Nhấn mạnh sự kết nối bẩm sinh của con người với thiên nhiên, triết lý thiết kế biophilic đang định hình lại sự xa xỉ bằng cách tích hợp các yếu tố tự nhiên vào không gian sống hiện đại. Trong nhịp sống hối hả ngày nay, thiết kế biophilic không chỉ là một xu hướng, mà còn là sự chuyển mình căn bản nhằm tạo ra những môi trường thúc đẩy sự an lành, tự tại và sự kết nối sâu sắc hơn với thế giới tự nhiên.


Thiết kế biophilic cho không gian nhà ở

Casa-Atibaia - công trình tâm huyết của hai kiến trúc sư Charlotte Taylor và Nicholas Préaud - là một ngôi nhà tối giản nằm lơ lưng trên một con sông trong khu rừng nhiệt đới và được hỗ trợ bởi các khối đá nguyên khối.

Thiết kế biophilic đặt thiên nhiên ở trung tâm của các không gian sống, hòa quyện không gian bên trong và bên ngoài để tạo ra một sự kết nối liền mạch. Các bất động sản cao cấp ngày càng tích hợp các yếu tố tự nhiên như tường xanh, khu vườn trong nhà và cửa sổ rộng để đưa thiên nhiên vào bên trong.


Casa Atibaia – công trình tâm huyết của hai kiến trúc sư Charlotte Taylor và Nicholas Préaudngôi – là một nhà tối giản nằm lơ lửng trên một con sông trong khu rừng nhiệt đới và được hỗ trợ bởi các khối đá nguyên khối. Những cột trụ tự nhiên này tạo thành các bức tường cho phòng thay đồ và phòng tắm. Căn nhà được bao quanh bởi thảm thực vật để tạo ra một khoảng sân tự nhiên và cửa sổ kính trong suốt từ trần đến sàn, cho phép không gian trong nhà hòa quyện một cách trực quan với khung cảnh rợp bóng cây xanh xung quanh.


Dự án Eden ở Cornwall, Anh, là một ví dụ tiên phong khác về thiết kế ưa sinh học quy mô lớn. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Sir Nicholas Grimshaw, dự án bao gồm các mái vòm khổng lồ chứa các loài thực vật đa dạng từ khắp nơi trên thế giới. Các mái vòm hình đa giác không chỉ tạo ra một trải nghiệm tự nhiên toàn diện mà còn phục vụ như một trung tâm giáo dục thúc đẩy nhận thức về môi trường. Dự Án Eden cho thấy cách thiết kế ưa sinh học có thể nâng cao không gian công cộng và thúc đẩy kết nối sâu sắc hơn với thiên nhiên.

Cấu trúc của Club House tại The Park do MIA Design Studio thực hiện là sự xen kẽ thông minh giữa các khối kiến trúc, tạo nên sự tương tác tinh tế.

Bosco Verticale, hay còn được gọi là Cánh Rừng Thẳng Đứng ở Milan, là công trình mang tính cách mạng đối với thiết kế nhà ở đô thị của Stefano Boeri Architetti. Hai tòa tháp được bao phủ bởi hơn 9.000 cây xanh, tạo ra các không gian xanh theo chiều thẳng đứng giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm nhiệt đô thị. Dự án này cho thấy cách thiết kế ưa sinh học có thể giải quyết các thách thức môi trường đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị. Stefano Boeri, tác giả của công trình này, từng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp thiên nhiên vào môi trường đô thị. Ông cho rằng, thiết kế ưa sinh học không chỉ là những gì liên quan đến tính thẩm mỹ, mà còn tạo ra các hệ sinh thái chức năng trong các thành phố để cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe môi trường sống.


Tại Việt Nam, nhiều nhà phát triển bất động sản đang áp dụng thiết kế ưa sinh học cho các dự án của mình để mang con người đến gần hơn với thiên nhiên. Những toà tháp xanh như Solforest tại Ecopark với hơn 400 khu vườn nhiệt đới giữa mây trời cùng tầm nhìn bao trọn vịnh đảo và sông Hồng hay các đô thị xanh như Gamuda City (Yên Sở, Hà Nội); Celadon City (Tân Phú, TP.HCM); Eaton Park (Mai Chí Thọ, TP.HCM) đang tạo nên chuẩn mực mới cho thị trường bất động sản cao cấp. Sự tôn trọng thiên nhiên được các nhà phát triển bất động sản thể hiện ở tiêu chí “xanh hóa” đô thị với cách trồng cây trong vườn ươm, nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng.


Theo kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh – nhà sáng lập MIA Design Studio, thương hiệu theo đuổi triết lý thiết kế biophilic – một công trình xanh thực thụ đồng nghĩa với việc không sử dụng vật liệu tiêu thụ năng lượng và không tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng.


