Montserrat, hòn đảo Caribê tuyệt mỹ – nơi ra đời hàng loạt album nổi tiếng thế giới – đã sẵn sàng để chào đón du khách.
Ebony and Ivory, Paul McCartney and Stevie Wonder Tug of War (1982)
Khi Paul McCartney đặt chân đến hòn đảo Montserrat ở Caribê vào năm 1981, an ninh là vấn đề ông quan tâm hàng đầu. Cecil Wade, một cư dân địa phương giờ là hướng dẫn viên và tài xế, nhớ lại đội vệ sĩ được trang bị đầy đủ vũ khí thuộc sở hữu của Paul McCartney. Nhưng cuối cùng, ông không giữ họ lại mà cho tiền rồi yêu cầu họ rời đi.
McCartney đến với Montserrat theo lời mời của George Martin – nhà sản xuất quý tộc kín tiếng có biệt danh là thành viên thứ 5 của The Beatles. Martin đã đến hòn đảo này vào cuối những năm 1970 khi đang đi tìm một nơi yên bình để xây dựng địa điểm mới cho studio AIR. David Lea, cư dân người Mỹ sống nhiều thập kỷ tại đây, vốn hiểu rất rõ về nhà sản xuất, cho biết Martin đã nhìn nhận cuộc sống theo từng giai đoạn, đầu tiên là Abbey Road và The Beatles. Sau đó là AIR.
Give Me the Reason, Luther Vandross Give Me the Reason (1986)
AIR Studios Montserrat chính là một phần của lịch sử. Elton John, Duran Duran, Rolling Stones, Stevie Wonder, Earth Wind & Fire, James Taylor, Jimmy Buffett, Eurythmics, Boy George và Sting đều đã có thời gian lưu trú tại đây để thực hiện thu âm.
Tuy nhiên, nơi gắn bó với các ngôi sao nhạc rock đã bị phá hủy – không phải bởi hỏa hoạn, mà do những cơn mưa như trút nước, và những dòng dung nham nóng chảy của núi lửa. Sau một phần tư thế kỷ của thảm họa kép đó, hòn đảo Caribê này đang dần trở lại thời vàng son. Lần này, tuy không còn gì sót lại của studio vang bóng một thời để thu hút những tên tuổi lớn của ngành âm nhạc đến với vùng đất này nữa nhưng ký ức tươi đẹp của lịch sử nhạc rock cùng vẻ đẹp tuyệt mỹ của Montserrat vẫn khiến du khách không thể chối từ.
Walk of Life, Dire Straits Brothers in Arms (1985)
Danny Sweeney, người từng là huấn luyện viên lướt sóng và giờ là chủ quán bar tại địa phương, nhớ lại bữa tiệc gần 40 năm trước khi ông sải bước trên sàn cùng bạn nhảy là vợ và bạn gái của giới văn nghệ sĩ. Vài ngày sau, Mark Knopfler – ca sĩ chính kiêm tay chơi guitar của Dire Straits – đã gọi Sweeney vào phòng thu rồi chơi một đoạn ca khúc mới – mà theo Sweeney được lấy cảm hứng từ chính bước nhảy của mình. Đó là ca khúc “Walk of Life”.
Một điều bất ngờ khi album Brothers in Arms của Dire Straits đã bán được hơn 30 triệu bản trên toàn thế giới và lọt top 50 album bán chạy nhất mọi thời đại.
I’m Still Standing, Elton John Too Low For Zero (1983)
James “Scriber” Daley, một nhân viên bảo vệ tại công viên địa phương, có những kỷ niệm đặc biệt đáng nhớ về Elton John – người đã đến thăm hòn đảo vô số lần. Daley kể lại rằng, Elton John thường đến đây dạo chơi. Vào một ngày chủ nhật nọ có tin đồn rằng Elton John hiện đang ở đây, vậy là tất cả mọi người đều tìm đến. Cảm động trước sự chào đón nồng nhiệt của mọi người, John đã đề nghị bartender tính toàn bộ chi phí ăn uống ngày hôm ấy vào hóa đơn của mình. Nhạc sĩ Sting cũng vô cùng mê đắm hòn đảo này khi thu âm các album solo tại đây sau khi nhóm The Police tách ra và đồng thời thuê một căn nhà để tận hưởng kỳ nghỉ cùng vợ con.
