Kể từ thời điểm các nhà khoa học phát hiện ra khả năng chế tác kim cương tổng hợp vào năm 1954, loài người đã tốn nhiều giấy mực để tranh cãi về chúng. Chúng ta quan tâm về việc liệu một viên đá nhân tạo có giống với một viên đá được tạo ra bởi hiện tượng địa chất hay không – bởi xét cho cùng, cả hai đều giống nhau về mặt hóa học và không thể phân biệt được bằng mắt thường. Những viên đá nhân tạo dường như luôn giải quyết được một số yêu cầu về đạo đức và môi trường, trong khi loài người chúng ta lại thích những thứ quý hiếm. Nói cách khác, đó là một cuộc tranh luận về việc liệu kim cương có còn giữ được vầng hào quang “mãi mãi” hay không nếu tất cả mọi người đều có thể sở hữu.

Nhưng thị trường dường như là trọng tài cho mọi quyết định, ít nhất là khi nói đến đồ trang sức. Allied Market Research đã định giá ngành công nghiệp kim cương tổng hợp ở mức 24 tỷ USD tính đến năm 2022, nhưng vào tháng 5, De Beers - một thương hiệu lâu năm ủng hộ kim cương nhân tạo - đã thông báo rằng phòng thí nghiệm nhánh Lightbox của họ sẽ vĩnh viễn giảm giá từ 800 USD xuống 500 USD cho mỗi carat kim cương. Sandrine Conseiller, Giám đốc điều hành của De Beers Brands, cho rằng việc điều chỉnh này là do “khối lượng cung cấp trực tuyến lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ” và cho biết quyết định này “phản ánh những xu hướng rộng hơn mà chúng tôi đang thấy trong lĩnh vực kim cương nhân tạo”.

Cuối tháng đó, tại sự kiện thương mại JCK Show ở Las Vegas, De Beers ra thông báo về chiến lược mới Origins kéo dài 5 năm, nhằm “tăng giá trị và khơi dậy niềm đam mê đối với kim cương tự nhiên”. Là một phần trong kế hoạch đó, công ty con Element Six của tập đoàn, chuyên phát triển kim cương tổng hợp, sẽ ngừng mọi hoạt động sản xuất đồ trang sức để tập trung hoàn toàn vào các ứng dụng công nghiệp.

Vậy liệu ngành công nghiệp kim cương tổng hợp đã kết thúc chưa? Helen Molesworth, chuyên gia phụ trách mảng trang sức cao cấp tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London, đồng thời là tác giả của cuốn Precious: The History and Mystery of Gems Across Time, ngưỡng mộ cách công nghệ “làm cho một trong những vật liệu được kính trọng nhất mọi thời đại có thể tiếp cận được với tất cả mọi người” nhưng cũng lưu ý rằng “chất tổng hợp không đáp ứng được định nghĩa truyền thống về đá quý, vốn phải đạt được ba tiêu chí khác nhau: vẻ đẹp, độ bền và độ hiếm. Những viên kim cương được tạo nên trong phòng thí nghiệm rõ ràng là đẹp và bền, giống hệt như những viên kim cương tự nhiên, nhưng không đáp ứng tiêu chí về sự quý hiếm. Chính yếu tố “nhân tạo” – tức được tạo ra bởi con người chứ không phải bởi tự nhiên - đã khiến kim cương nhân tạo mất đi vẻ lấp lánh, ma thuật của chúng.” Đó là chưa kể đến một thực tế rằng đá tổng hợp đòi hỏi lượng năng lượng đáng kinh ngạc để tạo ra, và theo Conseiller, “phần lớn kim cương tạo ra trong phòng thínghiệm được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ bằng cách sử dụng điện dựa trên nhiên liệu hóa thạch,” - nghĩa là một trong những lợi ích về môi trường được cho là của việc lựa chọn kim cương tổng hợp phần lớn đã bị bỏ qua.

Liệu kim cương có còn giữ được vầng hào quang “mãi mãi” hay không nếu tất cả mọi người đều có thể sở hữu?


Tuy nhiên, một viên kim cương, dù được sản xuất như thế nào, vẫn có những lợi ích vật chất đáng chú ý. Đó là chất tự nhiên cứng nhất trên Trái đất - ngay cả những sáng tạo công nghệ cao như siêu kim cương, cũng không thể cải thiện được nhiều về nó - và không thể phủ nhận là có sức hấp dẫn đối với mắt người. Ngoài ra, những viên đá nhân tạo có thể được chế tác về mặt vật lý theo những cách mà đá “thật” không thể làm được. Chỉ cần lấy chiếc đồng hồ bấm giờ TAG Heuer Carrera Plasma với những viên kim cương có hình dạng bất thường được tích hợp trên mặt số và vạch chỉ giờ, trong khi núm vặn là một viên kim cương nhân tạo hoàn hảo. Có lẽ những gì ngành chế tác kim cương nhân tạo cần là ít sự ép buộc hơn và nhiều sự khéo léo hơn.

Amish Shah, chuyên gia của thương hiệu kim cương ALTR, cho biết một khách hàng đã yêu cầu trợ giúp thiết kế mui xe cho một chiếc ô tô tùy chỉnh có đèn laze bên trong: “Họ muốn những viên kim cương nhân tạo màu xám và đen phù hợp với màu của trần xe để khi đèn được bật, sẽ có hiện tượng khúc xạ khắp cabin”. Hoặc lấy ví dụ về Future Rocks, thương hiệu mới ra mắt phiên bản Blondie với viên kim cương nhân tạo màu hoàng yến. “Đây là những thứ mà chúng tôi tin rằng kim cương và đá quý nhân tạo nên hướng tới,” - Anthony Tsang, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty, chia sẻ.

Chúng ta quan tâm về việc liệu một viên đá nhân tạo có giống với một viên đá được tạo ra bởi hiện tượng địa chất hay không – bởi xét cho cùng, cả hai đều giống nhau về mặt hóa học và không thể phân biệt được bằng mắt thường.


“Hiển nhiên, sẽ có sự tách biệt giữa hai ngành xét về mặt tiền bạc và cảm xúc” - Molesworth dự đoán. Vậy tại sao không kết hợp những viên kim cương nhân tạo vào đồ nội thất, ô tô, và du thuyền? Chúng ta đang sống trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo hứa hẹn (hoặc đe dọa) sẽ khơi dậy mức độ sáng tạo cao nhất của con người chỉ trong vài phút. Nhưng bản thân A.I. và những viên kim cương được tạo ra trong phòng thí nghiệm là sản phẩm của sự khéo léo của con người, có nghĩa là việc sử dụng chúng cũng là mục đích của chúng ta.

“Chúng ta đeo đá quý để nói lên điều gì đó về bản thân – mình là ai, có đẳng cấp và vị trí nào trong xã hội, chúng ta tin tưởng vào điều gì, và những gì quan trọng nhất đối với bản thân,” - Molesworth nêu quan điểm. Điều đó chắc chắn sẽ tiếp tục đúng, nhưng trong một thế giới mà sự khan hiếm là một vấn đề đã được giải quyết bằng công nghệ, thay vào đó, những gì chúng ta có thể phô diễn bằng kim cương lại là một thứ thậm chí còn quý giá hơn: trí tưởng tượng của chính mình.