Công trình Club House The Park (TP. Vinh) do MIA Design Studio thiết kế là một ví dụ xuất sắc về cách ứng dụng thiết kế biophilic để kiến tạo môi trường sống sinh thái, bền vững nhưng sang trọng. Bố cục của công trình là sự xen kẽ thông minh giữa các khối kiến trúc, tạo nên sự tương tác tinh tế. Thêm vào đó, các kiến trúc sư cắt thêm khoảng trống phía đầu đồi để tạo nên không gian thoáng đãng và chiếu sáng tự nhiên cho công trình kiến trúc nhiệt đới này. Mặt tiền kiến trúc của The Park được thiết kế một cách tỉ mỉ và tinh tế. Các lát cắt không chỉ tạo điểm nhấn mạch lạc cho hình khối, mà còn biến những khe hở này thành những dáng dấp của lồng đèn kết hợp với hiệu ứng soi bóng của mặt hồ, tạo nên vẻ cuốn hút vào ban đêm. Phương pháp này không chỉ giải quyết vấn đề chiếu sáng ban đêm mà còn giảm đến 2/3 lượng ánh nắng mặt trời vào ban ngày.


Xanh hóa không gian văn phòng, công sở

Sky House, ngôi nhà biết "thở" tại Q.2, do MIA Design Studio thiết kế.

Thiết kế biophilic được ứng dụng không chỉ cho không gian nhà ở như biệt thự hay căn hộ, mà còn cho cả các tòa nhà văn phòng, ngân hàng – nơi được mặc định là những khối bê tông cao tầng khô khan, cứng nhắc. Khi đặt chân đến khu phức hợp Springline ở Menlo Park, California, khách hàng sẽ có cảm giác như thể đang bước vào một khu nghỉ dưỡng cao cấp khép kín. Nhưng Springline không phải là khách sạn hay khu nghỉ dưỡng, mà là quần thể văn phòng làm việc được lấy cảm hứng từ các khách sạn boutique với nhiều tiện ích đẳng cấp.


The Amazon Spheres ở Seattle là một ví dụ thú vị khác với “khu rừng mưa” trong nhà gồm hơn 40.000 cây xanh từ khắp nơi trên thế giới. Thiết kế này phản ánh cam kết của Amazon đối với sức khỏe của nhân viên và các môi trường làm việc sáng tạo.


Bank of America ở Brooklyn, Hoa Kỳ hay Commonwealth Bank of Australia ở London có lẽ là hai trong số ít những ngân hàng “xanh” nhất thế giới xét về khía cạnh sinh thái. Những bức tường lớn phủ đầy cây xanh ở khu vực lễ tân cùng hệ cửa kính trong suốt từ sàn đến trần nhà giúp tối ưu hoá ánh sáng và tầm nhìn sẽ mang đến trải nghiệm thú vị cho khách hàng ngay khi họ bước chân vào cửa.


Mới đây, một chi nhánh của ngân hàng ACB nằm trên trục đường đông đúc thuộc thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của công chúng bằng kiểu thiết kế biophilic độc đáo. “Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay, chúng ta đang dần mất đi những mảng xanh vốn rất cần thiết cho môi trường sống. Trong những đô thị nén đó, chúng ta đang phải sống và làm việc trong những khối hộp bê tông hữu hạn về không gian, giới hạn về cảm xúc.” – kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Mạnh trăn trở.

Văn phòng chi nhánh ngân hàng ACB được thiết kế bởi MIA Design Studio.

Với mong muốn mang đến những không gian xanh hơn cho cả nhân viên ngân hàng lẫn khách hàng, đồng thời giúp tạo ra sự gắn kết bền chặt giữa con người với tự nhiên, các kiến trúc sư của MIA Design Studio đã mang thiên nhiên vào không gian làm việc bằng việc thiết kế nhiều khu vườn, giếng trời phân tán dọc theo chiều dài công trình. Theo đó, các hoạt động giao dịch và làm việc sẽ được tổ chức xoay quanh các khu vườn này. Đồng thời những hố sáng từ ô kính giếng trời sẽ phân bổ ánh sáng tự nhiên đồng đều suốt từ trước ra sau mang đến sự sáng sủa và thoải mái cho người sử dụng. Thiết kế nhận diện thương hiệu cũng được vận dụng như một dải màu quang phổ ánh sáng, tạo nên những lớp kính màu để ngăn chia các không gian giao dịch một cách ước lệ.


“Văn phòng ngoài trời” của một vị Chủ tịch ngân hàng tại TP.HCM cũng đã phá vỡ quan niệm xưa nay về mô hình văn phòng làm việc truyền thống. Khi mở cửa thang máy, bạn sẽ đặt chân vào không gian của khu vực lễ tân và sảnh đợi, nơi được thiết kế với một vườn cây cảnh xinh xắn như một thông điệp thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà. Vật liệu chủ đạo sử dụng thể hiện sự chân thật của không gian tương phản với vẻ sắc lạnh của kim loại nhưng lại bổ trợ cho sự nhẹ nhàng và tinh gọn. Trong bố cục đó, cây xanh nghiễm nhiên trở thành điểm nhấn bắt mắt trong một bức tranh trung tính, nhẹ nhàng. Sự kết hợp của ánh sáng, bóng đổ, tiếng chim hót, và cả sự thay đổi của những tia sáng xuyên qua lá cây vào các thời điểm trong ngày từ buổi sáng đến tối, tất cả mang đến cho người trải nghiệm những cảm xúc dễ chịu, thoải mái và thân quen như ở nhà.