Calm Before the Storm, Sheena Easton Take My Time (1981)
Tuy nhiên, nhìn vào những gì còn sót lại của AIR ngày nay, người ta khó lòng mà hình dung ra được những câu chuyện ký ức. AIR giờ đây đã trở thành một đống đổ nát hoang tàn sau thảm họa kép xảy ra trên đất nước này vào thời điểm ba thập kỷ trước. “Kẻ huỷ diệt” đầu tiên – cơn Bão Hugo năm 1989 – đã quét qua đất nước này với sức tàn phá trên diện rộng. Một người dân địa phương đã ước tính rằng gần 95% nhà cửa đều bị tốc mái. Riêng với AIR, tòa nhà với thiết kế giống như boong ke này được xây dựng nhằm mục đích chống chọi với mọi thiên tai khi sở hữu những bức tường bê tông dày và chắc chắn. Tuy nhiên, việc mất điện khiến nhiệt độ và độ ẩm tàn phá studio nghiêm trọng. Danny Sweeney kể lại, khi Martin đến để kiểm tra thiệt hại vài tuần sau đó, các phím đàn piano hoàn toàn bị nấm mốc bao phủ. Lúc bấy giờ họ không có đủ chi phí để khôi phục lại studio, hay nói đúng hơn là việc khôi phục cũng trở nên vô nghĩa. Vào cuối thập niên 80, ngân sách của các công ty thu âm đã bị thu hẹp khi công nghệ hiện đại ngày càng chiếm ưu thế. Martin từng trả lời David Lea trong tuyệt vọng: “Không còn đường nào cho AIR. Giờ đã là thời của kỹ thuật số rồi”.
Rock and a Hard Place, Rolling Stones Steel Wheels (1989)
Martin vẫn xoay sở để mở một studio AIR mới ở Anh – nơi cũng đã trải qua một thảm họa 6 năm sau đó. Ngọn núi lửa Soufrière Hills ngự trị ở trung tâm phía tây nam của đất nước vốn lâu nay không bao giờ hoạt động và thi thoảng chỉ tạo ra một vài âm thanh sục sôi. Tuy nhiên, một vụ phun trào cực lớn đã diễn ra vào mùa hè năm 1997. Mười chín người dân đã thiệt mạng, và hơn 2/3 đất đai của Montserrat bao gồm tất cả đất nông nghiệp màu mỡ cũng như thủ đô thịnh vượng Plymouth đã bị chôn vùi bên dưới lớp tro bụi và dung nham.
Ngày nay, du khách có thể dạo bước trên con đường rải đầy đá cuội để tận mục sở thị những tàn tích còn sót lại của Plymouth. Nơi đây vẫn còn lác đác những tòa nhà ba tầng nằm nhô ra khỏi mặt đất, bên trong chứa đầy dung nham nóng chảy một thời. Khi bước vào khu vực giới hạn, du khách có thể thấy đường sá trở nên gồ ghề hơn và không khí dần bốc mùi lưu huỳnh. Đứng ở khu thương mại cũ, hướng dẫn viên Cecil Wade cho biết vụ phun trào mạnh đến mức khiến mọi người khi ấy phải bịt chặt mũi. Dung nham lan ra khắp mọi nơi và thiêu đốt hết tất cả mọi thứ nó chạm vào. Giờ đây, hoạt động duy nhất còn tồn tại ở nơi này chính là tiếng ồn từ những chiếc xe tải chở cát được khai thác từ tro núi lửa. Như một món quà hối lỗi từ núi lửa Soufrière Hills, loại cát này rất tốt cho việc xây dựng, do không chứa muối như cát biển. Như thể núi lửa đang cố gắng đền bù sau khi tàn phá hoàn toàn cuộc sống của người dân nơi đây.
