Từng bị hắt hủi trong ngành chế tác kim hoàn, kim cương nâu đang cho thấy sức hút riêng của mình.
Sức hút của kim cương quả là khó cưỡng. Nhưng có lẽ, trong hình dung của nhiều người, nói đến kim cương là nói đến những viên đá trắng tinh long lanh, biểu tượng của hôn nhân và tình yêu, đúng như câu slogan của De Beers: Kim cương là vĩnh cửu (Diamonds are forever). Vậy nhưng, giữa thế giới của những viên đá “hoàng hậu” ấy, liệu bạn đã biết về sự tồn tại của kim cương nâu – loại đá quý từng bị hắt hủi trong ngành chế tác kim hoàn bởi vẻ quê mùa, thô kệch đang bắt đầu được giới siêu giàu để mắt đến?
Vịt và thiên nga
Có thể nói, trong suốt chiều dài lịch sử của ngành khai thác và kinh doanh kim cương trên thế giới luôn tồn tại một ranh giới rất rõ ràng giữa “thiên nga” và “vịt”. Nếu như kim cương trắng hay kim cương hồng mang ánh hào quang rực rỡ của thiên nga và được tô vẽ thành biểu tượng của hôn nhân và tình yêu, là vũ khí tối hậu của đàn ông và niềm khát khao cháy bỏng của đàn bà, thì kim cương nâu chính là những chú vịt mang thân phận hẩm hiu, buồn tẻ.
Trong gần 100 năm thống soái ngành khai thác kim cương, De Beers đã tìm cách o bế để loại đá thuộc hàng chiếu dưới này không xuất hiện trong lĩnh vực chế tác kim hoàn cao cấp. Trong khi “thiên nga” kiêu hãnh khoe vũ điệu bất hủ của mình trước ánh mắt thèm thuồng của giới thượng lưu toàn cầu thì đàn “vịt” chỉ loanh quanh vũng nước: Tất cả những viên kim cương màu mà De Beer khai thác hoặc mua lại từ các mỏ khác đều được đưa vào sử dụng cho mục đích công nghiệp như sản xuất vật liệu mài mòn trên bánh xe cắt, mũi khoan, vòng bi máy, dụng cụ cắt kính và bột mài… Được khai thác trên khắp các lục địa, nhưng hầu hết lượng kim cương nâu tập trung tại mỏ Argyle thuộc tập đoàn Rio Tinto ở Perth, Tây Úc với tỷ lệ lên đến 80%.
Sau đó, vào những năm 1980, do lượng kim cương nâu khai thác được tại mỏ Argyle ngày càng nhiều, chủ sở hữu mỏ đã nảy ra một ý tưởng táo bạo. Thay vì bán kim cương nâu mà mình khai thác được cho De Beers để lấy một khoản tiền nhỏ, họ đã chuyển chúng đến Ấn Độ, nơi lực lượng nhân công giá rẻ giúp cắt thành những viên đá quý có kích thước siêu nhỏ, và đưa vào chế tác trang sức. Kim cương nâu có những sắc thái chính như nâu sâm-panh, nâu cognac, và nâu chocolate. Màu càng sẫm, kim cương nâu càng có giá. Sau đó, những nhà kim hoàn khác bổ sung thêm các sắc thái mới như màu đinh hương, cà phê, caramel, cappuccino, mocha, espresso, màu quế và thậm chí cả màu thuốc lá.
Hào quang ngắn ngủi
Vào năm 1937, một viên kim cương màu nâu vàng 65,7 carat đã được trưng bày tại Paris World Fair. Sau triển lãm này, viên kim cương đã được đưa đến trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ. Năm 1991, viên kim cương này được bán với giá chỉ 1,3 triệu USD, thấp hơn nhiều so với những viên kim cương trắng hoặc hồng cùng kích thước và chất lượng.
Baumgold Bros., một nhà nhập khẩu trang sức cao cấp hàng đầu trong thập niên 1950 và 1960, đã thâu tóm nhiều viên kim cương nâu, trong đó có viên Earth Star nổi tiếng với trọng lượng 111,59 carat. Chiếc nhẫn đính hôn kim cương nâu Lesentine III của Jackie Kennedy được định giá 600.000 USD và được bán với giá 2,3 triệu USD tại phiên đấu giá của Sotheby’s vào năm 1994.
