con đi du lịch.