Đó là trận đấu thứ năm của trận chung kết NBA 1997. Mồ hôi nhễ nhại và có lúc đã phải dựa vào người Scottie Pippen để lấy lại thăng bằng, Michael Jordan vẫn dành được 38 điểm trong khi đang bị ốm.
Sau đó, khi đang chuẩn bị truyền tĩnh mạch trong phòng thay đồ, MJ nhét đôi tất ẩm vào đôi Air Jordans màu đen của mình và đưa chúng cho một cậu bé nhặt bóng đang phấn khích.
16 năm sau, cậu bé nhặt bóng ngày nào đem bán đôi giày có chữ ký của Jordan với giá 104.765 USD trong một cuộc đấu giá. Con số này đã thu hút sự chú ý của truyền thông vào thời điểm đó, rất lâu trước khi giá kỷ vật thể thao tăng ngoạn mục thời hậu đại dịch. Nếu được đầu tư vào S&P 500 năm 2013, giờ đây, số tiền này có thể cán mốc 351.000 USD! Nhưng ngoạn mục hơn, đôi giày Jordans đã được bán đấu giá vào tháng 6 với giá 1,38 triệu USD!
Từng gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các vận động viên nổi tiếng, kỷ vật thể thao đang nổi lên như một mảng đầu tư hấp dẫn, giống như thị trường nghệthuật.Giá các kỷ vật thể thao đã tăng chóng mặt, khiến nhiều người trong thế hệ Baby Boomer tiếc nuối những bộ sưu tập thẻ bóng chày từng bị các bậc phụ huynh ném vào thùng rác. Anthony Giordano - người có mẹ ném tất cả những tấm thẻ bóng chày vào thùng rác khi anh gia nhập Lực lượng Không quân vào năm 18 tuổi - bắt đầu xây dựng một bộ sưu tập mới với hai cậu con trai và hiện đang điều hành một công ty xử lý chất thải rắn ở New Jersey. Năm 1991, trước sự thúc giục của cậu con trai 14 tuổi Ralph, Giordano đã mua được những tấm thẻ “rookie” Mickey Mantle Topps năm 1952 với giá 50.000 USD từ một nhà sưu tập bóng chày huyền thoại tên là Al “Mr. Mint” Rosen.
Tháng 8 năm ngoái, Giordano đã bán tấm thẻ đó với giá 12,6 triệu USD. Giordano nói với Robb Report rằng mức giá kỷ lục khiến anh không thể không nhớ đến tất cả các tấm thẻ Mickey Mantle mà mình đã từng kẹp vào nan hoa xe đạp hoặc mua bán với bạn bè . “Nếu hồi đó chúng ta biết chúng đáng giá bao nhiêu thì...” - Giordano cười nói.
Thẻ Mantle trong trận đấu để đời không có gì bất thường. Tại Sotheby’s vào tháng 9, một người đấu giá ẩn danh đã trả 10,1 triệu USD – tức gấp đôi mức ước tính – cho chiếc áo thi đấu mà Jordan mặc trong trận chung kết mùa giải “Last Dance” với đội Chicago Bulls năm 1998. Con số này đánh bại mức giá kỷ lục 9,3 triệu USD cho chiếc áo thi đấu đẫm mồ hôi mà Diego Maradona đã mặc khi ghi bàn thắng “Bàn tay của Chúa” cho Argentina trong trận tứ kết World Cup 1986. Người bán chiếc áo này là cựu cầu thủ bóng đá Steve Hodge, người có tầm nhìn xa để đổi áo đấu với Maradona trên sân vào ngày hôm đó sau khi cầu thủ người Argentina gần như một mình chấp hết đội tuyển Anh.
Trên thực tế, chúng tôi không thể chắc chắn rằng những cái gọi là giá cao nhất này có thực sự là giá cao nhất hay không, bởi vì có một thị trường lành mạnh về các giao dịch cá nhân ngoài lề các cuộc đấu giá, cửa hàng trên eBay và hội nghị kinh doanh. Lĩnh vực này lớn như thế nào? Nhóm tư vấn Market Decipher ước tính giá trị của các kỷ vật thể thao trên toàn cầu là 26,1 tỷ USD vào năm 2021, đồng thời dự đoán nó sẽ đạt 227,2 tỷ USD vào năm 2032.
Việc tham dự Hội nghị các nhà sưu tập thể thao quốc gia thường niên (National Sports Collectors Convention) được tổ chức tại Chicago vào tháng 7 năm nay phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ từ các đại lý và người hâm mộ. Ray Schulte, giám đốc truyền thông, cho biết chỉ bốn năm trước, hội nghị đã thu hút khoảng 50.000 du khách. Những con số đó đã tăng gấp đôi lên khoảng 100.000 người trong hai năm qua, khiến hội nghị mở rộng 50% diện tích trong năm nay, từ 400.000 lên 600.000 feet vuông.
