Hứa hẹn những màn rượt đuổi tốc độ nghẹt thở trên bầu trời xứ sở chuột túi, giải đua là đấu trường so tài của những chiếc Airspeeder Mk3 – “e-VTOL đua thuần điện đầu tiên trên thế giới”.
Được chế tạo bởi thương hiệu Alauda có trụ sở tại Úc, “xe đua bay” Mk3 sở hữu thiết kế điển hình của eVTOL (electric Vertical TakeOff & Landing – phương tiện bay cất/ hạ cánh thẳng đứng thuần điện) với kích thước cỡ lớn (full-size) cùng khả năng tăng tốc lên đến 120 km/h.
Ngoài kiểu dáng ấn tượng lấy cảm hứng từ những cỗ xe đua F1 cổ điển, Mk3 còn sở hữu bộ khung sợi các-bon tinh tế và phần thân máy bay “nhẹ như lông hồng”. Khi cuộc đua bắt đầu, thiết bị bay đặc biệt này được “lái” từ xa bởi một phi công tại trạm điều khiển trên mặt đất tương tự những chiếc flycam.
“Xế đua của bầu trời” được trang bị hệ truyền động thuần điện công suất 96 kW mạnh mẽ với tỉ lệ “lực đẩy trên trọng lượng” vô cùng tối ưu. Ngoài ra, kiểu phân bố cánh quạt hình chữ X (octocopter X) mang đến cảm giác ổn định và sự linh hoạt đáng kinh ngạc, với khả năng chinh phục những khúc cua tay áo khó nhằn.
Tính an toàn cũng được đặc biệt quan tâm khi Alauda cho biết thiết kế của Mk3 đảm bảo quá trình hạ cánh an toàn ngay cả khi một động cơ điện hoặc hệ thống pin gặp trục trặc trong quá trình đua. Điều đáng chú ý là thiết bị bay được trang bị các hệ thống tinh vi như cảm biến đo khoảng cách LiDAR (Light Detection And Ranging) và RADAR để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra các va chạm không mong muốn. Những công nghệ hiện đại này chính là lớp “giáp bảo vệ vô hình” đảm bảo an toàn cho những chiếc Mk3 trong những tình huống tranh tài tốc độ nghẹt thở của một cuộc đua.
Alauda hiện đang sản xuất bổ sung thêm 10 chiếc Mk3 tại nhà máy ở bang Adelaide (Úc) để phục vụ cho cuộc đua. Hãng cũng cho hay các cuộc thử nghiệm thiết bị trước vòng đua chính thức sẽ diễn ra tại Úc trước khi màu giải bắt đầu. Phiên bản có người lái – Mk4 Airspeeder dự kiến sẽ xuất xưởng vào năm 2022, hứa hẹn sẽ tiếp tục nâng tầm cuộc đua khi có sự xuất hiện của các phi công quả cảm ngay trong buồng lái thay vì điều khiển từ mặt đất.