Trái với những lo lắng trước ngày đặt chân lên chiếc du thuyền Celestia sang trọng mang phong cách phinisi truyền thống của quốc gia vạn đảo, tôi thật sự mãn nguyện với trải nghiệm khó quên trong chuyến đi đặc biệt này. Phong cảnh đẹp như tranh vẽ của những hòn đảo hoang sơ, cảm giác thư nhàn trong cabin tiện nghi giữa biển xanh kỳ vĩ, thế giới thủy cung với những rặng san hô đẹp đến nghẹt thở, những bữa ăn chuẩn sao Michelin, và sự tiếp đón nồng hậu của thủy thủ đoàn Celestia... - tất cả đã mang đến cho tôi một cảm giác vô cùng choáng ngợp.
Hải trình trong mơ
Tôi trải qua hai chặng bay từ TP.HCM đến Bali và từ Bali đến Komodo kéo dài hơn 8 tiếng. Dù trải qua một ngày dài di chuyển và nối chuyến với tổng chặng bay hơn 5.500 cây số nhưng tôi vẫn cảm thấy hào hứng lạ thường khi được hít thở làn gió biển và lắng nghe tiếng nước róc rách từ hồ bơi riêng trong căn villa tại Sudamala Resort Komodo. Đêm đầu tiên cứ thế yên bình trôi qua để chuẩn bị cho một hành trình 4 ngày 3 đêm mà ngay cả tôi hay những người bạn đồng hành như Shermin, Teddy, John, David hay Sinna đều khó có thể mường tượng được.
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi gồm 6 người được hai anh em chủ tàu là Jason Tabalujan - một chuyên gia tài chính tại Jakarta, và Jasmine Chong, nhà thiết kế thời trang hiện đang sống và làm việc tại New York - chào đón đến với “đứa con tinh thần” của họ vừa được hạ thủy hồi 5/2023.
Theo chia sẻ của Jasmine, Celestia (có nghĩa là “thiên đường” trong tiếng La-tinh) đã ra đời trong mùa đại dịch với ý tưởng về những chuyến du ngoạn cùng những người thân yêu. Mang phong cách phinisi - một kiểu tàu chở hàng truyền thống của Indonesia từ thế kỷ 17 - Celestia được thiết kế tùy biến với chiều dài 45 mét cùng 7 cabin (1 phòng stateroom lớn nhất, 4 phòng đôi và 2 phòng đơn) tiện nghi cho 14 khách ở cả khoang trên và dưới cùng với không gian cho thủy thủ đoàn gồm 17 người.
“Nàng thơ” của biển được tạo nên theo phương pháp thủ công bởi các nghệ nhân đóng thuyền của Bulukumba với tay nghề tinh thông lưu truyền qua hàng thế kỷ, cộng hưởng cùng quy trình hiện đại hóa từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Chiếc du thuyền “của người Indonesia và do người Indonesia thực hiện, từ ý tưởng, thiết kế đến thi công” hoàn toàn khác biệt với những xuất phẩm tương tự do người nước ngoài làm chủ đang hoạt dộng trên khắp vùng biển của Indonesia như Amandira, Dunia Baru và Vela... Điều thú vị là hai nghệ nhân tham gia đóng chiếc du thuyền Celestia - Herry và Andi - cũng trở thành thành viên thủy thủ đoàn.
Trong khi ngoại thất phản ánh truyền thống đóng tàu hàng thế kỷ thì nội thất lại hướng đến những tiện nghi đương thời. Các phòng tắm riêng trong mỗi cabin đều có bộ làm ấm ghế và nội thất Villeroy & Boch. Các cabin ở tầng trên có cửa sổ kính từ trần đến sàn và ban công riêng với tầm nhìn toàn cảnh. Không gian cabin được tô điểm bằng sắc xanh dịu, đá tự nhiên và mây tre đan mang tông màu đất, nhấn nhá bằng các chi tiết đồng thau sang trọng. Đặc biệt toàn bộ miếng trải đầu giường và áo choàng ngủ đều do Jasmine tự tay thiết kế với chất liệu và họa tiết trang nhã mang đậm bản sắc văn hóa Indonesia.