Tất cả động lực này đang thúc đẩy các doanh nghiệp mới, chẳng hạn như những công ty phân loại chất lượng, các công ty dùng hình ảnh có độ phân giải cao để kiểm định tính xác thực của món đồ được sử dụng trong thể thao cũng như các công ty bảo hiểm nắm bắt được giá trị của một chiếc ghế trong Sân vận động Yankee có chữ ký của ngôi sao bóng chày Derek Jeter.
Giá trị của những thứ tưởng như kỳ quặc
Khi thị trường kỷ vật thể thao đạt đến độ trưởng thành, hai loại nhà sưu tập đã xuất hiện. Một số chuyên về thẻ và vé có chữ ký, trong khi số khác có xu hướng mua quần áo và thiết bị đã qua sử dụng. Các quy tắc của hai kiểu nhà sưu tập cũng rất mâu thuẫn.
Để có được giá trị, các tấm thẻ phải hiếm có và không tì vết. Đáng chú ý nhất bao gồm thẻ “rookie” ’52 Mantle từ Topps và thẻ bóng chày T206 Honus Wagner, được phát hành từ năm 1909 đến năm 1911, trong đó được cho là có khoảng 50 chiếc còn tồn tại. Các thẻ được xếp loại chuyên nghiệp từ 1 đến 10 bởi một số cơ quan. Mẫu vật trị giá 12,6 triệu USD của Giordano đạt điểm 9.5, tức gần như hoàn hảo: không có vết lõm, góc cong hay lỗi in. Tình trạng nguyên sơ có một ý nghĩa hơi khác đối với trang phục và phụ kiện thể thao: Đồng phục phải chưa từng nằm trong máy giặt hoặc tiệm giặt khô. Mồ hôi, bụi bẩn, máu, và nước mắt của ngôi sao thể thao chính là những thứ làm gia tăng giá trị cho món đồ.
Bởi vậy mà những gì gắn với cuộc đời hay sự nghiệp của ngôi sao thể thao đều được săn đón. Những lọn tóc của Mickey Charles Mantle - một trong số rất ít cầu thủ bóng chày có sức mê hoặc khán giả - đã được giới sưu tập lùng sục. Thậm chí còn có không ít người hâm mộ háo hức mua những chiếc chìa khóa mà cầu thủ bóng chày này từng sở hữu. Sotheby’s đã bán đấu giá một tấm ván sàn có kích thước 60x48 inch từ sân bóng chày ở Salt Lake với giá 17.780 USD.
Giordano, người đã để vuột cơ hội mua một bao thuốc lá có in ảnh Mickey Mantle, cho biết: “Những thứ tưởng như kỳ quặc lại có thể mang lại cho bạn rất nhiều tiền. Tôi đã cùng cháu trai xem một trận bóng chày và đã bỏ lỡ cơ hội quý giá đó,” - Giordano nói về màn đấu giá trực tuyến với sự tiếc nuối.
Sôi động thị trường mua bán kỷ vật thể thao
Để thu hút sự quan tâm đối với các kỷ vật thể thao, Netflix đã tung ra loạt phim tài liệu có tiêu đề King of Collectibles: The Goldin Touch, thể hiện hành trình rong ruổi của Ken Goldin – nhà sáng lập hãng đấu giá Goldin – trên khắp nước Mỹ để mua bán găng tay của các vận động viên đấm bốc, thẻ bóng chày và áo bóng chày bằng vải nỉ dính máu trong khi cố gắng thuyết phục cô con gái mê thời trang của mình tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.
Goldin đã kinh doanh các kỷ vật thể thao từ khi còn nhỏ và đã có thời gian bán nó trên QVC và HSN cho đến khi việc kinh doanh chậm lại sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ông thành lập Goldin vào năm 2012, đạt doanh thu 800.000 USD trong năm đó. Ông nói, doanh thu năm ngoái nằm trong khoảng 300 triệu USD. Chính Goldin là người gần đây nhất đã bán đôi giày Jordans. Dù mức giá kỳ vọng của ông là quá cao - từ 3,5-7 triệu USD – nhưng mức giá đạt được vẫn rất ấn tượng.
Goldin chia sẻ rằng hình thức sưu tập đặc biệt này bắt nguồn từ niềm đam mê của các cậu bé. Ít nhất 99% những nhà sưu tập trong hạng mục này là nam giới. Điều đó có thể giải thích tại sao những người thuộc thế hệ Baby Boomer có nhiều khả năng mua thẻ bóng chày của Willie Mays hơn trong khi thế hệ X và thế hệ Millannial nghiêng về Magic Johnson và Kobe Bryant.
Đối với những người hâm mộ các sự kiện thể thao quy mô như Olympic Games hay World Cup, những món đồ mà các thần tượng của họ chạm vào có thể mang nhiều ý nghĩa lịch sử, chẳng hạn như ấn bản đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ. Goldin giải thích: “Đối với nhiều người, điều đó cho bạn cảm giác như thể bạn đã ‘chụp’ được một khoảnh khắc quan trọng.”
