Thiếu nguồn cung dầu olive do biến đổi khí hậu đã khiến cho giá nguyên liệu này chạm ngưỡng giá kỷ lục, 9.000 đô cho mỗi tấn, theo The Washington Post. Mức giá đã tăng 12,5% so với mức tăng 8,8% vào năm ngoái, theo công ty nghiên cứu thị trường Circana.
Tại Tây Ban Nha, một trong những quốc gia sản xuất dầu olive hàng đầu thế giới, sản lượng dầu olive trong tháng 5 đã giảm 48% so với năm ngoái. Trong khi vụ thu hoạch mới thường bắt đầu khoảng tháng 10, các chuyên gia trong ngành lo lắng rằng mức tăng trưởng năm nay không thể khắc phục việc thiếu nguồn cung. Hạn hán và tình trạng thiếu nước vài tháng trở lại đây ở Tây Ban Nha đã gây ra nhiều bất lợi.
Tình trạng này cũng tương tự như ở các nước chuyên sản xuất dầu olive như Ý - quốc gia đứng thứ 2 về sản lượng dầu olive. Đất nước này cũng đang phải chịu đựng tình trạng hạn hán, đặc biệt là ở vùng Apulia. Bên cạnh đó, mùa vụ ở Bồ Đào Nha, Tunisia, Maroc và Hy Lạp cũng đang chịu thiệt hại tương tư.
Với xu hướng này, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã hạ mức triển vọng đối với dầu olive. Cơ quan này dự báo hồi tháng trước rằng chỉ 2,5 triệu tấn dầu olive được sản xuất ra trên toàn cầu trong năm 2023. Con số này thấp hơn ¼ so với năm ngoái và mức trung bình của 5 năm. Thêm vào đó, USDA cũng cho biết giá dầu olive đã tăng 130% từ năm ngoái, và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền công nghiệp dầu olive trong tương lai.
Hoa Kỳ hiện là nước nhập khẩu dầu olive đứng đầu, chiếm 30% sản lượng toàn cầu, dựa vào dữ liệu của USDA. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng đến mức 35% và thậm chí còn cao hơn vào năm tới. Mặc dù tại nước này vẫn có rất nhiều nhà sản xuất dầu olive, nhưng đều không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
“Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu dầu olive ổn định. Sản lượng dầu olive sản xuất nội địa của nước này trung bình khoảng 16.000 tấn một năm, không đủ đáp ứng cho nhu cầu khoảng 390.000 tấn,” Vito Martielli, nhà phân tích cấp cao thị trường ngũ cốc và hạt dầu tại Rabobank chia sẻ cùng The Post.