Đặc biệt, từ những ý tưởng nội thất du thuyền của nhà thiết kế danh tiếng Deirdre Renniers (Cape Town), hai anh em Jason và Jasmine đã có cơ hội tôn vinh tài năng và nguồn nguyên liệu dồi dào của Indonesia, thông qua việc đặc hàng sản phẩm của các nghệ nhân người Bali và nguồn cung ứng đồ nội thất từ các nhà thiết kế mới nổi trong nước.
Ẩm thực tôn vinh nguyên liệu tươi ngon địa phương và công thức truyền thống quốc gia cũng là điểm nhấn của Celestia. Từ những bữa sáng ngon miệng, bữa trưa thịnh soạn, đến những bữa tối đáng nhớ, cách tiếp cận đặc trưng của Bếp trưởng điều hành Wayan Kresna Yasa vang danh thế giới đã kết hợp liền mạch các công thức và hương vị di sản với sự đổi mới trong ẩm thực đương đại.
Đại dương kỳ ảo
Ngay ngày đầu tiên, Jennifer, nhân vật quan trọng thứ hai chỉ sau thuyền trưởng Dining, đã tập hợp toàn bộ cánh nhà báo chúng tôi ở khu vực saloon (không gian giải trí chung) để phổ biến nội quy cùng lịch trình trong mấy ngày tới. Giờ đây ngẫm lại tôi vẫn nhớ như in cảm giác con tàu với những cánh buồm trắng uy nghiêm ấy đã đưa chúng tôi rong ruổi qua những vùng biển dịu êm của những ngày tháng 7 đầy nắng đẹp cùng với các hoạt động kỳ thú.
Đó là cảm giác lần đầu lặn ống thở ở khu vực đảo Padar khi “thầy giáo” Murry, cách tôi gọi vui vị trưởng bộ phận thám hiểm/khám phá của Celestia, tập cho tôi cách hít thở và quen dần với cặp chân vịt nặng trĩu.
Khó có thể tả bằng lời về khung cảnh tại dải san hô trải dài hơn 2 cây số ở Karang Makassar, địa điểm nổi tiếng và đáng phải ghé thăm nhất tại Công viên quốc gia Komodo. San hô đủ sắc màu và thiên hình vạn trạng, khi tua tủa như những dãy hàng rào, lúc tròn bung như những lớp lá xếp chồng lên nhau hay cũng có khi lại cuộn xoắn như những bông hoa ly e ấp. Bỗng tôi giật mình khi song hành bên phải mình là một chú rùa xanh (hay còn gọi là đồi mồi dứa) - một loài thuộc họ vích di cư giữa những vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới như Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Dáng bơi khoan thai và uy nghiêm của sinh vật biển kỳ diệu ấy cho tôi một cảm giác thiền tịnh khó tả, như thể mọi buồn lo, sầu muộn của thế giới ngoài kia không hề tồn tại.
Chú rùa ngoi lên mặt nước rồi lại thong dong trở lại vỉa san hô, cứ thế trong hai lần, như để thu hút sự chú ý của những vị khách còn ngồi trên thuyền chưa dám thử sức. Murry chỉ cho tôi con hải sâm to sụ đen tuyền đang nằm sát đáy biển, và cả chú cá Napoleon oai vệ với chiếc bướu trên trán gợi nhớ về chiếc mũ của vị hoàng đế Pháp. Thế nhưng, “ngôi sao” mà chúng tôi chờ đợi mãi vẫn không thấy xuất hiện. Manta hay loài cá đuối khổng lồ có lẽ đang ẩn mình đâu đó vì không muốn cho những kẻ hâm mộ dễ dàng diện kiến dung mạo mình.
