Vào một buổi chiều tháng 5 giữa trung tâm Sài Gòn, một nhóm bạn trẻ thanh lịch thu hút ánh nhìn của mọi người trong buổi tiệc cocktail. Không ai trong số họ trưng trổ phục sức hàng hiệu đắt tiền ngoài những bộ cánh đơn giản. Các cô gái dịu dàng trong những chiếc váy xẻ tà, áo khoác dáng dài, còn các chàng trai lại chỉn chu, lịch lãm trong những bộ suit cách điệu bằng chất liệu tỏa sắc đen tuyền óng ả, phản chiếu ánh sáng. Chất vải bình dị nhưng độc đáo ấy là Lãnh Mỹ A, hay còn được mệnh danh là “nữ hoàng tơ lụa” với quy trình sản xuất phức tạp và kéo dài, được nâng niu trong những bộ sưu tập thời trang cao cấp của nhiều nhãn hàng trong nước và quốc tế.
Cầu kỳ như Lãnh Mỹ A
Lụa Lãnh Mỹ A là loại vải cao cấp với lịch sử phong phú ăn sâu vào văn hóa Việt Nam. Với sắc màu đen tuyền, mềm mại, cùng bề mặt sáng bóng theo thời gian, Lãnh Mỹ A từ lâu đã được giới chính trị gia cao cấp săn đón. Tên gọi “nữ hoàng tơ lụa” có lẽ vì vậy cũng được ưu ái dành riêng cho lụa Lãnh Mỹ A như một cách để thể hiện những đặc tính nổi bật của loại vải này.
Lãnh Mỹ A được sản xuất tại Tân Châu (An Giang), sử dụng tơ thiên nhiên từ Bảo Lộc - một địa danh chuyên nuôi tằm chất lượng có nguồn gốc từ núi Phú Sĩ, Nhật Bản. Quy trình sản xuất loại vải này đòi hỏi sự chuyên nghiệp từ những người thợ dệt. Họ phải đảm bảo cẩn thận tối đa để đưa từng sợi tơ qua khung dệt và dệt vải chéo twill hoàn hảo. Sau đó, công đoạn nhuộm được thực hiện bởi các nghệ nhân tại Tân Châu. Vải được nhúng vào nhựa cây mặc nưa, giặt xả ở sông Mê Kông và cuối cùng là đập bằng đầu búa khổng lồ để nhựa cây bám sâu vào lõi lụa và tạo ra độ bóng đặc trưng cho vải.
Là một đơn vị hiếm hoi luôn kiên định với việc sản xuất Lãnh Mỹ A theo phương pháp tự nhiên và hướng đến các giá trị bền vững tại Tân Châu suốt gần 30 năm qua, Công ty TNHH Thiên Hồng vẫn tuân thủ quy trình 4 bước và gần 20 công đoạn trong thời gian gần 4 tháng để tạo nên thành phẩm hoàn thiện. Theo chia sẻ của ông Võ Hồng Sơn, CEO Thiên Hồng, công đoạn cầu kỳ nhất chính là bước nhuộm vải, bao gồm khoảng 6 lớp (da), với hơn 100 lần nhuộm phơi, 10 lần giặt xả cùng 5,6 lần đập và xả để màu mặc nưat hấm sâu vào tơ,tạo ra thớ vải dày, nặng, đen bóng, khó phai màu.
Cũng theo vị CEO này, bí quyết làm nên sự tinh xảo và giá trị của loại lụa nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 này chính là ở kết cấu 12 nghìn sợi tơ dọc trên khổ vải 90cm, tạo cho vải mật độ siêu dày đặc từ tay nghề của đội ngũ nghệ nhân tâm huyết. Bên cạnh đó, vải được nhuộm 100 lần bằng mủ mặc nưa sẽ tạo độ bền lên đến 30 năm, giúp cho người mặc có cảm giác ấm vào mùa đông nhưng vẫn mát mẻ vào những ngày hè. Đặc biệt, vải Lãnh Mỹ A càng giặt lại càng cho bề mặt bóng, đẹp lạ thường.
Chinh phục thử thách
Dù được xem là di sản của quốc gia nhưng Lãnh Mỹ A vẫn không tránh khỏi nguy cơ bị mai một do thời gian sản xuất kéo dài với số lượng giới hạn đến từ việc chủ yếu dùng sức người và sự khéo léo của nghệ nhân thay vì công nghệ máy móc. Bản thân đơn vị sản xuất như Thiên Hồng cũng nhận thức rõ về thị trường nhỏ hẹp, kén khách do Lãnh Mỹ A chỉ có màu đen và giá thành cao. Bên cạnh đó, mặc nưa là loại cây lâu năm nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế nên dễ dàng bị thay thế bởi cây ăn trái, khiến cho nguyên liệu đầu vào càng khan hiếm. Ngoài ra, nguồn thợ tay nghề giỏi cũng không được đảm bảo do tình trạng bỏ nghề tăng cao khi không đủ đơn hàng ổn định quanh năm.
Để “gỡ khó” cho Lãnh Mỹ A, Thiên Hồng và xưởng sản xuất tại Tân Châu vừa tích lũy kinh nghiệm trong gần 3 thập kỷ, vừa mở rộng hợp tác đầu tư trồng mặc nưa để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhuộm dài lâu, trong khi tìm đầu ra để xưởng được hoạt động liên tục. Cùng với đó, nhiệm vụ phát triển và xây dựng đội ngũ thợ thủ công được đặt lên hàng đầu để góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống độc đáo của Việt Nam. Theo đó, hai đơn vị đã và đang triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho thế hệ trẻ nhằm tạo đội ngũ kế cận cho tương lai. Việc đào tạo được tiến hành bằng cách chia nhỏ các công đoạn để các thợ trẻ mới vào nghề có thể bắt đầu từ những bước dễ nhất. Họ sẽ được đào tạo liên tục trong quá trình cọ xát thực tế với những nội dung được tài liệu hóa bài bản và chuyên sâu.
Hiện Lãnh Mỹ A do Thiên Hồng và xưởng sản xuất Tân Châu tạo ra gần như độc chiếm thị trường Việt và trở thành nền tảng cốt lõi cho những bộ sưu tập thời trang của các thương hiệu trong nước với mục tiêu tôn vinh văn hóa truyền thống Việt Nam như Hanoia và Metiseko hay vươn xa sang các thị trường Trung Quốc, Singapore và châu Âu.
Cứ thế, giữa dòng chảy thời đại của thời trang nhanh đang chiếm ưu thế, thớ vải Lãnh Mỹ A vốn được sản xuất tỉ mẩn, cầu kì theo định hướng tự nhiên, bền vững vẫn nhẹ nhàng tỏa sáng và giữ vị thế riêng. Đây có lẽ là minh chứng cho một quan niệm rằng thời trang chậm vốn chú trọng vào bí truyền thủ công sẽ luôn trường tồn để chinh phục những tín đồ duy mỹ, bất kể đó là thời nào.