Chương trình mở cửa đón công chúng yêu nghệ thuật đến thưởng lãm từ ngày 22.07 đến 06.08.2023 tại số 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, Thảo Điền, Quận 2, TP. Thủ Đức, TP. HCM. Đây cũng là triển lãm chuyên đề đầu tiên Bảo tàng nghệ thuật Quang San thực hiện với vai trò đồng tổ chức và vận hành kể từ khi chính thức mở cửa vào tháng 06 năm nay.
Triển lãm hồi cố “Hoạ Duyên Tương Ngộ"
Có thể nói, sau 71 năm, kể từ triển lãm lần đầu tiên với 30 tác phẩm sơn mài tại Sài Gòn vào tháng 01.1952, người dân thành phố lại được dịp “tái ngộ” Trần Phúc Duyên trong một sự kiện văn hóa giàu màu sắc di sản.
Họa Duyên Tương Ngộ trưng bày gần 150 tác phẩm tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác của danh họa Trần Phúc Duyên kể từ khi ông tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 16 (1942-1945), mở xưởng tại Hà Nội (1948-1954), cho đến khi ông di cư sang Pháp (1954-1968), Thụy Sỹ (1968-1993), và mất tại đó. Xuyên suốt sự nghiệp, Trần Phúc Duyên đã có hơn 20 chương trình trưng bày lớn nhỏ ở cả Việt Nam và châu Âu, nhưng đây là triển lãm có quy mô phổ quát của cố họa sĩ với hầu hết các tác phẩm lần đầu ra mắt công chúng trong nước, với đủ loại chất liệu - từ sơn mài, lụa, khắc gỗ cho đến các phác thảo...
Không gian triển lãm gồm 2 tầng với tổng diện tích khoảng 600m2, giới thiệu các tác phẩm theo từng cụm chủ đề lớn, đi từ phức hình đến tối giản: Đời sống, Phong cảnh, Tĩnh vật và Tiểu cảnh, Thủy mặc và Thiền Họa, Trừu tượng, và Phúc niệm.
Sau khi Trần Phúc Duyên qua đời năm 1993, toàn bộ tác phẩm, tài liệu, sổ sách của ông được đóng thùng và lưu tại một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Bern, Thụy Sỹ. Trong 20 năm, di sản này bị ngủ quên, cho tới năm 2018 được hai nhà sưu tập Phạm Quốc Đạt và Lê Quang Vinh - gọi tắt là Phạm Lê - tình cờ khám phá. Và đây cũng là cái DUYÊN bắt đầu hành trình sưu tập độc lập của Phạm Lê Collection. Họ đã dành nhiều công sức để lần tìm thêm những manh mối về họa sĩ, gặp gỡ gia quyến của ông bên Pháp và Việt Nam để mở ra chuyến hồi hương kỳ diệu cho các tác phẩm nghệ thuật của cố họa sĩ.
Vì vậy, với những người tổ chức sự kiện văn hóa hiếm có này, cũng như với giới sưu tầm và cả công chúng yêu nghệ thuật, Họa Duyên Tương Ngộ có ý nghĩa như một triển lãm hồi cố.
"Là những người con xa quê, chúng tôi đã thật sự xúc động khi lần đầu đứng trước những sáng tác đậm tình quê hương của ông. Ngắm nhìn những bức tranh đang còn vương bụi thời gian, dần mở lại những ký họa được lưu trữ, lần giở những cuốn sổ tay của ông, chúng tôi thầm hứa sẽ đưa ông trở về với quê hương trong một ngày thật gần. Chúng tôi tin rằng những người yêu nghệ thuật và cái đẹp ở Việt Nam sẽ chào đón ông, để tâm hồn ông sau bao năm xa quê lưu lạc sẽ được bay lượn trên những cánh đồng lúa trĩu bông vùng Hà Tây xứ Đoài, ngắm nhìn Vịnh Hạ Long nơi ông và các bạn đồng lứa năm xưa cùng nhau đi thực tế lấy mẫu sáng tác, đắm mình dưới những đêm trăng tĩnh mịch, và hơn tất cả, để ông trở về với đất mẹ yêu thương.” – Phạm Lê cho biết lý do quyết định chia sẻ bộ sưu tập cá nhân với gần như là đầy đủ các cột mốc sáng tác quan trọng của họa sĩ Trần Phúc Duyên cho công chúng cùng thưởng ngoạn.
Chia sẻ khá nhiều tư liệu riêng tư & quý giá của Trần Phúc Duyên trưng bày tại Triển lãm lần này, cháu gái của cố họa sĩ - bà Trần Tường Vân - xúc động: “Tôi rất vui khi được trở lại Việt Nam và tham dự triển lãm ‘Họa Duyên Tương Ngộ’ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú tôi – họa sĩ Trần Phúc Duyên. Sự kiện cũng đánh dấu sự trở về của ông sau cả cuộc đời sống tại châu Âu. Đây cũng là cơ hội giới thiệu tới công chúng và những người yêu nghệ thuật Việt nam những sáng tác của ông tại Châu Âu. Tôi muốn cảm ơn Phạm Lê vì nếu không có niềm đam mê và nhiệt huyết của họ thì lễ kỷ niệm tuyệt vời này sẽ không thể được tổ chức“.