Ngoài những ngày tuyệt đẹp với biển êm và nắng vàng, tôi còn nhớ như in những đêm sóng xô cuộn trào, gào thét như muốn thị uy những kẻ lần đầu vượt biển. Không rõ có phải nhờ các “chiêu thức” mát-xa đầu và gáy của Herry, hay ấm trà gừng của Roni, nhân viên pha chế dày dặn kinh nghiệm tại nhiều tập đoàn du lịch, mà tôi đã dễ dàng vượt qua cơn say sóng tơi bời của đêm đầu tiên trên tàu một cách ngoạn mục đến vậy. Một trải nghiệm thật đáng nhớ!
Đếm sao ở Komodo
“Chòm sao Thần Nông kia kìa”, Jasmine reo lên khi mở một ứng dụng thiên văn trên điện thoại. Tôi dõi theo tay cô ấy rồi lặng im ngắm nhìn. Bầu trời đêm ở đây không giống bất kỳ nơi nào mà tôi từng thấy. Một bầu không gian huyền hoặc với những ngôi sao như chiếc trâm cài lấp lánh trên lớp vải đen tuyền của tạo hóa. Thật trùng hợp khi Jasmine cũng là một cô gái mang cung Bò Cạp, vừa kín đáo nhưng cũng vừa hoạt ngôn.
Vào đêm thứ hai, khi Celestia đang dong buồm từ Padar về Rinca, Jennifer thông báo với chúng tôi về một sự kiện đặc biệt: những con cáo bay (flying fox) hay loài dơi quạ lớn nhất thế giới sắp bay về hang lúc hoàng hôn. Cả nhóm nhanh chóng tập hợp ở boong thượng vừa nhâm nhi cocktail vừa ngóng trông về phía chân trời. Khi cả bầu trời và mặt biển bắt đầu hòa thành một sắc xám đen như một bức tranh thủy mặc tôn vinh mặt trời trong sắc đỏ cam quyến rũ cũng là lúc hàng nghìn chú dơi sải cánh bay về. Khoảnh khắc ấn tượng đến nỗi ai nấy đều há hốc sửng sốt trong khi máy ảnh hoạt động liên hồi như lo sợ khoảnh khắc này sẽ biến mất mãi mãi. Sau màn trình diễn ấn tượng của binh đoàn cáo bay ấy, thiên nhiên Komodo lại khoản đãi chúng tôi bằng trời sao rực rỡ, thậm chí còn ấn tượng hơn cả đêm đầu tiên, khi tôi và Jasmine mãi xuýt xoa về vẻ đẹp kỳ vĩ ấy. Chúng tôi cứ thẫn thờ mãi như vậy trên nền ca khúc Fly me to the moon của Tony Bennett. Không biết sự thẫn thờ này là vì vẻ đẹp của ánh sao kia hay nỗi tiếc thương trong ngày danh ca tạ thế.
Đêm đầy sao thứ ba của chúng tôi trên đảo Kelepon là đêm cuối cùng với bữa tiệc BBQ cùng toàn bộ thủy thủ đoàn. Dư vị của những món ngon mà bếp trưởng Wayan cùng ê kíp thực hiện ngay trên bãi biển như vẫn còn đọng trên đầu lưỡi. Chứng nhân duy nhất của buổi đêm hôm ấy là ánh trăng tan trên sóng nước và dải ngân hà kỳ ảo, lung linh.
Trong một khoảnh khắc nào đó, phong cảnh biển khơi của xứ vạn đảo khiến tôi chợt nhớ đến quê nhà - dải đất hình chữ S với bờ biển dài và những vịnh biển đẹp đến nghẹt thở. Những hòn đảo tuyệt đẹp của Việt Nam như Phú Quốc, Cô Tô, Côn Đảo, Lý Sơn, Nam Du, Bình Ba, Phú Quý, Kỳ Co... không thua kém gì Bali hay Komodo. Vấn đề là, làm thế nào để đưa du lịch biển đảo Việt lên bản đồ thế giới?