Một số nhà đấu giá lớn như Sotheby’s và Christie’s đều tập trung tăng cường hạng mục này với việc bán các mặt hàng như áo thi đấu “Last Dance” của Michael Jordan. Tuy nhiên, lĩnh vực này bị chi phối bởi các nhà đấu giá chuyên nghiệp do những người điều hành đã giúp tạo ra thị trường và phục vụ cho các “tân binh” trẻ tuổi bằng cách bán đấu giá những món đồ rẻ tiền.
Đối thủ chính của Goldin là Chris Ivy, giám đốc phụ trách mảng kỷ vật thể thao tại Heritage Auctions, người đã bán thẻ Mickey Mantle trị giá 12,6 triệu USD cho Giordano. Giống như Goldin, Ivy đã sưu tập các tấm thẻ thể thao từ khi còn nhỏ. Ông cho biết hạng mục này mang lại doanh thu 2 triệu USD cho công ty vào năm 2003. Vào năm 2022, công ty đã nhận được các kỷ vật thể thao trị giá gần 180 triệu USD, với hơn 10 triệu USD trong số đó đến từ các phiên bán hàng cá nhân.
Năm nay, Heritage Auctions sẽ tổ chức 6 cuộc đấu giá lớn và 52 cuộc đấu giá trực tuyến hàng tuần cho những lô ít giá trị hơn, với những món đồ có giá khởi điểm chỉ vài USD.
Lựa chọn cho nhà đầu tư thông minh
Giá giảm nhẹ vào đầu những năm 2000 và giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính. Khi đại dịch ập đến, những người đàn ông bị mắc kẹt ở nhà bắt đầu thấy ngứa ngáy chân tay. Những cuộc dạo chơi trên Internet mang lại hứng thú cho họ. “Mọi người cảm thấy kiểu đầu tư truyền thống đã không còn hấp dẫn vì có quá nhiều người tham gia. Vì thế, họ bắt đầu quan tâm đến các tài sản thay thế.” – Ivy cho biết.
Ví dụ như trường hợp của thẻ bóng chày. Kỷ lục đấu giá đã bị phá bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 8/2022, tăng từ 5,2 triệu USD lên 12,6 triệu USD. Hay như thẻ “rookie” Mantle Topps và T206 Wagner thay phiên nhau đứng đầu bảng xếp hạng.
Ben Thornhill, cố vấn đầu tư ở Nam California, thu thập gậy bóng chày, áo thi đấu, mũ bảo hiểm và mũ lưỡi trai được sử dụng trong thể thao với chiến lược kết hợp giá trị đầu tư với niềm đam mê. “Nó cho bạn cảm giác như thể đang sở hữu một tác phẩm nghệ thuật vậy,”- ông nói về bộ sưu tập của mình.
Ben Thornhill sở hữu những chiếc gậy bóng chày của Willie Mays và Mickey Mantle, nhưng chiếc gậy yêu thích nhất là của George Brett, người đã từng nổi tiếng vì sử dụng một lượng nhựa thông “bất hợp pháp” để tạo ma sát cho chiếc gậy của mình. Cây gậy đó hiện đang nằm ở Hội trường Danh vọng Bóng chày Quốc gia, nhưng một cây thuộc sở hữu của Thornhill có một thứ đặc biệt mà nhà sưu tập tin là các rãnh ngón tay của cầu thủ Kansas City Royals được bảo quản bằng nhựa thông trên cán gậy.
Thornhill cảm thấy thị trường kỷ vật thể thao cổ điển khan hiếm vẫn còn non trẻ. Trang web MLBShop. com của Giải bóng chày nhà nghề Major League tràn ngập bóng chày, vé, giày chưa sử dụng và thậm chí là bản sao áo thi đấu có chữ ký của cầu thủ giao bóng đội Los Angeles Angels Shohei Ohtani có giá lên tới 9.999 USD. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, giá trị của một món đồ bắt nguồn từ độ hiếm, tình trạng, ý nghĩa lịch sử của nó chứ không phải chữ ký, vì vậy đừng lãng phí tiền của bạn vào những quả bóng mới cóng được ký theo kiểu dây chuyền lắp ráp.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của thị trường có tổ chức dường như báo hiệu sự biến mất của sở thích này, với ít người sưu tập hơn như Chuck Tarantino, giám đốc điều hành viễn thông ở New Jersey, người bắt đầu mua thẻ bóng chày vào năm 1975. Lần đầu tiên ông trả tiền để xin chữ ký là vào năm 1982, khi trao 1 USD cho Bobby Thomson, vận động viên bóng chày của đội New York Giant, để đổi lấy chữ ký của người này. “Lần đầu tiên tôi gặp Mickey Mantle, chữ ký của anh ấy có giá 7 USD,” - Tarantino cho biết. Ước tính, Chuck Tarantino đã thu thập được 40.000 chữ ký, khoảng 1/3 trong số đó là miễn phí bằng cách lẵng nhẵng bám theo “đối tượng”.
Giordano, người đã bán thẻ “rookie” Topps Mickey Mantle 1952 với giá kỷ lục vào 8/2022, cho rằng giá trị chưa được khai thác vẫn còn dành cho những nhà đầu tư thông minh, am tường lịch sử thể thao và đam mê sưu tập.