Năm 1987, một viên kim cương nâu 0,95 carat đã được bán đấu giá tại Christie’s với giá gần 1 triệu USD. Mức giá này cho một viên kim cương có trọng lượng chưa đến một carat đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của truyền thông quốc tế, báo trước sự khởi đầu của kỷ nguyên “Fancy Diamond Era” (Thuật ngữ Fancy diamond hàm ý chỉ chiều sâu sắc thái của những viên đá này, chỉ một trong số 1.000 viên kim cương được gọi là fancy).
Tại triển lãm nghệ thuật Art Basel 2001, nhà thiết kế người Ý Pasquale Bruni đã khiến giới mộ điệu sửng sốt bởi một viên kim cương nâu có vẻ đẹp khác thường. Và cũng có thể đã quá nhàm chán với kim cương trắng, giới siêu giàu đang có xu hướng muốn tìm kiếm và săn lùng những viên kim cương có màu sắc khác lạ. Đó là lý do quan trọng đẩy giá trị của kim cương màu lên cao.
Mặc dù trở nên phổ biến nhờ những sự kiện như vậy song kim cương nâu vẫn không mấy được ưa chuộng. Sự nhầm lẫn về tên gọi, nhận thức mù mờ và nếu có cũng không mấy tích cực cùng mức giá thấp (trong khi kim cương trắng có giá dao động trong khoảng 2.000-60.000 USD/carat thì những viên kim cương nâu lớn nhất và hoàn hảo nhất chỉ có giá trung bình 8.000 USD/carat) có lẽ là những nguyên nhân chính khiến loại đá quý này bị “hắt hủi” trong ngành chế tác kim hoàn.
Đi tìm danh phận
Có lẽ kim cương nâu sẽ mãi mãi gắn với vị thế chiếu dưới nếu không có nỗ lực tiếp thị của cả các tập đoàn khai thác như Argyle lẫn những thương hiệu tiên phong như Le Vian® hay Pomellato. Ở một khía cạnh nào đó, có thể trong thế giới của những thứ quá hoàn hảo, một món đồ mộc mạc lại có sức hút riêng. Và kim cương nâu mang vẻ đẹp bình dân đó, với một sức hút riêng. Từng bị hắt hủi trong ngành chế tác trang sức, tuy nhiên, trong những năm gần đây, kim cương nâu đang trở thành loại đá quý được giới nhà giàu ưa chuộng.
Năm 2000, LeVian® đã đăng ký nhãn hiệu chocolate diamond để giới thiệu dòng trang sức kim cương nâu của mình với mục tiêu tạo ra cảm xúc khao khát kim cương nâu tương tự như cách họ mong muốn món tráng miệng sô-cô-la.
Le Vian® đã hợp tác với Signet Jewelers để quảng bá kim cương nâu của mình và trích gần 7% doanh thu cho hoạt động tiếp thị, bao gồm quảng cáo truyền hình, tìm kiếm trên Internet và hàng trăm mẫu quảng cáo trên báo và tạp chí giấy có chọn lọc. Nhờ đó, giá trị nhận diện thương hiệu Le Vian® đã tăng lên đáng kể.
Pomellato, thương hiệu trang sức được Pino Rabolini thành lập vào năm 1967 tại Milan, đang giới thiệu các món trang sức từ kim cương nâu trong bộ sưu tập Nuvola 2018 và được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận. Ra mắt vào năm 2018, Nuvola là BST trang sức độc đáo với một viên kim cương nâu được bố trí bên trong một quả cầu vàng hồng có hình dạng lạ thường. Bộ sưu tập được mở rộng trong năm 2020 với nhẫn, hoa tai và mặt dây chuyền gắn kim cương nâu.
Có vẻ như giữa một rừng thiên nga lộng lẫy, một chú vịt mang vẻ đẹp khiêm nhường lại trở nên nổi bật nhờ màu sắc không mấy “quý tộc” của mình.