Living in the Past, Midge Ure The Gift (1985)
Sau thảm họa, người dân được cấp quyền di cư và hộ chiếu miễn phí để sống tại Anh. Tuy đa số chọn cách rời đi nhưng vẫn có người kiên quyết ở lại như David Lea là một ví dụ điển hình. Những người dân Montserrat ngày nay có thể có hộ chiếu Anh, nhưng những người châu Âu đầu tiên ở đây lại là người Ireland, và hầu hết là công nhân lao động không hợp đồng bị trục xuất từ các đồn điền ở St. Kitts gần kể từ sau các cuộc nổi loạn. Văn hóa của họ vẫn còn hiện hữu cho đến tận ngày nay. Đặc biệt, ngày Thánh Patrick là một ngày lễ quốc gia tại Montserrat, quốc gia duy nhất ngoài lãnh thổ Ireland.
Hot Hot Hot, Arrow Hot Hot Hot (1983)
Những người Ireland nhập cư còn mang theo âm nhạc, vốn là một phần quý giá trong cuộc sống của Montserrat. Tình yêu của họ dành cho âm nhạc hòa quyện với truyền thống Phi châu đến từ lớp người nô lệ được đưa ra đảo để làm việc trên các nông trường mía. Âm nhạc ở đây kết hợp giữa truyền thống Celtic và châu Phi. Tuy nhiên, trong số những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của Montserrat phải kể đến Alphonsus Cassell – hay còn được gọi là Arrow. Ông và anh trai của mình đã viết ra bản nhạc nổi tiếng thế giới mang tên “Hot Hot Hot” ngay tại đảo.
Cody Greenwood, người từng đến Montserrat khi còn nhỏ, đã sản xuất bộ phim tài liệu mang tên Under the Volcano, kể về kỷ nguyên lẫy lừng của AIR Studios và những cống hiến của Arrow cho Montserrat.
Boat Drinks, Jimmy Buffett Volcano (1979)
Greenwood hy vọng bộ phim sẽ gợi sự tò mò của người xem về Montserrat và thu hút du khách đến thăm vùng đất này. Chính quyền địa phương cũng đã có kế hoạch để thu hút du khách quay lại nơi đây. Trong đó, họ tập trung vào Little Bay, một bến đỗ cho siêu du thuyền nằm gần mũi phía bắc của hòn đảo, đồng thời gần trung tâm chính trị và thương mại mới của đất nước.
Spirits in the Material World, The Police Ghost in the Machine (1981)
Một điều chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều người hành hương đến AIR để kết nối với một thời kỳ đỉnh cao trong lịch sử âm nhạc. Tuy nhiên, Montserrat vẫn còn nhiều thứ để chiêm ngưỡng hơn là đống hoang tàn của những ngày xưa cũ. Đặc biệt phải kể đến vùng nông thôn của Montserrat cực kỳ xanh tươi, với những con đường mòn trải dài đến vô tận. Scriber Daley, một hướng dẫn viên cho các hành trình khám phá Montserrat, chính là người đồng hành lý tưởng. Trải nghiệm dạo bộ dưới tán rừng với anh quả là đáng nhớ. Anh giữ một ngón tay cái lên môi, vừa mút vừa tạo hình các ngón tay của mình. Ngay sau đấy, hàng đàn chim bay về tụ hội líu lo trên tán cây ngay trước mặt như phản hồi cho hành động của Daley.
Bất chấp thảm họa quá khứ, văn hóa của hòn đảo này vẫn còn vẹn nguyên. Ngoài ra, nguy cơ trộm cướp hầu như không bao giờ xảy ra. Đảo Montserrat được trang bị những chiếc camera trị giá hàng triệu USD và người dân sẽ chẳng bao giờ phải lo lắng về việc nhà mình đã khóa hay chưa. Cư dân tại đây có câu: “Đừng để nỗi lo âu đè nặng đôi vai. Tại Montserrat, bạn chẳng cần lo nghĩ về bất kỳ điều gì cả”.